Hôm nay xin dành cho Nguyễn Đức Sơn, một gương mặt trẻ tuổi ngông cuồng và phủ nhận nhưng là một tác giả đáng đọc nhất của văn chương miền Nam. Mây Ngàn giới thiệu một độc thoại và độc ảo tưởng nên thơ của ông.
“Có nên lấy cái vé cao nhất không? Sao lại không? Nhưng ô kìa sao mình keo bẩn thế?” Trương chần chừ, do dự, chỉ mong muốn một sự tình cờ nào đến giải quyết. Trương thấy khó chịu với chính mình khi biết mình không dứt khoát nổi những việc cỏn con trong đời sống. Nhưng đây có phải là một việc cỏn con không? Trương liếc nhanh về phía đứa con gái bây giờ đang dồn với chàng vào khoảng giữa lòng chuyến xe buýt Gia Định – Chợ Lớn. “Sao mình keo bẩn thế? Có thể nào mình bần tiện đến mức đó không?”. Trương nghĩ như vậy nhưng không trả lời. Thì cho cao tay lắm giá cái vé lớn nhất cũng chỉ có năm hay sáu đồng thôi. Mà cái vé Trương vẫn lấy thường nhật mỗi trưa dạy học ở Bình Dương về Bà Chiểu để đi đoạn đường chuyến buýt đặc biệt này giá đã hai đồng (có mang mấy chữ Bà Chiểu – Chợ Trương Minh Giảng) rồi. Trương không thể keo bẩn một cách kỳ cục như vậy.
“Đi đâu?” Người bán vé đã đến chỗ chàng đứng.
Chàng tính nói: “Vé tối đa” như bao nhiêu lần phiêu lưu khác khi bắt gặp một dáng dấp hay hay nào đó trên cùng chuyến bút. Nhưng rồi chàng lại do dự.
“Đi đâu?” Người bán vé giục giã.
“Thì cứ mua mẹ nó cái vé tối đa đi rồi mình muốn xuống đâu thì xuống, sao lại tiếc mấy đồng bạc”. Trong phút chốc chàng đã tự trách như vậy. Nhưng cơn đau đầu gần như kinh niên lại tấn công Trương. Chung quanh đầu Trương như có một khối vật nào thoạt đè nặng, thoạt giở lên. Cơn nóng lạnh, hâm hấp mồ hôi đã phát ra lúc 9 giờ 30 sáng khi chàng vừa phụ trách xong hai giờ Anh Văn lớp đệ tứ để tiếp đến lớp đệ nhị. Khoảng gần ba mươi cây số trên chiếc xe đò có chỗ dựa khá êm cùng với gió mát làm Trương quên hẳn cơn nhức đầu. Bây giờ nó lại tái phát. Hay đúng hơn nó tái phát từ lúc chàng đứng đợi buýt ở trạm xe Bà Chiểu, leo lên một chiếc xe cũ rích máy nổ rầm rầm đứng yên một chỗ. Và chính nó có khi cũng bay đi một cách lạ lùng khi Trương chú ý đến đứa con gái. “Có thể nào làm đẹp một đứa con gái không?”. Trương vẫn thường nghĩ vậy khi trông thấy những đứa con gái có một sắc đẹp, một dáng dấp hay hay nào đó nhưng chàng biết chắc chắn sẽ thất vọng nếu hoàn cảnh may mắn cho chàng đi thêm một đoạn đường ngắn nữa thôi. Chàng không tin ở ý chí, tài năng, ở tâm hồn chàng. Chàng không tin ở khả năng của chúng để biến tạo một đứa con gái nếu đứa con gái đó đã không có mầm mống thích nghi. Rồi tất cả – trừ những hình bóng hư ảo xa xôi – sẽ trở về cái tầm thường, lì, lợm, ngu, ngốc, u mê của đời sống một người đàn bà. Tưởng tượng đến những đứa bạn gái cùng lớp cùng trường hồi trung học, mấy năm ở Văn Khoa hay những đứa con gái lạ lùng khác rải rác trong bao nhiêu cảnh sắc ngược nhau, chống nhau của cuộc đời, tưởng tượng đến những dáng dấp chàng đã từng mê đắm, chàng đã thất vọng khi tình cờ gặp lại họ. Thôi nhé em, một hột cát nhỏ trong bãi biển hồn anh. Thôi nhé em, anh chỉ lấy đúng cái vé hai đồng như thường nhật mỗi ngày anh có đi dạy học ở Bình Dương về Bà Chiểu để đón buýt về hiệu cơm Trung Hoa trước trạm Chợ Trương Minh Giảng, ăn tạm một cái gì đó trước khi lại đón một chuyến khác từ Saigon chạy về đưa anh lên một khoảng đường xa hơn một chút nữa, nơi có gian phòng cô quạnh của anh. Thôi nhé. Nhưng Trương không thể không liếc mắt nhìn xem đứa con gái đã mua vé nào. Ông bán vé đã xé rất nhanh và dúi vào tay đứa con gái mà không thối lại gì hết khiến chàng không đoán được đứa con gái đưa cho ông ta mấy đồng bạc chì.
Nắng rất gắt tỏa ra khắp nơi và hắt vào xe. Thôi nhé em, anh rất mệt rồi. Đến trạm chợ Trương Minh Giảng là trạm cuối cùng anh có thể đi chung với em, nhìn em. Và sau đó nếu em không xuống, anh bỏ cuộc. Anh phải bỏ cuộc càng sớm càng tốt vì trước sau gì anh cũng biết anh bỏ cuộc như mai kia anh sẽ bỏ cuộc đời này vậy. Nhưng còn cái tên thanh niên kia. Vâng, còn một thanh niên tự nhiên đứng vào cái thế địch thủ của Trương. Bây giờ Trương mới chú ý nhiều đến hắn. Hồi ở trạm Bà Chiểu, hắn cũng ngồi cùng chuyến xe với đứa con gái nếu Trương nhớ không lầm. Và có lẽ họ là hai trong số hành khách đến sớm nhất nên mới có cái may mắn ngồi cùng dãy ghế trên, gần cửa xe. Rồi được một chốc, một chốc thôi, khi Trương cũng bước lên chuyến ấy thì có một nhân viên công quản trong trạm cho biết chiếc xe bị hư, không thể chạy được. Chính lúc ấy Trương mới nghe đứa con gái cười và nói một chút với thiếu phụ bên cạnh: “Lại phải dời xe nữa”. Như vậy là thiếu nữ đã đợi xe khá lâu trước chàng nhưng hai chiếc đều hư và chiếc trước đã bị kéo đi đâu đó. Giọng miền Nam làm Trương thất vọng phần nào. Rồi đứa con gái xuống xe. Dáng hơi thấp hơn Trương một chút và rất vừa tầm. Toàn thể thân hình tỏa ra một mùi băng tuyết kỳ ảo với dáng dấp đang quyến rũ nhất thời của một thiếu nữ. Tên thanh niên thì không thể địch nỗi Trương tuy hắn cũng có vẻ nhanh nhẹn và lịch sự. Hắn cầm một đĩa nhạc nhỏ 33 tours, có lẽ thuộc nhạc kích động Mỹ. Trương đoán điều ấy qua cách trình bày bản nhạc dù không bao giờ chàng nhìn rõ mấy chữ Mỹ khá to trên đó. Tên thanh niên đó bám sát vào đứa con gái mà chắc chắn hắn cũng nhận ra một dáng dấp đặc biệt vô cùng.
Lúc có chuyến buýt đến thay, cả ba đều cố giữ thế. Cả ba đều để cho tất cả hành khách lên xe rồi mới từ tốn lên sau. Nhưng Trương còn làm cao hơn. Chàng bước lên cửa sau trong khi hắn đi theo đứa con gái bước lên cửa trước. Tuy nhiên lúc lên xe rồi thì Trương và đứa con gái như cùng hẹn nhau lọt vào giữa lòng xe. Mãi lúc sau tên thanh niên mới từ từ làm như vô tình tiến lại gần, với một tay cầm đĩa nhạc đụng đến nóc mui xe. Trương thấy mình hách hơn, với chiếc cravate bằng nylon đen nhỏ thắt trên chiếc áo nylfrance rất trắng. Trương nghĩ đến khuôn mặt cô hồn và trời đánh của mình thật ra có ẩn chứa một cái gì rất cha chú. Trương biết mình có thế hơn nhưng chàng cũng không thể khinh địch.
“Hắn có thể… với ý định như mình không?”. Trương tự hỏi khi xe băng qua đường Cách Mạng, nghĩa là đi được gần một nửa đường Trương Tấn Bửu. Lúc này, qua một vài trạm nhỏ, hành khách xuống khá nhiều mà số hành khách mới lên không có bao nhiêu. Xe bắt đầu thưa thớt. Không thể đứng gần nhau sợ dị, cả ba đều không hẹn mà cùng một lúc từ từ nới rộng ra nhưng vẫn canh chừng nhau. Lúc này Trương mới tức tối. Sao lúc đầu không mua cái vé cao nhất. Bây giờ chẳng lẽ mua thêm vé. Như thế thì chắc chắn tên thanh niên kia đoán biết ý định của Trương. Không. Thôi nhé em. Anh chỉ có thể đuổi theo em đến trạm chợ Trương Minh Giảng là trạm cuối cùng. Nếu em xuống trên khoảng đường đó, rất có thể anh xuống theo em, đi ngang qua nhà em, dù phải đi qua bao nhiêu con hẻm nhầy nhụa đầy xú khí dưới trời nắng lửa. Còn nếu em đi xa hơn, anh bỏ cuộc. Anh không đủ sức theo em khi mà phía trước chỉ toàn ảo giác.
Xe bắt đầu thưa. Một trong băng ghế bắt đầu trống. Cả ba không ai ngồi xuống, cả tên thanh niên, đứa con gái và Trương. Chỗ trống ở gần Trương nhất. Và người còn lại – một ni cô – có vẻ muốn ngồi khép lại dành chỗ cho Trương. Cử chỉ vừa làm cho Trương vừa vui vừa buồn. Chàng nhìn ni cô. Khoảng gần hai mươi lăm. Đẹp nghiêm nghị nhưng chắc chắn còn tha thiết một cái gì khác trên đời này ngoài đời sống là lý tưởng tu đạo. Một chút gì đó có thể trong nắng, trên mây, trên dáng dấp rất yêu đời của những đứa con gái nhỏ, trên mái tóc hớt gần trọc của một thanh niên xông xáo, lăn lộn và vật vã như Trương. Một chút gì đó, một chút thôi, nhưng chắc không bao giờ tắt được. Trương muốn ngồi xuống ngay bên cạnh ni cô, ngồi bên cạnh một chút gì đó. Nhưng không hiểu sao thấy bất ổn. Rồi Trương thấy mình lại có lỗi khi không chịu ngồi xuống. Sau cùng chàng nghĩ kỹ nếu ngồi xuống sẽ gặp khó khăn nếu chàng muốn đuổi theo đứa con gái xuống một trạm nào đó thình lình.
“Ngồi vô đi, ngồi vô đi, còn một lô trống kìa!”
Người bán vé đi trở qua chỗ ba người đứng để ra phía sau thu tiền mấy cái vé mới. Ông ta nói như vậy khi đi ngang qua ba người, nói một cách vu vơ, không chỉ định một người nào rõ ràng cả.
“Trạm cuối Trương Tấn Bửu đây. Ai xuống xuống đi!”
Ông kiểm soát vé nói thay lời nhân viên bán vé.
Trương bắt đầu hồi hộp nhẹ nhàng. Thình lình tên thanh niên đưa mắt nhìn thẳng vào người đứa con gái, nhìn khắp nơi, đậu lại rất lâu ở thân người, nơi kết tụ cái dáng dấp uyển chuyển, băng tuyết kỳ ảo. Rồi hắn xoay đi thật nhanh nhảy xuống cửa trước khi xe đã chuyển bánh được vài thước.
“Hắn đã đầu hàng. Không ngờ hắn bỏ cuộc sớm thế”. Trương nói một mình, không còn thích thú. “Nhưng biết đâu hắn khôn ngoan”. Trương lại trầm tư.
Đây là trạm chót trước khi đến trạm Trương Minh Giảng. Nghĩ vậy tức khắc Trương đau khổ. Sau hồi nãy không lấy mẹ nó cái vé tối đa? Có thể nào đứa con gái sắp xuống? Và nếu vậy thì có lẽ định mệnh đã sắp đặt rồi.
Xe bắt đầu quẹo khúc quanh qua Trương Minh Giảng. Vậy là hết. Trạm kia rồi. Chợ kia rồi. Hết. Hết. Nhưng tại sao chịu hết?
Giây phút nhìn chừng đứa con gái, Trương thấy hy vọng của chàng đã chấm dứt vì đứa con gái không chịu nhúc nhích hay có cử chỉ muốn xê dịch nhỏ nào trên xe chứng tỏ mình sắp xuống.
Hết rồi phải không em? Chặng đường này là hết rồi phải không em? Cám ơn rất nhiều đã có ý đứng lại rất gần anh. Cám ơn rất nhiều đã thỉnh thoảng nhìn anh bằng đôi mắt anh không đời nào quên được.
Trương vội vã nhìn thật kỹ đứa con gái một sách sỗ sàng cho thật đã nư. Chàng hoảng hốt trước dáng dấp quyến rũ chưa từng thấy. Có một chút gì hơi quê mùa. Chiếc áo lót cũng vậy. May cái đăng-ten hơi thô. Qua làn áo lụa mỏng chàng đã thấy hết. Không có mùi dầu thơm nào mà chỉ có mùi mồ hôi kỳ ảo. Có một cái gì dơ dơ trong toàn thể thân hình như bắp chuối, như con rắn. Có một nét gì tầm thường trong cách ăn mặc. Nhưng đó chính là tuyệt đỉnh cái đẹp của đứa con gái này. Và có lẽ bất cứ cái đẹp tuyệt đỉnh nào cũng có lẩn khuất đâu đó một cái gì thiếu hụt, bất toàn không thể luận giải nổi. Như những bức họa và bài thơ siêu đẳng. Và cũng như trái đất này nữa chăng?
Một luồng gió thổi vào. Đứa con gái vội khoác hờ tà áo che sát chiếc mông no tròn mà chắc chắn thần thánh cũng sẽ chết giấc nếu chịu nhe răng cắn vào đó một chút thôi (rồi nhả ra ngay). Đường viền chiếc quần cánh cộm lên. Trương đoán chiếc quần cánh đó may bằng tay, hơi rộng một chút, bằng một thứ vải gì phải dày hơn khá nhiều thứ vải mỏng thường được may quần áo lót cho đàn bà con gái nên mới thấy có một sắc độ như vậy. Bây giờ mấy cuốn sách và vở cũng được thay tay cầm. Trương để ý thấy cái gáy của quyển sách Anh Văn. Trong nghề, chàng đoán ngay đó phải là cuốn Let’s learn English cuốn một. Và nếu không có trường hợp bất thường đứa con gái chỉ học khoảng đệ thất, đệ lục thôi. Có lẽ sợ biết mình học hơi thấp và muộn, đứa con gái dấu quyển Anh Văn kia vào trong. “Nếu hắn đang học đệ nhất hay đang là sinh viên chắc chắn yếu tố này sẽ giết mất cái đẹp kỳ ảo trong toàn thể thân hình hắn trưa nay”. Trương nghĩ vậy và chàng chỉ muốn xuống ngay với đứa con gái, đi bất cứ nơi nào trưa nay trong y nguyên áo quần và dáng dấp và mùi hôi và đăng-ten hơi nhà quê dù chàng mệt nhừ vì đường xa. Đừng thay đổi gì hết, dù chiếc áo trắng mà chàng thường ao ước để thế cho chiếc áo dài lụa hơi cũ kia. Không thay đổi, không thể thay đổi một chút nào cả. Chàng ao ước được nắm tay đứa con gái kia đi suốt đời này. Không nghĩ ngợi gì hơn, không thay đổi gì hơn.
“Có nên mua thêm vé không?”
Trương suýt bật thành tiếng nói. Bỗng chàng chú ý đến mấy ngón tay của đứa con gái vuốt hờ mái tóc. Mấy ngón tay có vẻ hơi thô chứ không thon như chàng tưởng. Nhưng biết đâu đó là một trong những yếu tố làm cho tăng thêm cái dáng đẹp tuyệt vời của đứa con gái. Chàng muốn giữ cả những ngón tay đó.
Trương nói thật nhỏ với nhân viên bán vé:
“Ông cho thêm một cái vé”.
“Đi đến đâu? Sao hồi nãy không mua luôn?”
Ông bán vé cười ranh mãnh nói lại một lần nữa.
“Đi đến đâu?”
“À, tôi đi… chỗ nào cũng được”.
Trương ấp úng. Trương rất tức bực vì không ngờ mình thiếu tự chủ như thế. Đứa con gái làm một dáng điệu rất đẹp: nàng ngẩng đầu một chút ra phía sau làm tóc lung linh và lòa xòa. Trời ơi, giống… vô cùng. Và một hình bóng thất vọng trong quá khứ hay trong trời đất tượng hình rõ ràng trong ký ức Trương. Chàng nhắm mắt lại cho hình bóng kia tan đi nhưng nó lại càng hiện rõ hơn. Thôi em nhé, anh xuống ngay nơi trạm sắp đến. Anh xuống ngay nơi đây. Anh phải dừng lại khoảng đường này. Không phải anh bị con ma quá khứ hay con ma trời đất ám ảnh làm anh có những hành động mê cuồng tai hại. Ôi, những hình bóng dĩ vãng – những đứa con gái tuyệt vọng cho đời anh – đang bủa vây anh. Nhưng em hiểu vì sao anh tuyệt vọng? Không phải vì lý do anh thất bại đâu. Nhưng chính những đứa con gái đó mới là hiện thân của buổi tối, của tuyệt vọng cho anh và anh vùng vẫy tấn công để biết rõ niềm tuyệt vọng tất hữu của đời anh, con gái. Và anh nghĩ không thể nào làm đẹp một đứa con gái cả, thật vậy em ạ. Nhưng anh vẫn xao xuyến vô cùng khi đứng trước dáng dấp đẹp lạ lùng của em mà anh đã chết điếng khi còn đợi ở trạm Bà Chiểu. Anh tưởng không thể sống nổi và không nên sống nữa khi gặp những dáng dấp như em. Anh nhìn rõ khuôn mặt em: mũi hơi cao nhưng tất cả thì không có gì đặc biệt. Anh lên nhìn kỹ chân em: đôi guốc hơi quê mùa, những ngón chân thì thấp và hơi ngắn, mấy cái móng chênh lệch, và một ngón cái đã bị hư móng. Nếu chỉ nhìn riêng chân em chẳng hạn, anh sẽ chán nản, nhất định. Nhưng tại sao phải phân tích khốn cùng như vậy. Tại sao lại cứ phải nghe em nói tiếng gì để biết người Nam hay người Bắc, Mán hay Mường? Tại sao phải dò đến nhà em, tại sao phải tìm biết một cách cẩn thận và ngu xuẩn ngọn ngành của em. Anh chợt nhìn thấy nắng bên ngoài đẹp vô biên. Nắng rực sáng tưng bừng. Anh quên đi đây là Saigon với đời sống thúc đẩy, xô bồ chỉ làm anh phát điên. Anh quên đi đây là Saigon, nơi anh phải mỏi mắt mới tìm được một chút thiên nhiên, một chút màu xanh của cây cối, một chút hoa, một chút nước trong của dòng suối nhân tạo, một chút hoa một chút cỏ mà anh thèm khát. Từ đó anh bỗng hiểu rằng nơi nào trên mặt đất này cũng có thể đẹp. Đó là hy vọng lớn nhất và cũng là tuyệt vọng lớn nhất của anh khi gặp em, khi gặp các em, con gái. Anh cũng hiểu rằng đứa con gái sẽ theo anh suốt đời đó có thể đẹp và thông minh hơn em nhưng cũng có thể thua em nhiều lắm. Anh tin điều anh nghi ngờ lắm. Nhiều lúc Trương nghĩ chỉ cần có một bức thư nào đó, chàng sẽ hiến dâng với cái nghĩa linh thiêng nhất của một đứa con trai từ lâu độc thân và cho rằng chỉ có lối sống như vậy mới lý tưởng, mới mong hưởng thụ bao nhiêu biến ảo dù không đi đến đâu hết.
“Mà cần gì phải đi đến đâu!”
Trương nói nhỏ một mình như vậy. Những vì sao xa vắng kia có đi đến đâu không mà vẫn đẹp. Trái đất này có quay đến đâu không mà vẫn quyến rũ Trương. Thôi để anh cứ đi hết khoảng đường em đi. Thế nào cũng qua đại lộ Trần Quốc Toản phải không? Và anh sẽ nhìn cho thật kỹ tấm thân băng tuyết lạ lùng của em mà thỉnh thoảng anh vẫn bắt gặp trên đời hiện thân nơi bao nhiêu đứa con gái khác, để khi ngoảnh mặt lại thì em đã xuống một trạm nào rồi. Vâng, để anh đi tiếp cho hết khoảng đường em đi. Nhưng như thế cũng có nghĩa là anh dừng lại nơi đây, xin dừng lại nơi đây, trạm chợ Trương Minh Giảng. Rồi anh cũng bỏ cuộc như tên thanh niên kia tôi, nhưng anh bỏ cuộc một cách đau đớn hơn, hạnh phúc hơn, quằn quại hơn, tuyệt diệu hơn vì anh đã đọ mặt với hư vô lạnh lẽo đời đời ngay giữa trưa nắng lửa hừng hực này rồi.
Nguyễn Đức Sơn
Cái Chuồng Khỉ, An Tiêm xuất bản, 1969