Sau năm 1954, Phạm Duy đã sáng tác nhiều bài hát propaganda, thể hiện một thái độ chính trị quyết liệt, dữ tợn. Tuy nhiên, cũng như nhiều nghệ sĩ khác, ông đã sớm nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh phi lý đang bao vây khắp đời sống của mình. Như ông đã viết trong hồi ký: “Thảm kịch Mậu Thân thay đổi cuộc đời, thay đổi thái độ sống của nhiều người, ảnh hưởng vào sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ. Riêng tôi, nói về thành phố Huế yêu thương và đau thương, ngày nào tôi mơ một chiều nao đốt lửa rực đô thành, giấc hoả mộng của tôi là giấc mơ nghệ thuật, giấc mơ ánh sáng. Thảm kịch Mậu Thân cho tôi trực diện hơn nữa với bộ mặt thực của cuộc chiến tranh Nam-Bắc tương tàn để từ đây những sáng tác của tôi không thể nào dửng dưng được nữa.” Bài hát Bà mẹ Phù Sa là một bài “dân ca mới” (theo cách gọi của ông), và lạ; một câu chuyện ngụ ngôn lạ thường và bi đát của Việt Nam. Mây Ngàn xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị và các bạn qua tiếng hát của cô Hoàng Oanh tại đây.
Mẹ người, mẹ người ở xóm Phù Sa
Mới năm mươi tuổi đã già như tám mươi
Mẹ ngồi, mẹ ngồi bấm đốt ngón tay
Xóm tuy là tuy xóm nhỏ
Đổi thay, đổi thay bao lần
Ù là ù ù ơ, ù ụ ơ!
Không ai chê Việt Nam
Dân tộc ta thiếu sức hùng
Mà người thì quanh năm
Phải ôm lấy hãi hùng
Năm mươi năm làm dân
Chưa được mấy lúc mừng
Vậy mà Mẹ không than
Chỉ sống với lòng thương
*
Mẹ già, mẹ già ở túp lều tranh
Đói no ai biết rách lành ai có hay?
Một ngày, một ngày tháng tám năm sáu mươi hai
Có anh là anh Ba cán bộ về đây về đây tuyên truyền
Hò là hò hò khoan, ớ hò khoan!
Anh thưa anh học xong
Chiến lược giữ xóm làng*
Mẹ gật gù nghe anh, và xin rất cám ơn!
Đang khi anh cười vang,
Ai nổ súng dưới vườn?
Mẹ vội lùa anh Ba vào trốn dưới gầm giường.
*
Mẹ cười, mẹ cười trông cũng thiệt là vui
Bước ra đón khách, thấy người cũng rất quen
Mẹ mời, mẹ mời anh miếng bánh men
Hỏi thăm sức khoẻ và khen anh hiền lành
Đồ là đồ mi fa, són đồ mị fa
Anh xưng tên là Tư, đi giải phóng xóm làng
Mẹ gật gù nghe anh, và xin rất cám ơn!
Trông ra trên đường mương
Quân đội Mỹ tới gần
Mẹ vội lùa anh Tư cũng vào trốn dưới gầm giường…
*
Tới đây là xong nửa chuyện
Không biết rồi ai sẽ cứu ai?
Ai sẽ cứu ai?
Phạm Duy
Tâm phẫn ca, 1968
*Ghi chú: Ấp chiến lược