Thẻ: Tuấn Ngọc

  • Nhạc trẻ Saigon

    Thập kỷ 60 (The Sixties – bắt đầu từ 1963, kết thúc 1974) là khoảng thời gian biến động nhất trong lịch sử nhân loại. Tất cả những cuộc cách mạng về chính trị, tư tưởng; về văn hóa, nghệ thuật, thời trang, âm nhạc, tình dục; về khoa học kỹ thuật; tất cả những phong trào phản văn hóa, phản chiến, phong trào nhân quyền, nữ quyền, giới tính thứ ba… đều khởi nguồn từ thời đại này.

    Miền nam Việt Nam trong thập niên 60, đặc biệt là thành phố thủ đô Saigon, là nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, văn hóa Mỹ một cách sâu sắc nhất nhì châu Á. Những làn sóng tư tưởng mới, những phong cách sống, xu hướng văn hóa mới đã theo chân quân đội Hoa Kỳ lan tràn đến Saigon, từng bước xâm chiếm đời sống vốn sôi động và cởi mở nơi đây.

    Giới trẻ Saigon, nam bắt đầu mặc quần ống loe, để tóc dài; nữ tô viền mắt đen đậm, mặc mini-juýp hay váy digan lòa xòa, rẽ tóc hai bên đường ngôi giữa. Họ thần tượng James Dean, bắt đầu nghe nhạc Mỹ, và đắm chìm trong viễn tượng hiện sinh chủ nghĩa. Thực trạng chiến tranh ngày một leo thang, đời sống liên tục bị vây hãm bởi cái chết và những mưu đồ phi lý đã thúc đẩy họ đón nhận những điều mới mẻ đó, như một niềm chia sẻ, như một nơi để bám víu, như một phương cách phản kháng.

    Nhạc trẻ Saigon đã khai sinh trong bối cảnh như vậy.

    Giai đoạn đầu, các ban nhạc trẻ chỉ hát nhạc ngoại quốc tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Họ thường là những nhóm nhạc học trò của các trường trung học lớn đi lên, hoặc các ban nhạc đã hát nhiều trong các club Mỹ.

    image

    Ban tam ca The Apple Three.

    image

    Nhạc sỹ Trường Kỳ trên sân khấu Đại Hội Nhạc Trẻ trường La San Taberd.

    Sau đó, bắt đầu có phong trào Việt hóa các ca khúc nhạc ngoại nổi tiếng. Mở đầu cho trào lưu này là nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, người đã chuyển soạn lời Việt cho các bài hát nước ngoài nổi tiếng thời bấy giờ như: Búp bê không tình yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son), Hãy gõ 3 tiếng (Knock Three Times), Chuyện phim buồn (Sad Movies), Lãng du (L’Avventura), Anh thì không (Toi Jamais) v.v… Cái tài của ông là Việt hóa rất sát nghĩa nhưng vẫn giữ được âm điệu hài hòa với giai điệu bài hát. Mây Ngàn mời quý vị và các bạn nghe qua ca khúc Chuyện phim buồn ở đây, để hiểu thêm sự tài tình của nhạc sĩ.

    Dần dà, trào lưu nhạc trẻ bùng nổ với vô số các ban nhạc mới xuất hiện: The Strawberry Four, The Black Caps, The Uptight, The Dreamers, The Fanatiques, The Blue Stars, The Spotlights, Les Pénitents, The Rockin’ Stars, The Hammers, The Enterprise, CBC, The Crazy Dogs, Peanut Company, The Apple Three, The Cat Trio… Trong số đó, nổi bật nhất là các ban The Strawberry Four, The Uptight và The Dreamers. The Strawberry Four tập trung những tên tuổi sẽ nức tiếng sau này như Tuấn Ngọc, Đức Huy, Billy Shane và Tùng Giang. The Uptight thì có bộ ba Thúy Anh, Khánh Hà, Anh Tú. Còn The Dreamers là ban nhạc gia đình của nhạc sĩ Phạm Duy, có Duy Cường, Duy Quang và Julie Quang…

    image

    Tùng Giang.

    image

    Julie Quang.

    Nhạc rock cũng bắt đầu xuất hiện. Trong số các ban nhạc trẻ thời bấy giờ, The Rockin’ Stars và The Black Caps được xem là hai ban nhạc rock đầu tiên của Saigon (và của Việt Nam). Thành viên của hai ban này đều là học sinh các trường trung học nổi tiếng Saigon: Jean Jacques Rousseau, Marie Curie và La San Taberd. Ngoài ra, phải đặc biệt kể đến ban CBC, tiền thân là một ban nhạc thiếu nhi, gồm các anh chị em một nhà, tuy phát triển sau nhưng đã nhanh chóng trở thành ban “đệ nhất kích động nhạc” lúc đó. Mây Ngàn xin giới thiệu đến quý vị và các bạn bản nhạc Mây lang thang do CBC trình bầy tại đây.

    image

    Ban The Rockin’ Stars.

    Thuở ban đầu, các ban nhạc rock Saigon chỉ hát lại các bản rock Mỹ. Họ cũng có sáng tác nhưng đa phần bằng tiếng Anh. Sang đến năm 1970, phong trào nhạc trẻ Saigon nói chung, và rock Saigon nói riêng chứng kiến một bước chuyển mình, khi ban nhạc Phượng Hoàng của Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà ra đời. Đây là ban nhạc trẻ Saigon đầu tiên sáng tác nhạc pop rock thuần Việt.

    image

    Ban nhạc Phượng Hoàng

    Lần đầu tiên, giới trẻ Saigon được nghe ra những lời hát mới mẻ, ca từ đầy ảo tính, hiện sinh chủ nghĩa bằng ngôn ngữ của chính mình; kết hợp nhuần nhuyễn với nhạc điệu pop rock hiện đại. Đôi lúc đầy hy vọng, những cũng có nhiều khi bi đát, yếm thế, những ca khúc của Phượng Hoàng là những lời tuyên ngôn của một thế hệ tuổi trẻ Saigon, là những lời phản kháng trước hiện thực điêu tàn của quốc gia và tương lai mờ ám khói súng. Mây Ngàn xin trân trọng giới thiệu một ca khúc được xem là bản nhạc rock đầu tiên của Việt Nam, bản Mặt Trời Đen, do Nguyễn Trung Cang sáng tác, qua giọng ca Elvis Phương. Và Mây Ngàn cũng xin kết thúc bài viết đặc biệt này ở đây. Vì viết tiếp có lẽ không cần thiết, khi tất cả chúng ta đều biết sự cáo chung của phong trào nhạc trẻ Saigon đã xảy ra như thế nào.

    Bài viết có sử dụng tư liệu hình ảnh và nội dung từ trang blog Namrom64.

    Trường La San Taberd nay là trường trung học Trần Đại Nghĩa.

    Trường Marie Curie vẫn giữ nguyên tên.

    Và trường Jean Jacques Rousseau nay đổi thành trường trung học Lê Quý Đôn.

    Ban nhạc CBC hiện vẫn còn trình diễn rất sôi nổi ở Mỹ.