Thẻ: Trầm Tử Thiêng

  • Đò dọc – Bình Nguyên Lộc

    Bình Nguyên Lộc là một tác giả lớn của văn chương Việt Nam. Lối viết của ông giản dị chân phương nhưng trí tưởng tượng và hình ảnh ví von hết sức tài hoa đắt giá. Cùng với vốn liếng văn hoá, lịch sử dồi dào lồng ghép khéo léo trong từng trang viết, những câu chuyện của Bình Nguyên Lộc khi mới đọc qua có vẻ bình thường đến tầm thường, nhưng càng đọc càng khó dứt ra vì sự lôi cuốn lạ lùng đâu đó.

    Đò dọc là một trong những tác phẩm đầu tay nhưng đã ngay lập tức đưa Bình Nguyên Lộc trở thành một tên tuổi lớn. Câu chuyện đời sống gia đình, làng xóm quê hương, lối sống và cách nghĩ của một lớp người xưa hiện ra đơn sơ nhưng thú vị, ý nghĩa. Đò dọc đã được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết thành ca khúc cùng tên và hồi năm 2015 được hãng TFS dàn dựng thành phim truyền hình. Ít có tác phẩm văn chương nào lại gây nhiều cảm hứng đến như vậy. Mây Ngàn xin giới thiệu cùng quý vị và các bạn hai đoạn trích sau đây.

    Không hưởng thơ mộng được, mấy chị em đành thưởng thức đỡ những cảnh tuy vậy cũng hay hay đối với mắt chợ của họ. Thí dụ cảnh mất gà ở nhà thím tư Phạn.

    Chiều nào thím tư cũng đứng chận ở cửa ngõ sau nhà để đón gà về. Thím ta trong lúc ấy trông giống như một ông tướng điểm binh, còn đàn gà là một đạo binh hùng mạnh điều động đi qua.

    Dẫn đầu là một tướng quân trống tơ, mặt còn khờ khạo nhưng ra vẻ ta đây lắm. Trống tơ nịnh đầm số dách, gà mái nào cũng đầy ứ bầu diều rồi mà anh ta vẫn cứ đi vài bước, mổ vài cái rồi kêu mời đám phi tần cung nữ theo sau anh ta. Đám phi tần gồm toàn gái tơ son trẻ, xem rất ỷ lại vào ông chúa dẫn đầu kia.

    Kế đến là những mẹ gà bận bịu đàn con dại, bước từng bước một e dè nghe ngóng. Thỉnh thoảng các từ mẫu ấy báo động lên bằng một tiếng còi: có ót-ót. Thế là đám trẻ thơ lẹ như chớp chui vào những nơi trú ẩn thiên nhiên gần đó: bụi tre, chòm cỏ, gốc xương rồng.

    Sau đàn hàng không…gà hạm ấy, đến những chú gà tơ mới mặc áo lá, chưa thoả mãn một ngày nô đùa nên chần chờ lọt lại đằng sau, vừa về ổ vừa rượt nhau đánh nhau túi bụi.

    Đi hậu tập là một lão tướng trống già oai phong lẫm liệt, dũng khí đằng đằng, đuôi dài chấm đất, mồng đỏ như hoa bản hạ. Y giáp lão tướng là một cuộc múa rối màu sắc, vì lão ta vỗ cánh thì thú vật trong cả sân nhà đều khiếp vía. Lão đi chầm chậm, mỗi lần giở chân lên là y như Quan Vân Trường đá giáp bằng hia, cái cựa dài và bén của lão trông ghê rợn như thanh long đao của Quan Vũ.

    Thím tư đếm từng con gà một, thím thuộc lòng hình dáng, chi tiết trong thân thể và đặc tánh của mỗi con. Chiều hôm ấy, thím lo lắng mà thấy con gà trống tơ màu bắp chuối không về. Thím bền chí đứng đợi một hồi rất lâu, đến chạng vạng mới chịu đóng cửa sau lại.

    Thím tư uống nước xong, ra sân tằng hắng vài tiếng rồi người ta nghe như là ai mở rađiô, thao thao bất tuyệt:

    “ Xóm trên, xóm dưới, xóm ngoài, xóm trong mở lỗ tai mà nghe đây nè: gà của tao còn ràng ràng hồi trưa mà quân nào đã ăn tươi nuốt sống rồi…

    …Mẹ! Giường thờ chiếu trải tiên nhơn cha bây, bây có thèm thịt thèm cá thì nuôi lấy mà ăn chứ làm chi như vầy, ông bà ông vải bây ngồi trên giường thờ sao cho yên nè!

    …Mẹ! Cao tằng cố tổ tiên nhơn cha bây, cả kiếng họ mẹ bây, ráng mà ngoáy lỗ tai để nghe tao chửi…

    …Quân tham lam bây ăn thịt gà mắc xương nghẹt họng bây, bây ăn rồi bây ngã ra giãy tê tê rồi chết toi, chết dịch…

    Vân vân… và… vân vân…

    Mấy chị em ngạc nhiên hết sức mà nhận ra từ vựng chửi rủa của ta rất giàu và âm nhạc chửi rất phong phú nhịp điệu.

    Quả thế, thím tư chửi bằng giọng khi bổng khi trầm, khi bổng thì như diều lên, khi trầm thì như tiếng xe lửa Biên Hòa mà họ nghe xa xa về đêm. Thím chửi có nhịp có nhàng, có tiếng ngân dài, có tiếng dừng tức.

    Sự can thiệp của chú tư mới ngộ nghĩnh hơn nữa:

    _Thôi mà, rầy tai quá mà! Biểu nín cho nó mọc lông nó chết cho rồi.

    _Nó nào mà mọc lông? Thím tư hỏi.

    _Thì quân ăn cắp gà chớ ai. Hễ mình không chửi thì chúng nó ăn thịt gà xong là mọc lông lá cùng mình. Gặp trường hợp như vậy chúng nó sẽ tìm đến lạy xin mình chửi giùm cho một tiếng, chỉ có một tiếng nhỏ thôi cho lông nó rụng đi.

    Cả mấy chị em đều cắm đầu chạy để giấu trận cười có thể mích lòng người ta, chó trong xóm sủa theo mấy chị em inh ỏi.

    *

    Bốn chị em đã đi gần tới nhà ông cả Quang. Mọi khi, sau lần sượng trân ban đầu, Quờn bỏ chạy khi thoáng thấy mấy chị em đàng xa. Lần này cậu ta bận gỡ chiếc gai dính vào dép Nhựt Bổn mới mua nên không thấy bọn Thái Huyên Trang đến.

    Chừng nghe động, day lại đã trễ quá rồi không cút kịp nữa.

    Quờn mặc pi-da-ma bằng vải ú màu xanh lá cây, đầu chải brillantine Chợ Lớn sực nức mùi chanh, cổ đeo dây chuyền vàng khè, tay nặng trĩu nào lắc vàng, cà rá vàng và đồng hồ cũng bằng vàng.

    Anh công tử vườn chào bốn cô theo lối kẻ dốt, nghĩa là hất hàm lên như muốn hỏi:

    _Ê, đi đâu đó?

    Cô Hoa nói:

    _Lạ quá, cậu hai! Cũng thời một nước một non mà chúng tôi thì cúi đầu xuống để chào, còn cậu thì lại hất đầu lên. Không biết lối chào nào trúng cách đó cậu?

    Quờn không thấy là bị hỏi vặn, tự nhiên đáp:

    _Dân chào quan, nữ chào nam thì cúi đầu là phải, còn ngoài ra…

    _Vậy chị em tôi phải cúi đầu đến hai lần vì cậu vừa là nam vừa là quan, hay con quan cũng thế.

    _Tía tôi đã từ chức rồi.

    _Từ thì từ, cái gốc quan vẫn còn chớ.

    Cậu Quờn sung sướng quá khi nghe cô gái còn nhận mình là con… quan, mặc dầu cha cậu chỉ là quan trong xóm thôi.

    _Độ rày cậu làm gì, cậu hai? Hoa lại hỏi.

    _Cũng hổng cần làm gì. À, tôi có tự túc một bầy gà Huê Kỳ, coi bộ tương lai quá khứ.

    Cả bốn chị em đều ngạc nhiên, không hiểu cậu ta nói cái gì mà lại tự túc gà và có tương lai quá khứ.

    _Tự túc là gì cậu? Hương hỏi thật tình.

    _Tự túc là nuôi chớ là gì.

    _Vậy hả, còn tương lai quá khứ?

    _Tương lai là tương lai còn quá khứ là quá sá, tiếng mới mà. Tôi nghe họ nói hay quá nên tôi bắt chước dùng theo. Đời bây giờ họ bầy ra nhiều tiếng mới hay lắm. Thí dụ phạm tội họ nói phạm vi, thù vặt họ nói cá nhân, nghe hay quá khứ.

    Hoa và Quá núp sau lưng hai chị mà cười đến chảy nước mắt. Cô Quá, mặt mày còn đỏ rần bước ra khỏi chỗ núp nói:

    _Hôm nay cậu mặc đồ xanh, trông đẹp trai quá khứ nhưng cậu lại phạm vi về đôi dép. Dép phải quai đỏ nó mới ăn với màu xanh nầy. Tôi tình thiệt nói ngay, cậu đừng có cá nhân tôi nhé.

    _Tôi người quân tử mà, ai lại cá nhân cô.

    Cả bọn Thái Huyên Trang thấy trò đùa đã kéo dài quá rồi nên chào cậu công tử để đi nữa.

    _Hôm nào rảnh mời cậu lại nhà chơi, nếu cậu không cá nhân thì cậu sẽ lại.

    Bình Nguyên Lộc

    Đò dọc, Bến Nghé xuất bản, 1958