Đọc Mai Thảo, thú vị nhất có lẽ là tùy bút. Ở đó, ta không cần quá để tâm theo dõi một câu chuyện hay một nội dung nào. Ta cứ mặc sức mơ màng nương theo những câu chữ phơi phới trùng điệp, những từ ngữ bay bướm đẹp đẽ vô cùng.
Tờ giấy báo có một bưu kiện gửi theo thể thức bảo đảm vừa nhận được sáng nay đã bắt buộc kẻ nhận bưu kiện là tôi phải đích thân đến một nơi chốn bây giờ chỉ họa hoằn lắm mới một vài lần lui tới. Đó là nơi những bức điện tín màu xanh được gửi đi. Điện tín hỏa tốc những tin vui, gấp gấp những tin buồn. Đó là chốn những con tem nhỏ được dán trên những góc phong bì. Và tem và phong bì mang những đời thư lên đường. Thư, khi đến, đã những dặm biếc lăn qua. Thư khi đi, hồn của giấy đã không gian mênh mông, dáng của chữ đã đường trường bát ngát. Nơi chốn đó là nhà bưu điện của thành phố. Sinh hoạt thường nhật của tôi, đóng khung trong một hiện tại phẳng- và như thế bao lâu rồi không nhớ nữa- đã từng ngày từng ngày, nghiêng nặng vào cái khuynh hướng muốn cách biệt, muốn thu mình. Nghĩa là cắt đứt những ràng buộc, tháo gỡ những liên lạc. Căn nhà đời sống của tôi thuở nào trăm nghìn cửa hồng cùng mở, sau mỗi năm lại có một cánh cửa này lấp đi, một cánh cửa kia khép lại. Và những đường dây nối kết xưa trước xum xuê như cành, dày đặc như tóc, mỗi tuổi thêm, tôi lại bắt gặp tôi thả buông đi cho đứt rụng lần lần. Như thế đó mà những sân ga, của tiễn đưa, những bến tàu, của trùng phùng, nhà bưu điện với thư đi thư nhận, đã từ những nơi chốn lui tới thân quen thuở nào biến dần thành xa cách.
Niên thiếu và vào đời của tôi, tuổi vàng và tuổi ngọc của tôi xưa, khác ngược với bây giờ đã được đánh dấu thật đằm thắm, thật đậm đà, bằng những tờ thư. Quá khứ tôi, đã có hàng nghìn lá thư được gửi. Dĩ vãng tôi, từ ngọn đỉnh cao nhất của hồi tưởng đến vực thẳm sâu nhất của trí nhớ, là những hình ảnh thấp thoáng mà kín khắp đó của những con tem và những chiếc phong bì. Xưa, tôi có một người bạn, gặp gỡ hàng ngày, thân thiết vô tả. Đó là người phu trạm sáng nào cũng tới. Trước, tôi có những người tình, mùi giấy thơm tho, sáng tươi màu mực. Đó là những bao thư. Mối tình thứ nhất, cũng bằng thư mà thành. Những bạn bè đầu tiên, cũng từ thư mà có. Tôi đã viết tay run theo chữ, từng trang giấy phơi phới tâm hồn mười bảy. Tôi đã sống, mắt ngời theo dòng, mỗi chiếc phong bì được dán lại là gói kín một trời rung động. Thư chưa viết, hồn đã viết thành những chữ vàng rực rỡ. Thư gửi đi rồi, hồn cũng lên đường và chắp cánh bay theo. Tuổi trẻ tôi là một hộp thư lớn. Cao ngất một chồng thư, thư là cái núi kỷ niệm vĩ đại. Những con tem và những chiếc phong bì, đó là tôi xưa, tôi như một địa chỉ hồng.
Nhớ lại những kiện thư và những rừng thư, chất ngất những ngày nào, nhớ làm sao hết được. Viết đêm viết ngày. Viết chiều, viết sáng. Tuổi trẻ tôi, suốt một thời kỳ, đúng là những phong thư đã lớp lớp lên đường như một hành quân. Riêng một vụ hè, số thư gửi và số thư nhận đã nhiều gấp năm bảy lần số ngày nghỉ học. Nhà tôi ở gần biển. Bàn viết trên lầu cao. Suốt ba tháng trời liền, nghe tiếng sóng từ bãi xa vọng vào, giữa một nghiêng đầu bâng khuâng, sau một chớp mắt mơ màng, nhớ đến những người bạn cùng lớp lần đầu xa cách, tưởng tới một người yêu ở lại với cái thị trấn mình vừa rời xa, tôi đã sống, gần như mê mẩn và miệt mài với những dòng chữ khi gấp lại thành thư, là những đường dây tình cảm nồng nàn đòi rút ngắn lại những khoảng cách, lấp đầy những không gian, cho về gần những ở xa, cho hiện hình những khuất mặt. Thư viết đã nhiều thế, chuyện kể còn nhiều hơn. Thư đã dài mười trang, chừng như một trăm trang mới chở hết những điều muốn nói. Thư năm trang, gấp mấy cũng chưa vừa. Và đã ký tên rồi, còn phải thêm nữa những dòng tái bút. Tuổi trẻ nhiều chuyện thật. Đó là cái tuổi muốn nói. Như con chim không thể hót, vì cổ họng bình minh đã đầy chật những âm thanh. Tuổi trẻ phơi mở thật. Như đã nắng múa bên ngoài, thì cửa buồng phải mở. Như sóng lòng thanh niên không thể là những đợt sóng ngầm, mà phải hát thành triều, phải dâng thành ngọn. Bởi vậy mà thư nào cũng có chuyện, chuyện nào cũng thành thư, phu trạm chuyển không kịp, người viết thư không ngừng, thư theo thư lên đường thành một dòng vô tận.
Cái tôi xưa đã nói những gì trong những tờ thư thuở ấy. Tôi đã nói đến tôi, tôi với chính tôi như một khám phá. Tôi của những tờ thư đầu, tôi là một thế giới. Tôi đã nói đến người, người với tôi là một tao ngộ, người đến với tôi vang động tiếng cười, mái tóc là gió, chân đi thành nhạc, khoảng khắc đã tình thân, mới thôi đã bằng hữu. Tôi đã nói đến đời. Như một trái vừa ngọt, như nhành hoa mới nở, như một hội vui, như một chân trời. Những trang thư của tuổi trẻ tôi xưa là phấn trắng bảng đen rất bỡ ngỡ những hàng chữ mới. Tôi cấy chữ lên trang, chữ mọc xanh um, chữ là cỏ nội. Tôi thả chữ vào dòng. Chữ hóa thân thành sóng, dòng phơi phới thành gió, con tem là bươm bướm, phong bì là mây bay. Thư của một thời vàng như vậy đó thư. Những lá thư chan chứa máu hồn đằm đằm hơi thở. Lời của một tuổi ngọc là như vậy đó lời. Mỗi bức thư là một bài thơ. Và tôi đã viết như vậy, trên lụa của tuổi, trên gấm của hồn, suốt một thời kỳ, những lá thư nào cũng là những lá thư tình gửi cho bè bạn, gửi cho người yêu, nhưng chính là gửi cho mình trước nhất.
Bây giờ những buổi chiều mưa, tôi không còn được cả một tờ thư cũ để đọc lại. Một địa chỉ tôi đã mất. Những địa chỉ người đã lạc. Những người bạn xa vẫn còn đó. Dăm bảy lang thang, một vài xa cách. Một tên người thoáng nhớ. Một khuôn mặt thoáng hiện. Nhưng cuộc sống, cuộc sống mà sáng nay gặp một phiến gẫy ở một đầu đường, chiều nay một mảnh cụt ở ngoài đầu ngõ, cuộc sống có tôi hay không có tôi cũng vậy, chừng như đã mất những bỡ ngỡ, dẫu vẫn nhìn nhưng không còn đáng nói. Những đỉnh đã thấp. Những vực đã đầy. Những cánh cửa khép dần. Một ngôi nhà im lặng. Trong cái chung của một nín thinh buồn rầu này, có cái riêng là những lá thư không còn được gửi đi. Những con tem và những phong bì xưa chỉ còn là những hình thù xa lạ.
Mai Thảo
Tuổi Ngọc, tháng 6 năm 1971