Văn nghệ và cuộc sống – Vũ Khắc Khoan

Mây Ngàn đã từng giới thiệu tuần báo Nghệ Thuật trong một bài viết trước đây. Hôm nay, xin gửi đến bạn đọc một bài viết thường kỳ trên tờ báo này, Văn nghệ và cuộc sống, trong mục Những ghi nhận hằng ngày, do Vũ Khắc Khoan đảm trách. 

19-12-1965

Nhớ lại ngày này tháng này 19 năm xưa. Súng mọi cỡ 20 giờ khai hỏa ngang dọc ba mươi sáu phố phường, họng súng khạc hoa đăng, lòng người lớp lớp mở hội nhạc quân hành và dân hành, có năm cửa ô bắt nhịp, có sóng sông Hồng, sông Mã gầm lên lời điệp khúc.

Lời điệp khúc là vui là giết thực dân.

Nhớ lại mà ngùi ngùi. Còn gì? Một dư vị chua chua chát chát. Một gueule de bois [1].

21, 22-12-1965

Đọc lại một vài đoạn Văn nghệ và Cuộc sống đã viết, đã in, đôi lúc giật mình vì qua những dòng tạp ký, chợt nhận thấy chập chờn bóng dáng một cái “tôi” xa lạ, một cái “tôi” hoảng hốt đang trưởng thành, đang muốn chọn tự do, đang muốn được khai sinh thành một nhân vật.

Tôi đâu muốn như vậy. Tôi đã tự hứa hết sức chân thành, hết sức trung thực với chính mình, ngay từ buổi đầu cầm bút ghi lời độc thoại. Tôi biết rằng chỉ với điều kiện đó, lời độc thoại mới giữ nguyên giá trị một phát biểu trực tiếp của tâm sự bất bình.

Nhưng, từ tôi phút ấy sang tôi phút này, một nhân vật bỗng ngang nhiên xuất hiện. Là tôi-tiềm-thức, là tôi-vô-thức? Nhưng cũng suy tư, hành động, cũng yêu yêu ghét ghét. Và đòi quyền sống. Và đòi đất sống.

Tôi đâu muốn viết tiểu thuyết? Tôi đâu muốn ăn gian?

24-12-1965

Nhìn qua cửa sổ tầng thứ ba xuống một ngã tư Saigon, chóng mặt vì xe cộ và đám đông lúc nhúc đủ giống người: Mỹ, Việt, Ấn, Pháp, Đại Hàn, Trung Hoa…, mà bắt thương cho Chúa Kitô vào giờ này đang sửa soạn nhập nhục, giáng sinh để cứu vãn loài người. Tôi có cảm tưởng loài người dưới kia đâu có cần cứu vãn? Loài người mua hoa, mua rượu, kỳ cọ, chải đầu, liếc nhau, nghênh nhau, yêu nhau, ghét nhau. Loài người chắc không còn nghĩ đến một Adam không rốn, một Eva tham ăn trái chín và một con rắn xui nguyên giục bị.

Nhìn đám đông nhầy nhụa, tôi nghĩ rằng trên bình diện hình nhi thượng phải có bảy lần Hồng Thủy và trên bình diện hình nhi hạ [2], riêng cho nước Việt Nam cả Nam lẫn Bắc, phải có tới 365 Robespierre [3] làm việc ngày đêm đủ 365 ngày. Có như vậy, may ra Đạo lớn người nước Lỗ mới có dịp mặc áo mùa xuân đi tắm sông Nghi [4].

30-12-1965

Một mình trong một gian phòng có một bàn, một ghế, một giường, lặng nghe gió Dalat thổi một chiều, trằn trọc suốt một đêm vừa tan cơn sốt. Đọc lại một vài trang Camus.

Có hai chặng đường trên hành trình cô độc của Camus. Chặng đường đầu là chặng đường phi lý: chả có gì cả, đời là ngẫu nhiên, hành động đều là hành động vô cớ, vô nghĩa, vô lý, tất cả là những dòng suối nhỏ góp lại thành một con sông từ từ chảy mất hút vào lòng biển cả. Chặng thứ hai mà cũng là chặng quyết định bắt đầu bằng một câu hỏi tại sao đặt ra một sớm nọ khiến con người bừng tỉnh, như bừng tỉnh một cơn ác mộng, mồ hôi lạnh rợn người nơi gáy. Con người đối diện với một thực tại: sự phi lý. Nhưng Camus bắt con người tiếp tục hành trình. Cuộc sống không ở đây. Cuộc sống ở bên kia, ở bên kia bờ tuyệt vọng.

Tôi hiểu tại sao người ta không mê Camus. Và tôi hiểu tại sao người ta mến Camus.

Vũ Khắc Khoan

Tuần báo Nghệ Thuật, số Xuân 1966

Chú thích của Mây Ngàn:

[1] Gueule de bois: Dịch sát nghĩa sang tiếng Việt là miệng khô như củi, tiếng Anh có từ tương đồng là hangover – một cơn rượu chè say sưa túy lúy.

[2] Hình nhi thượng – Hình nhi hạ: tiếng Việt xưa, dùng trong triết học, lần lượt có nghĩa là siêu hình và hữu hình.

[3] Maximilien Robespierre: Nhà lãnh đạo Cách mạng Pháp năm 1789.

[4] Sông Nghi miền nam nước Lỗ, Trung Hoa xưa, là nơi mà ông Tăng Tích ước muốn được sống thanh nhàn, cùng ít nhiều bạn bè tắm mát rong chơi, trong những ngày cuối xuân đầm ấm.