Trong kỳ trước, Mây Ngàn đã trích đăng một lá thư của Phạm Công Thiện gửi cho Tuấn Huy. Trong thư nhắc đến một nàng ca sĩ có đôi mắt ướt lệ mà cả hai người đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một phòng trà mờ tối ở Saigon. Nàng ca sĩ đó là Thanh Thúy. Kỳ này, Mây Ngàn xin gửi đến quý vị và các bạn một bài phỏng vấn nữ ca sĩ Thanh Thúy, do chính nhà văn Tuấn Huy thực hiện cho báo Điện Ảnh số 256 năm 1963.
Một mái tóc đen dài đổ xuống một bên vai như dòng thác lũ. Một đôi mắt mở to hồn nhiên. Một khóe môi cười… Hai bàn tay nâng niu tà áo… Thanh Thúy đó. Người con gái hai mươi mốt mùa xuân đó. Nàng ngồi kia. Lọ hoa cẩm chướng ngăn đôi chúng tôi. Mùi hoa phảng phất thơm. Không khí mơ màng như có hương cỏ trầm. Tôi ngước lên tấm hình của thân mẫu Thúy. Vòng nhang cuộn tròn. Đốm lửa nhỏ in lên mặt kính. Thành hai. Và im…
Mãi tít trên kia là mảnh trần long lở. Cái quạt quay rất chậm, không xua được cái nóng oi ả của Saigon những ngày nắng chói chang. Lúc đó 5 giờ chiều. Con đường Cao Thắng không một bóng mát. Tôi liên tưởng một người bước đi đơn độc trên vỉa hè bụi bặm và ngột ngạt. Cuộc hành trình thật chán ngán, thật mệt mỏi. Như không tìm được một điểm tựa cho tâm hồn. Như đã buông trôi bao nhiêu tháng ngày đẹp đẽ của đời mình… Tôi khẽ thở dài. Thanh Thúy không hiểu được tiếng thở dài đó. Nàng đẩy ly nước chanh tươi lại gần tôi và mời tôi uống. Tôi mỉm cười cảm ơn. Phút giây nghĩ ngợi viển vông đã đi qua. Tôi nhìn Thanh Thúy thật lâu: nàng không có gì thay đổi. Nếu không muốn nói là hồi này nàng đẹp hơn xưa. Đẹp hơn nhiều… Tôi hỏi:
_Tại sao Thanh Thúy muốn rời bỏ vĩnh viễn các phòng trà?
Thanh Thúy chụm hai bàn tay lại. Nàng trả lời:
_Rời bỏ à? Lạ nhỉ. Anh lại nghe những lời đồn phải không? Chính Thúy cũng chưa hề có những ý định ấy nhé. Chắc là đầu năm vừa rồi, Thúy phải vắng mặt ở các phòng trà Saigon để ra hát ngoài Trung, nên nhiều người tưởng lầm. Bây giờ, Thúy đã về rồi và đã tiếp tục hát ở các phòng trà, anh thấy không?
_Thúy có vẻ sợ mọi lời đồn đại?
_Sợ ư? Còn lâu ạ. Những lời đồn sai, xuyên tạc, Thúy không cần biết đến. Thúy chỉ sợ những lời đồn đúng thôi. Mà may quá, từ xưa đến nay chưa có lời đồn nào đúng hết.
_Vậy Thúy quan niệm về phê bình là phải thế nào?
_Phê bình… Thúy xin tiếp nhận mọi lời phê bình xây dựng. Nhưng phải phê bình đứng đắn về giọng ca, về nghệ thuật trình diễn thôi. Còn đời tư, xin để yên cho. Tại sao người ta cứ bới móc đời tư một cách vô lý? Anh biết không, họ còn dám đặt chuyện: Thúy đã đính hôn với sĩ quan này, sắp lấy người đàn ông nọ, ối chào! Sao mà rắc rối quá… Thúy muốn nhân dịp này nhờ anh cải chính giùm.
_Chẳng hạn cải chính về chuyện gì?
_Như chuyện họ đồn Thúy bị bắt cóc này. Thúy sắp đi xa này. Sắp về nhà chồng này. À, cả cái chuyện Thúy đã khóc ròng khi được tin sẽ cấm những bản nhạc quá ủy mị. Đợi đấy mà Thúy khóc…
_Về việc cấm một số bản nhạc đó, Thúy có ý nghĩ gì?
_Chẳng có ý nghĩ gì hết. Chỉ hơi buồn (hơi một chút thôi), vì có một vài bản nhạc mình không được hát nữa. Nhưng Thúy đã có những bài mới, và có nhiều bài lắm… Anh xơi nước đi chứ. Mấy hôm nay, Saigon nóng quá, anh nhỉ.
Giọng nói của nàng sôi nổi, thiết tha. Thanh Thúy bao giờ cũng tiếp đón bạn bè một cách niềm nở như vậy. Nàng thành thật và cởi mở, khác hẳn mấy cô ca sĩ đang ăn khách khác, lúc nào họ cũng làm ra vẻ quan trọng và luôn luôn chỉ muốn đóng kịch với người đối thoại. Tôi hỏi tiếp:
_Những lúc rỗi rãi, Thúy làm gì?
_Thường thường Thúy rất bận. Thâu thanh ở đài. Thâu thanh vào đĩa. Hát cho cuộc xổ số. Hát cho cuộc tuyển lựa ca sĩ. Hát ở các phòng trà, các đại nhạc hội. Các nơi khác mời… Nhưng nếu có thì giờ rảnh, Thúy thích đi xem xi-nê, đọc sách báo, và xuống thăm mộ mẹ Thúy.
_Thúy thích đi xem loại phim nào?
_Tình cảm. Vì Thúy là con gái mà.
_Mến mộ tài tử nào?
_Elizabeth Taylor và Marlon Brando.
_Có thích xem cải lương không?
_Có chứ. Nhưng đáng tiếc, Thúy không có thì giờ.
_Nếu có ai mời đóng phim, Thúy đóng không?
Thúy nhăn mặt lại:
_Thúy đâu có đẹp mà đóng phim?
_Đó là một câu trả lời khiêm nhượng. Nhưng Thúy có thích được đóng phim không?
Thúy nghĩ ngợi một lúc, rồi chậm rãi:
_Sự thật là thích đóng chứ. Nhưng phải đóng vai nào hợp với vai trò của Thúy, và phải có người chỉ bảo Thúy cách diễn xuất đã.
_Thúy hay xem loại sách báo gì?
_Xem nhiều. Đọc nhiều. Nhưng vẫn khoái tiểu thuyết. Thúy mê tiểu thuyết một cây đấy anh nhé.
_Có bao giờ chơi bạc không?
Thúy le lưỡi:
_Chịu thôi. Đánh bạc mất nhiều thời giờ và mệt lắm. Thúy không ưa món giải trí đó.
_Tính xấu nhất của Thúy?
_Nhiều quá. Thúy nóng lắm. Ghét giận ai là ghét giận ra mặt.
_Còn tính tốt?
_Ít lắm. Thúy chỉ được cái hay thương người và hay giúp đỡ người.
_Theo Thúy, người đàn bà đẹp nhất phải thế nào?
_Người đàn bà thùy mị, hiền lành là đẹp rồi. Hơi nhà quê và cổ hủ phải không anh?
_Nghĩa là Thúy không thích cái đẹp bề ngoài. Nhưng còn người đàn ông thế nào là đẹp?
_Phải thật đàn ông. Nghĩa là phải đứng đắn. Và phải che chở đàn bà.
_Thúy nghĩ gì về tình yêu? Về cảnh lứa đôi?
_Thúy chỉ yêu người nào Thúy phục, và cũng như những người con gái khác, Thúy yêu ai là muốn xây dựng với người đó.
_Vậy người chồng của Thúy sau này sẽ thuộc tuýp đàn ông nào?
Thúy chớp mắt:
_Có học. Đứng đắn. Thương yêu vợ thành thật, và chiều chuộng vợ một tí.
Tôi nhìn vào tủ kính. Ở trong đó, bày rất nhiều búp bê.
_Thúy yêu trẻ con lắm phải không?
Thúy hơi ngạc nhiên:
_Sao anh biết?
Tôi cười:
_Sau này, Thúy muốn có mấy đứa con?
_Hai hay ba là cùng. Nhưng con của Thúy phải được học hành nên người.
_Bao giờ Thúy lấy chồng?
Thúy xoắn hai vạt áo lại. Câu hỏi đột ngột của tôi làm nàng thoáng bối rối, và muốn làm ra vẻ trang nghiêm. Thực tình, tôi không “chịu” sự trang nghiêm kiểu cách ấy. Tôi thích Thúy vẫn giữ được cái vẻ hồn nhiên trẻ con như lúc nãy. Nàng cúi đầu. Ngón tay gạt những giọt nước lạnh đọng lăn tăn ngoài thành ly. Có phải nàng đang suy ngẫm về cuộc đời? Hay đang mơ màng nhớ lại một vài kỷ niệm êm đềm xưa cũ? Một lát sau, giọng nàng buồn:
_Làm sao Thúy đoán biết được những gì sẽ xảy ra? Hiện nay, Thúy chưa có tình yêu. Không phải muốn làm dáng với anh mà nói thế đâu. Nhưng đó là sự thật. Tình yêu thật phức tạp. Và khó khăn nữa phải không anh. Nhiều khi Thúy hoài nghi cả tình yêu. Hoài nghi cả mọi người…
_Bộ Thúy cứ kéo dài cảnh cô độc này mãi sao?
_Rồi cũng có ngày sẽ không còn cô độc. Liệu lúc đó, anh có mừng cho Thúy không?
Tôi nói đùa:
_Mừng chứ. Từ hôm nay, tôi sẽ cố để dành tiền…
Thanh Thúy trở lại vui cười. Tôi nhìn kĩ khuôn mặt nàng. Ở đấy, tôi tìm lại được cái vẻ tươi mát nhí nhảnh của một cô em gái đã xa tôi hơn chín, mười năm… Ở đấy, tôi thấy đằm thắm hiện về cảnh bình yên của một mùa xuân cũ: dòng sông Hương triền miên. Những sợi mây trắng phiêu linh. Từ trên đồi Vọng Cảnh nhìn xuống. Một con đò nhỏ bé. Những sóng lúa xanh rờn, cái bao la của đất trời và sự êm ả của lòng người. Ở đấy, là giọng hò man mác. Hay tiếng hát não buồn. Ở đấy, người lữ khách ngậm ngùi hồi nhớ quê hương. Nhớ cả những ngày lặn lội nơi đèo heo hút gió. Nhớ cả những khi còn lênh đênh ở cuối bãi đầu ghềnh.
Khách mở máy thu thanh. Và lắng nghe giọng ca của ai nức nở. Ở đấy, trải dài ra những con đường khuya vắng của phố phường. Ánh sáng trắng lạnh. Lá me chao bay. Bước chân mòn mỏi chệnh choạng nơi vỉa hè. Từng lời than van. Từng lời níu kéo. Từng lời len lỏi vào hồn. “Anh muốn ngồi xuống bậc thềm này. Để nghe em. Những lời ca nghẹn ngào… Một mảnh tình tan vỡ, người yêu của anh đã đi xa. Mẹ anh ở tận phương trời nào. Gia đình anh tan nát. Đời anh chỉ toàn đan trải bằng những dang dở, lỡ làng… Em hát lên! Hát lên! Đó có phải là tiếng nấc của con tim? Vòng tay đã buông rời. Nhưng giọng buồn còn đó. Mùa thu lá chết. Đường dài bơ vơ. Em hát lên! Hát lên. Tiếng sầu ru khuya. Đêm già nức nở. Tuổi trẻ bỏ về. Cuộc đời trốn chạy…”
Tuấn Huy
Báo Điện Ảnh số 256
Ra ngày 9 tháng 3 năm 1963