Chiều trên phá Tam Giang – Tô Thùy Yên & Trần Thiện Thanh

Bài viết kỳ này xin gửi tặng thương xá Tax ở Saigon, sắp bị phá hủy. “Giờ này thương xá sắp đóng cửa”Bên cạnh những ca khúc thời trang, dễ nghe, nhạc cổ động, nhạc lính, ca nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh còn có những bài hát đẹp, rất đẹp. Một trong những bài hát ấy, đẹp nhất chính là Chiều trên phá Tam Giang. Cần nói rõ rằng, nhạc của Trần Thiện Thanh bài nào cũng hay tài tình. Nhưng ta nên phân biệt giữa những bài theo thể điệu dân gian boléro hoặc mambo, với những ca khúc có cấu trúc phức tạp và ca từ thơ mộng hơn.Bài hát Chiều trên phá Tam Giang được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Tô Thùy Yên. Ông là một nhà thơ lớn trong nhóm Sáng tạo, là một gương mặt thi ca quý phái và độ lượng. Về con người Tô Thùy Yên, thiết nghĩ chỉ cần đọc một bài thơ Ta về của ông là đủ, để thấu hiểu và quý mến.Bài thơ dài, có ba trường đoạn tách biệt. Trần Thiện Thanh chỉ phổ nhạc đoạn thứ hai, chính là đoạn thơ mộng và cảm động nhất. Mây Ngàn xin mời quý vị và các bạn cùng nghe tại đây, qua tiếng hát Khánh Ly.

1.

Chiếc trực thăng bay là mặt nước

Như cơn mộng nhanh.

Phá Tam Giang, phá Tam Giang,

Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát,

Cát hôn mê, nước miệt mài trôi.

Ngó xuống cảm thương người lỡ bước,

Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi.

Phá Tam Giang, phá Tam Giang,

Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ.

Chiều giòn tan, nắng động nứt ran ran.

Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ,

Thơm cả thiết tha đời.

Rào rào trận gió nhám mặt mũi.

Rào rào trận buồn ngây chân tay.

Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ

Từng đoàn như trẻ ghê ma.

Ta ngó thấy thùy dương gẫy rũ

Từng cây như nỗi bất an già.

Ta ngó thấy rào chà cản nước

Từng hàng như nỗ lực lao đao.

Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc

Từng ngôi như miệng đất đang gào.

Vì sao ngươi tới đây?

Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói

Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam.

Vì sao ta tới đây?

Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn,

Dưới mắt ngươi làm tên lính ngụy.

Ví dầu ngươi bắn rụng ta

Như tiếng hét

Xé hư không bặt im,

Chuyện cũng thành vô ích.

Ví dầu ngươi gục

Vì bom đạn bất dung,

Thi thể chẳng ai thâu,

Nào có chi đáng kể.

Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng,

Ví dầu các việc người làm, các việc ta làm

Có cùng gom góp lại,

Mặt đất nầy đổi khác được bao nhiêu?

Ngươi há chẳng thấy sao

Phá Tam Giang, phá Tam giang ngày rày đâu đã cạn?

Ta phá lên cười, ta phá lên cười

Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ

Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin,

Hỏi nhau chơi thỏa chút tính bông đùa:

Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh

Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?

Các việc ngươi làm,

Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm.

Các việc ta làm,

Ta xét thấy chẳng ra chi.

Nên người hăng điên, còn ta ảm đạm

Khi cùng làm những việc như nhau.

Ta tự hỏi vì sao,

(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)

Và ta tự trả lời.

(Có bao giờ ngươi tự trả lời?)

Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ

Phải quạt, phải quạt

Chỉ vì nó phải quạt.

Ta thương ta yếu hèn.

Ta thương ngươi khờ khạo.

Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng,

Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử,

Cùng mê sa một con dĩ thập thành.

Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận.

Chiều trên phá Tam Giang im lìm âm cảm thông.

*

2.

Chiều trên phá Tam Giang

Anh sực nhớ em

Nhớ bất tận.

Giờ này thương xá sắp đóng cửa.

Người lao công quét dọn hành lang.

Những tủ kính tối om.

Giờ này thành phố chợt bùng lên

Để rồi tắt nghỉ sớm.

(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm.

Sài Gòn không còn buổi tối nữa.)

Giờ này có thể trời đang nắng.

Em rời thư viện đi rong chơi

Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh

Viền dòng trời ngọc thạch len trôi.

Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối,

Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn,

Quyển sách mở thâu đêm.

Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỉ.

Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường

Mà cô gái nào cũng nghĩ tới.

Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh

Một cách tự nhiên và khốn khổ.

Giờ này có thể trời đang mưa.

Em đi nép hàng hiên sướt mướt,

Nhìn bong bóng nước chạy trên hè

Như những đóa hoa nở gấp rút.

Rồi có thể em vào một quán nước quen

Nơi chúng ta thường hẹn gặp,

Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao

Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ.

Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh,

Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi

Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn.

Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng

Của chiến tranh mà em không biết rõ.

Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng

Một điều em sợ phải nghĩ tới.

Giờ này thành phố chợt bùng lên.

Chiều trên phá Tam Giang

Anh sực nhớ em

Nhớ bất tận.

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi

Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi

Như những mặt trời con thật dễ thương

Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi,

Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya.

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi,

Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích

Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng,

Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại.

Anh yêu, yêu nuối tuổi hai mươi,

Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi

Một cành mai nhị độ.

Thấy tình yêu như vận hội tàn đời

Để xé mình khỏi ác mộng

Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân.

Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại!

*

3.

Chiều trên phá Tam Giang,

Mày nhìn con nước xiết

Chảy băng bờ bãi ngổn ngang câm.

Nghĩ tới, nghĩ tới những công trình mày có thể hoàn thành

Mà rồi mày bỏ dở.

Nghĩ tới kiếp người đang lỡ độ đường

Trên mịt mùng nghi hoặc.

Nghĩ tới thanh xuân mất tích tự đời nào

Còn lưu hậu chua cay hoài vọng.

Nghĩ tới khu vườn ẩn cư cỏ cây khuất lấp,

Căn nhà ma ám chầy ngày gió thổi miên man

Đụt tuổi già bình an vô tích sự

Như lau lách bờm sờm trên mặt sông nhăn

Cùng cái chết.

Cái chết lâu như nỗi héo hon dần

Làm chính mình bực bội.

Gió muôn ngàn năm thổi lẽ tuần hoàn

Cho cỏ cây thay đời đổi kiếp.

Và mày kinh sợ nghe nhắc điều vượt sức bình sinh

Bởi mày không đủ dạn dày trình diễn tới lui cơn thất chí

Như gã hề cuồng mưu sinh giữa chốn đông người

Với từng ấy tấn tuồng bần tiện

Rút ra từ lịch sử u mê.

Giói thổi thêm đi, gió thổi thêm đi

Cho cỏ cây mau chết, mau hồi sinh.

Mày mặc kệ.

Chiều trên phá Tam Giang

Có gã hề cuỗng buông tiếng cười lạnh rợn

Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng

Dớn dác ngó.

Tô Thùy Yên

Sáng tác tháng 6, năm 1972