Tình yêu tuổi trẻ của Nguyễn Tất Nhiên lúc nào cũng đầy mặc cảm, và người con trai ngây thơ lại hay bị các cô gái làm cho tan vỡ. Như trong truyện ngắn dưới đây đăng trên Tuổi Ngọc số 92 năm 1972.
Nắng dịu dàng phai trên sóng mũi cao, trên hàng mi cong của Chiều Xưa đẹp Tây phương. Gió từ giòng sông cuối đường vỗ lên nhè nhẹ. Phải con đường nầy không anh? Phải, nhưng sao Chiều Xưa biết? Anh ngớ ngẩn lạ, trước đó anh chưa từng ca tụng con đường nầy cho Chiều Xưa nghe lần nào chắc? Tôi cười. Anh ngớ ngẩn từ khuya, đợi tới giờ nầy Chiều Xưa mới biết à? Chiều Xưa nhìn tôi, hai tôi nhìn nhau, cùng cười, những nụ cười chẳng hiểu tại sao. Dáng Chiều Xưa loắt choắt như loài chim se sẻ nô đùa trên mái ngói trời mai. Có lần tôi nói: Chiều Xưa là một loài chim đó, biết không? Thôi, xưa như trái đất, ông nào cũng nịnh đầm bằng cách ví người ta như loài chim nầy chim nọ, nghe quê thấy mồ! Anh nói thật đó… Chiều Xưa lắc đầu lia lịa. Cho Chiều Xưa can anh đi! Và không hiểu tại sao lần đó tôi tức muốn thét lên, có lẽ vì xưa nay tôi chưa hề nịnh đầm (khuyết điểm lớn của đa số con trai miền Nam là không biết nịnh đầm!). Chiều Xưa bỗng đưa tay cho tôi nắm, nói nhẹ: Con đường nầy đẹp thật, nhất Biên Hòa thật, anh nói không quá đáng. Chiều Xưa đã nhìn nhận rồi ư? Nhận, nhưng còn “người” thì chưa biết sao? Tôi nói lảng: Con đường nầy lúc trước đầy bóng mát. Hình như anh không thích nhắc đến Dy? Nhắc hay không, thì cũng là một đoạn đời đã qua, mà mình chỉ có thể ngoái lại nhìn trong khi bước chân mình phải tới. Anh hay văn vẻ quá! Hồi nào? Câu nói vừa rồi không văn vẻ hở? Tôi cười: Không. Phải nói “bày đặt” từ lúc nghe thằng bạn nói: mày bây giờ là “kép già”! Một tiếng gọi đùa trong một phút tình cờ chỉ đủ gắn vào hoàn cảnh nhất thời thôi anh à. Mới hai mươi tuổi đừng bi quan vội. Cô bé đang dùng bản năng của người đàn bà với anh? Tôi nghiêng nghiêng đầu, nheo mắt nhìn Chiều Xưa, nói giọng đùa cợt. Nàng ngơ ngác: Anh muốn nói gì? Có gì khó hiểu đâu cô bé. Tôi cười, rút điếu Capstan gắn lên môi, đốt và rít dài, nói chầm chậm: Đàn bà lúc nào cũng thích làm chị, làm mẹ. Chiều Xưa chợt hiểu ra. Anh lầm, Chiều Xưa chẳng bao giờ có ý khuyên nhủ anh đâu, ai còn lạ gì tính anh… Tôi cắt ngang: Đúng rồi cô bé, anh lúc nào cũng chỉ nghe lời chính anh, vì vậy mà từ nhỏ đến giờ anh sống với tư thế cô độc cùng gia đình. Gia đình, với Chiều Xưa là điều mơ ước lúc nào cũng huy hoàng, anh khuyên Chiều Xưa nên sống và nghĩ rằng mình hạnh phúc, vì điều mơ ước của Chiều Xưa là cái mà anh đang muốn thoát ly! (…) À, mẹ Chiều Xưa chắc đẹp lắm hả? Chiều xưa làm sao nhớ nổi? Không có hình ảnh gì sao? Có, nhưng tính ba Chiều Xưa kỳ dị lắm, ông ấy nhất định bỏ lại tất cả trên đất Pháp. Ngay cả bức ảnh nho nhỏ của vợ mình? Dạ… Tôi thình lình kéo mạnh, Chiều Xưa chới với ngã vai vào ngực tôi, nhưng một chiếc hài xanh của nàng vẫn rơi xuống vũng nước đọng bên đường (…)! Gió từ sông lên đã nhiều, vài chiếc lá ướt nặng nề rơi gượng khi màu vẫn còn xanh, áo Chiều Xưa bay lồng lộng vạt sau đính thêm vài chấm bùn nho nhỏ. Tôi rất ưa nhìn con gái đi trong gió lớn đôi vạt áo dài, dĩ nhiên bây giờ tôi đang ngắm Chiều Xưa. Gió càng lớn tôi càng nhìn say mê. Đôi chân Chiều Xưa như bận bịu, như gắng sức xô đẩy và vạt áo trước cứ vui đùa quấn quít thật dễ thương. Anh nhìn gì đó? Chiều Xưa chợt hỏi. Áo Chiều Xưa, tôi giựt mình trả lời. Có gì lạ lắm sao? Không có gì! Anh bữa nay toàn ngớ ngẩn! Hồi nào? Lại ngớ ngẩn! Tôi đành cười trừ, những ý nghĩ lạ lùng trong mình, mình đừng dại dột đem ra giải thích cùng đàn bà, vì tâm hồn họ rất người, rất khó siêu thoát, tôi thà chịu tiếng ngớ ngẩn còn hơn. Bởi vậy, lúc ngang nhà Dy đến giờ, tôi đâu dám cho Chiều Xưa biết tâm trạng tôi đang phức tạp, nếu muốn có Dy đứng trước cổng, nửa sợ Dy cười tôi trẻ con (trẻ con rất thích khoe của!).
***
Một vị linh mục trong một đoạn phim đã nói: “Thượng đế đã dành tình yêu cho con người để bóp tắt nụ cười nhân gian”. Tôi nghĩ, luyến tiếc một thời trong quá khứ là quà tặng êm đềm nhất mà Thượng đế cũng chỉ dành riêng cho loài người. Đó là thứ tình cảm âm thầm như sương đêm rơi xuống lạnh linh hồn, dịu dàng như dải lụa thắt nhè nhẹ trái tim mình đến không còn giọt máu. Chuyện tình đầu của tôi còn vương vít đâu đây, trên con đường nầy, bốn năm chưa đủ lãng quên người. Thuở mười lăm mười sáu, yêu thương, tự ái, giận hờn, ngâm thơ Xuân Diệu, hát bản “Thu vàng”… hình như còn nhiều mảnh vỡ, mà tôi là người tìm kiếm cô đơn.
Hai hàng cây cao, hai hàng cột đèn gầy, chúng được trồng xen kẽ nhau bởi vô tình nào, mà bây giờ trong cơn đau tuyệt cùng tôi đã ghen tức vu vơ. Tại sao một cột đèn rồi một thân cây? Tại sao chúng có thể là những cặp nhân tình chia sẻ nắng mưa? Tôi muốn gặp mùa cây thay lá, tôi muốn thấy cành khô, tôi muốn nhìn nắng dữ, tôi muốn trước mắt tôi phải là những cặp tình nhân xơ xác. Cái gì hạnh phúc hơn tôi đều làm tôi ganh ghét, u buồn! Tình yêu ơi, người xưa ơi, hãy như dòng nước lũ, hãy như cơn mưa rào, xóa tan dùm trăm ngàn vết mực trên giấy chặm đời tôi.
Nổi loạn ký ức đã xé phăng tất cả, ngoài tất cả dự tính tôi. Con đường, giòng sông, ngôi nhà và những gì tưởng đã xa mù xa mịt sau lưng bỗng nhiên lao vút tới, bắt kịp tôi dễ dàng, xô ngã tôi oằn oại, mỉa mai tôi phũ phàng: “Đứng lên đi anh bạn! chạy trốn quá khứ nữa đi anh bạn!” (…). Vâng, tôi thưa, tôi không thể chối bỏ hình ảnh cậu bé mười lăm, ngây ngô, đứng hàng giờ trước nhà cô bạn nhỏ, ôm cột đèn, cố thu hết bạo dạn mà vẫn run, vẫn nghe tim dập dồn, tôi không thể chối bỏ lần đầu ăn chè đậu đen với cô bé ở nhà nàng, môi giật giật, nói cà lăm, mười ngón tay luống cuống, chiếc muỗng cầm khó khăn, nước đường nhiễu xuống cằm ngượng nghịu, tôi không thể chối bỏ nét ngu ngơ ngày nào nghe cô bé hỏi: Hải biết câu “nếu anh là mặt trời thì ở trên đường xích đạo em sẽ muôn đời làm một kiếp hướng dương” của ai không?
***
Thưa anh,
Trong đám bạn bè tôi, có đứa rớt nước mắt khi chuyện tình đầu tan vỡ. Tình yêu học trò được người ta ví như những cơn gió thoảng, tôi đồng ý, nhưng, đó là những cơn gió thoảng vào tháng ngày cận tết, lạnh lắm, độc lắm anh ơi…
Đoạn thư nầy của cậu tôi đọc rất nhiều lần, tôi thấy thích thích. Thưa anh, theo tôi đoạn nầy hơi cầu kỳ. Đúng ra tôi rất ghét đọc bất cứ gì có hình thức cầu kỳ, hay nói cách khác: Cậu đã thành công. Tôi sẵn sàng tặng cậu bức tranh. Cám ơn anh, cám ơn anh nhiều, tôi nói gấp gáp, sung sướng ra mặt. Anh Chân rút điếu xì gà, thái độ trầm trầm: Cậu có lửa? Có. Tôi nặn túi quần, cầm bao quẹt trao qua, nhưng chợt nhớ, nên hơi giật tay về, móc lấy que diêm vội vàng đánh lửa. Anh Chân mồi thuốc xong vội vàng nói: Cậu đi một đường “lịch sự” làm tôi lỡ bộ! Lần sau nhớ “signal” trước nghe. Tôi phát ngượng, đành cười theo. Từ giờ phút nầy cậu tự do, muốn ẵm nó về lúc nào tùy ý. Bằng ngón tay cái anh Chân vui vẽ chỉ bức tranh treo gần cửa sổ. Họa sĩ theo phái cổ điển làm sống một con đường hiu quạnh mùa thu, với hai hàng cây xen kẽ hai hàng cột đèn, với nhiều xác lá, với dãy bóng người xa xa. Bức nầy tuy tầm thường, nhưng tôi quí ghê lắm. Anh vẽ chắc đã lâu? Khoảng năm 1956, con đường trông buồn quá hả. Dạ. Lúc tôi vẽ vừa xong thì được tin ba tôi chết, gia đình gọi về nước, nên bức tranh nầy là tác phẩm cuối cùng trên đất Pháp. Con đường trong tranh thuộc ngoại ô Paris, dẫn về Versailles. Hồi còn học y khoa ở Bruxelles tôi được trường đưa đi thăm bịnh viện tâm trí Verrière ở Paris, nơi đó tôi quen được cô y tá xinh xinh, mắt nâu, rồi nửa năm sau chúng tôi làm đám cưới. Anh Chân dừng lại, khua điếu thuốc trên cái gạt tàn, như muốn dành cho tôi ít thời gian chuẩn bị cùng anh bước về khoảng trời nào xa lắm. Tôi gắn giữa hai đầu ngón tay mình điếu thuốc cuối cùng, cong queo, mua lẻ, bỏ quên trong túi quần ba hôm, chờ nghe anh kể chuyện (hay chờ anh đưa tới thăm một cảnh đời quá khứ của anh cũng thế). Ba tôi ngày xưa cũng là họa sĩ, anh Chân nói tiếp. Ông dạy vẽ cho tôi ngày từ thuở nhỏ. Lúc gặp cô y tá ấy lần đầu, tôi chỉ nhìn, vì mặc cảm mình là dân Việt Nam. Vài tháng sau, tại một vườn nho, tình cờ chúng tôi lại gặp nhau, trên tay người nào cũng ôm giá vẽ. Thế là “đồng nghiệp” Đông, Tây gặp nhau, cuối cùng ký giao kèo pha màu cho nhau! Anh Chân khôi hài để cùng cười, nhưng anh làm sao dấu nỗi thoáng buồn bay ngang tầm mắt! Say sưa cùng kỷ niệm, anh tiếp còn con đường trong tranh, thời gian yêu nhau chứng tỏ đã dìu nhau đi mòn gót, vì nó vắng người. Mười mấy năm trời nay tôi vẫn hy vọng gặp lại vợ con tôi… Anh Chân ngắt quãng bởi ly ruợu, vài hơi khói thuốc, nói: Thôi cậu biết tôi đủ lắm rồi, lúc hứng tôi có thể cho cậu biết thêm. Còn phần cậu, theo lá thư, tôi nghĩ cậu yêu hình bóng dĩ vãng kia cuồng nhiệt lắm. Tôi lặng thinh. Chẳng phải như đàn bà, lúc nào cũng luôn mồm khoe dĩ vãng. Bọn đàn ông nếu nhắc nhở, thì, dĩ vãng tối thiểu phải là thứ biến cố đời người. Hai kẻ lặng thinh, ngôi nhà lặng thinh… tất cả lặng thinh nghe ký ức nổ ầm vang, rung động (…). Không, đó là tiếng sấm lưng trời! (…) Tàu lá chuối xôn xao, cụm hoa hồng khép nép. Buổi chiều và mây đen gieo hoàng hôn sớm hơn giờ hẹn. Có lẽ mình nên “vô” vài ly cho ấm bụng, cậu uống được rượu mạnh? Dạ cũng đỡ. Cậu chắc bữa nay rảnh rang? Dạ rảnh. Tốt, để tôi kiếm ít con khô. Anh Chân đến bên cửa sổ, khép, sau khi đứng nhìn mông lung, đoạn quay qua bước ra sau nhà. Còn lại mình tôi cô độc tình cờ (…) Hai người đã đi hết đoạn đường, khuất bóng. Họ vô tình (như muôn nỗi vô tình nhân gian) bỏ quên những thanh âm xào xạc dưới chân, họ làm gãy từng chiếc xương lá khô oằn oại chết thêm lần nữa! Hai người đã đi, con đường hiu quạnh, cây thả lá vàng lao đao rơi rụng như khăn tay vẫy chào, cây trang điểm mùa thu, cây chẳng hề than hết lá. Đời chẳng hề than hết chuyện buồn (…) Tiếng thủy tinh chạm mặt bàn gỗ nghe cồm cộp khô khan. Anh Chân vừa ấn mạnh ruột gà vào nút chai Martell vừa nhìn tôi hỏi. Cậu say mê bức tranh dữ hả. Dạ, anh vẽ sống quá. Tôi vừa thấy đôi bóng người kia bước đi, thấy lá xoay xoay trong làn gió, như thật. Bắt đầu làm thi sĩ rồi, khổ quá, rượu chưa vào mà hồn đã bay. Hôm Lễ dắt cậu tới đây giới thiệu tôi, mới gặp gương mặt ngơ ngác của cậu lần đầu, tôi đã đoán được phần nào con người cậu, không sai. Tôi cười và chẳng hiểu nụ cười mình tỏ thái độ gì nhưng đó phải là nụ cười buồn. Tôi nhìn lại bức tranh. Đèn đường bật sáng, lá vẫn bay hoài, đôi bóng chập chờn chập chờn, người đàn ông đã biến thành hồn ma, người đàn bà đã biến thành dĩ vãng. Dĩ vãng là bóng tối. Hai hàng cột đèn biến thành hai hàng nến lụn…
Cơn mưa xối xả, bất chợt gây tiếng động rào rào trên mái tôle. Chúng tôi thù tạc trong ngôi nhà gỗ chơ vơ giữa khu đất trống ngoại ô thành phố quận, anh Chân nói: Tôi khoái sống những nơi heo hút như vậy, còn cậu thì sao? Tôi lại thích sống ở thành phố hơn. Tại sao? Vì ở thành phố mình nói có nhiều người nghe. Anh Chân bật ngữa vào lưng ghế cười ha hả: Hay lắm hay lắm, ít nhất cũng phải vậy, tôi tưởng cậu trả lời thích sống ở thành phố vì đầy đủ tiện nghi thì cậu chẳng đáng làm bạn tôi tí nào! Chưa chấm câu, anh Chân đã gân cổ gọi: Chiều Xưa ơi đem thêm đồ nhấm cho papa. Anh mới kêu tên gì? Chiều Xưa, Nguyễn thị Chiều Xưa. Nguyễn thị Chiều Xưa? Ngạc nhiên hả? Anh Chân hơi nghiêm sắc mặt, lúc trước ở bên Tây nó có cái tên do mẹ nó đặt: Christiane. Về nước tôi chẳng mang được gì ngoài bức tranh và nó. Tôi khai sanh cho nó cái tên Việt Nam: Chiều Xưa, để nhớ hoài kỷ niệm êm đềm và nhục nhã! Tôi yêu mẹ nó, mẹ nó yêu tôi, thứ tình yêu “vượt biên giới” được Chúa chấp nhận, được Linh mục chúc lành, đồng thời được gia đình mẹ nó làm khó dễ, cay đắng đủ điều, chỉ vì tôi là thằng người Việt Nam. Trước khi lên phi cơ tôi còn cố nài nỉ xin cho mẹ nó sang đây chơi vài tuần, cậu biết ông ngoại nó nói sao không? Ổng nói, tôi được phép mang con Christiane theo là quá mức đòi hỏi rồi! Cậu thấy nhục nhã chưa? Thằng có chút đỉnh máu dân tộc như tôi, tự thấy mình không có quyền đặt chân lên đất Pháp lần thứ hai, dù nơi đó có người đàn bà cho tôi những chiều thơ mộng! Christiane còn thằng anh nữa. Thôi con tôi kìa! Chiều Xưa bưng dĩa kiệu bước ra, tôi nhìn sống sượng. Nàng gật đầu chào khiến tôi gật theo như máy. Đây là Hải, bạn vong niên của papa; còn đây là Chiều Xưa, con tôi. Đợi anh Chân giới thiệu xong, Chiều Xưa nói nhanh: Thưa chú. Rồi quay lưng đi thẳng. Tôi thú vị nhìn theo người con gái mang tên lạ lùng, cười vu vơ tình cảm. Dáng dấp nàng đông phương nhiều hơn, ý nghĩ đầu tiên đến với tôi, tâm hồn nàng bao nhiêu phần trăm màu sắc Tây phương?… Anh Chân hỏi: Gì mà ngơ ngơ vậy? Làm thơ hả? Tôi lúng túng: Đâu có, đâu có…
Gần mười giờ đêm, mưa nguôi nguôi hột, lầy lội ngập sân nhà. Chiếc xe gắn máy tôi dựng nhằm đất lún ngã mẹp bao giờ, đang nằm thểu não như kẻ trúng gió chết dọc đường. Anh Chân bắt đầu lè nhè: Cậu cứ “vô” tự nhiên, tôi mệt rồi. Hay mình thôi đi anh, uống cho ấm bụng chứ đâu phải uống cho say. Đồng ý, uống cho ấm bụng, nhưng bây giờ thì ấm tới mặt rồi, có lẽ tôi nên kiếm chỗ nằm. Anh Chân lật tay xem đồng hồ: Giới nghiêm rồi, mưa nữa, cậu đêm nay chắc phải ngủ lại đây. Nằm đất? Dĩ nhiên! Lát nữa con tôi đem mùng chiếu ra cho, tôi ngủ trước nghe. Ngoài hiên, nước từ mái tôle theo những rãnh dợn sóng, tạo thành những sợi chỉ song song, đều đều tuôn chảy…
Người con gái đang đứng trước mặt tôi bây giờ. Chiều Xưa thản nhiên dồn hết thức ăn vào một dĩa, chồng lên nhau. Nàng chẳng hề khó chịu, né tránh tia nhìn sỗ sàng của tôi. Cảm giác tức tối mơ hồ bỗng đến, tôi muốn Chiều Xưa phải nhút nhát, bực mình, hay phải mất tự nhiên. Đàng nầy cô nàng chậm rãi thu gọn từng thứ, chậm rãi xê dịch từng chiếc ghế ngồi. Khi Chiều Xưa mang khăn ướt lau bàn, tôi chịu hết nổi, nói: Chiều Xưa vui lòng pha dùm tách café đen. Chiều Xưa ngẩng nhìn tôi, cất tiếng dạ nhỏ. Tôi chới với trong màu mắt Tây phương, đến phải định thần. Nàng quay đi, tôi ngồi đốt xì gà hút đỡ, đợi tách café, không, đợi Chiều Xưa mang café tới để cám ơn. Thời gian chờ đợi, tôi bắt ghế giữa nhà bơm đèn manchon thắp tự ban chiều, nhen theo vài ý định. Và, giọt café rơi thầm thì trên tay Chiều Xưa, nàng đã đến. Tôi lẳng lặng bước ra mưa, lún chân lầy lội, hái tặng Chiều Xưa nhánh hoa hồng. Cô bé ngỡ ngàng đôi chút, nhìn tôi: Chú ướt hết rồi, cảm cho coi. Đừng lo, anh quen rồi. Chiều Xưa bắt bẻ: “chú” chứ sao “anh”? Ờ… ờ… thì “chú” (!) dầm mưa quen rồi “chú” muốn nhờ đóa hoa nầy thay “chú” cám ơn Chiều Xưa. Cô nàng tròn mắt, tôi đắc thắng mỉm cười với giọt mưa trên tóc vừa lăn chậm ngang môi. Vẻ thản nhiên tĩnh lặng của cô nàng, như mặt nước, đã bị tôi cố tình thảy viên bi, dao động. Đắc thắng ấy không lâu, vô tình (hay “cố ý” vô tình chưa biết chừng! Bởi đàn bà khéo đóng kịch!). Chiều Xưa nói: Hoa hồng nào cũng có gai! Tôi chìa tay, nói: Chiều Xưa cho mượn… Nhận lại cành hoa, tôi vừa cười vừa bẻ sạch mấy đầu gai nhọn. Chú làm gì kỳ vậy? Với tôi, phải thế! Chiều Xưa hơi cau mày, không gian chỉ còn đôi mắt búp bê nâu. Nàng chống đỡ: Hoa hồng không gai thì không phải hoa hồng. Tôi thua!…
Sau đó, trong câu chuyện, tôi hơi vất vả. Xưng chú với Chiều Xưa ngại miệng vô cùng. Hình như nàng cũng biết, nhưng cứ thích bắt khó tôi. Cuối cùng, tôi nhìn ra ngoài hiên, nước từ mái tôle theo những rảnh dợn sóng tạo thành những sợi chỉ song song, đều đều tuôn chảy; tôi thầm trách những giọt mưa lìa xa trời rộng, lao theo lời phủ dụ của sông dài; tôi nhủ tôi đừng buồn khi từng người tình là cơn mưa bội bạc… Chiều Xưa vui miệng: Đố chú giọt mưa ngắn hay dài? Anh thấy giọt mưa dài. “Chú” lại xưng “anh” Tôi dứt khoát: Nãy giờ mình vô duyên đã nhiều. Vô duyên? Anh đóng vai “chú” không tròn. Chiều Xưa đừng bắt anh làm trò cười thêm nữa…
***
Có tiếng nước reo thì thào cùng tiếng gió. Áo Chiều Xưa càng lúc càng dễ thương. Tôi nhìn mãi. Nàng vẫn chưa hiểu tôi tìm gì trên tà áo ấy. Giòng sông trước mặt bao giờ cũng thản nhiên tung tăng ngàn gợn sóng xô bồ, trẻ nhỏ, vẻ thản nhiên muôn đời vô tội, muôn đời làm kẻ lãng quên. Người ta ném xuống vài mảnh giấy vụn, nó sẵn lòng mang đi; người ta buông xuống dăm lá thư tình, nó sẵn lòng mang đi; người ta lao thân xuống, nó cũng sẵn lòng mang đi… Giòng sông nào buồn hơn giòng sông nào? Tôi muốn hỏi Chiều Xưa câu ấy, nhưng thôi, vì biết trước rằng nàng sẽ tròn xoe đôi mắt nâu nhìn tôi để rồi tôi lại thất vọng kêu thầm: Trời ơi tâm hồn đàn bà nặng nề quá! Con đường nầy bạn bè anh thường gọi đùa là con đường “ngày xưa Bùi Thị…” đó, tôi chợt nói. Úi chà… thơ mộng. Chiều Xưa liếc nhẹ tôi, rùn vai đùa cợt. Tôi giận làm thinh. Anh rất ghét ai cười lúc nầy! Chiều Xưa làm thinh, cúi đầu, chớp chớp mắt. Buổi chiều im. Khoảng đường không nói năng của hai người buồn man mác…
Mỗi người có vài cá tính riêng. Chiều Xưa nghĩ, có lẽ Thúy yêu anh vì thấy được nét đổ cộc thình lình. Chiều Xưa đang nói thật?… Nàng khe khẽ gật đầu.Tôi nở nụ cười héo hắt: Chiều Xưa lầm, trái lại Thúy ghét nhất anh điểm nầy. Thúy còn nói anh dữ phát sợ! Chính anh có nhận thấy anh dữ không? Có! Vậy mà vẫn tiếp tục? Ừ! Chiều Xưa “hết ý kiến”, nàng vừa nói vừa xoè hai bàn tay đầu hàng. Tôi chẳng màng chú ý, thấy ánh mắt nhìn giòng sông, buổi chiều đang gom từng hạt nắng lấp lánh sau cùng trên đầu bầy sóng nhỏ. Mình đã đi hết con đường, tôi nói thầm trong miệng, búng mẩu tàn thuốc lá xuống nước, lắng tai nghe tiếng xèo ngắn ngủi, rồi tháo đôi dép da lót chỗ ngồi cho Chiều Xưa. Nàng ngây thơ nhặt từng viên đá nhỏ ném ra sông. Đố anh Chiều Xưa nghĩ gì khi liệng những viên nầy? Đố vậy anh chịu thua. Nàng ném thêm vài viên nữa, nói: Chiều Xưa nghĩ mình phải làm công việc nầy đến bao lâu thì sông cạn? Tôi cười: Lẩm cẩm vừa vừa thôi cô. Chiều Xưa dường như chẳng thiết nghe tôi, mơ màng nhìn mấy nhịp cầu xa xa, nói một mình: Nếu chiều nào cũng có vài cặp tình nhân ra đây, chắc sông nầy mau cạn. Nhưng, tôi định nói, nhưng mình đâu phải là tình nhân mà Chiều Xưa nói vậy, không hiểu sao tôi ngăn tôi câu ấy, đứng như pho tượng (…) Chiều xưa bỗng ngừng tay, gọi: Anh Hải? Anh ngâm thơ cho Chiều Xưa nghe đi. Anh ngâm tệ lắm. Làm bộ hoài, mấy đứa bạn Chiều Xưa đồn anh ngâm thơ hay lắm. Tôi ngồi xuống cạnh nàng, bắt đầu chơi trò ném đá. Chiều Xưa nhí nhảnh: Ê! bắt chước người ta, lêu lêu. Tôi cười: Anh giúp Chiều Xưa cho giòng sông nầy mau cạn đó chứ! Anh. Gì? Ngâm thơ. Ừ thì ngâm, khổ ghê …
Những kỷ niệm đời xin hãy còn xanh
(có một ngày mình bỏ trường bỏ lớp
Anh cũng đi như luật định trời dành
Em cũng đi như luật định trời dành)
Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng
Người thì không bắt bóng được bao giờ
Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng.
Bài thơ dễ thương quá, của anh hở? Ừ, bài “Nên sầu khổ dịu dàng”, anh làm hồi năm đệ nhất, ngồi chung lớp với Dy. Lặng im một lúc, Chiều Xưa hỏi: Giữa Dy và Thúy anh thương ai nhiều hơn? Tôi nhăn mặt: Anh bắt đầu hối hận vì cái đêm uống rượu ở nhà Chiều Xưa, rượu đã khiến anh “kể lể” quá nhiều về anh cho Chiều Xưa biết. Anh không muốn trả lời? Thúy! Vậy sao trong bức thư gửi ba Chiều Xưa anh toàn nhắc đến Dy? Chiều Xưa đã đọc bức thư ấy? Dạ… đọc lén. Tôi nhíu mày giây lát. Anh sợ ba Chiều Xưa buồn. Buồn gì? Tôi hướng về con đường mới đi qua. Anh nhắc tới Dy trong thư để thoát áo kỷ niệm cho con đường nầy. Chiều Xưa nên biết, nghệ sĩ rất yêu kỷ niệm, ba Chiều Xưa là nghệ sĩ. Chứ thật tình, giữa hồn anh hình bóng Dy hóa kiếp từ lâu. Anh đã nói dối với ba Chiều Xưa! Nói dối trên phương diện tinh thần, nghĩa là anh chẳng tha thiết tình đầu như ba Chiều Xưa tưởng. Ba Chiều Xưa cũng lạ, bức tranh nhiều người hỏi mua, không chịu bán, để đem cho. Chiều Xưa muốn trách anh? Chiều Xưa chỉ nói vậy thôi chứ đâu dám trách anh. Tốt hơn hết, Chiều Xưa nên giữ kín. Tôi châm điếu thuốc, khói tạt nhanh theo gió. Chiều Xưa thấy con người nghệ sĩ của ba Chiều Xưa thế nào? Đáng yêu? Hơi bực mình. Vậy Chiều Xưa cũng giống những người con gái khác. Đáng mừng! Chiều Xưa chẳng thích sống trên mây! Thôi, mình hết chuyện nói rồi, tôi lại thình lình nổi giận. Nàng quay đi. Tôi thoáng gặp Chiều Xưa buồn buồn đôi mắt. Những đôi mắt buồn không ít giữa hồn tôi. Màu mắt Tây phương ấy tuyệt vời khi vui, khi giận, nhưng khi buồn nó chưa đủ xa xôi! Và nếu thế anh còn yêu Thúy mãi mãi, Thúy ơi. Có lẽ anh là người Việt Nam, nên anh chỉ cảm nhận được màu mắt Việt Nam, nên anh chỉ nghe được tiếng thở dài trong đôi mắt Việt Nam của Thúy, Thúy ơi!… Chiều Xưa tiếp tục ném đá lên đầu sóng lao xao. Tôi nhìn nàng, gọi khẽ: Chiều Xưa! Dạ. Anh xin lỗi. Anh đâu có lỗi gì. Thiệt hôn? Thiệt! Sợ tôi không tin, cô bé tháo khăn tay tươi cười trao tôi viên kẹo: Nãy giờ quên anh, kẹo thằng nhỏ kia cho ngon lắm. Tôi mân mê viên kẹo, ngắm Chiều Xưa, tưởng tượng chất ngọt lan đều trên lưỡi đang làm cô nàng thích thú. Và khen lấy lệ. Thằng nhỏ kia mỗi tuần gửi Chiều Xưa gói kẹo kèm theo một lá thư, đều đều gần hai tháng nay, kẹo thì Chiều Xưa ngậm, thư thì chẳng chịu trả lời. Thằng nhỏ nào vậy? Sinh viên! Sao dám gọi người ta “thằng nhỏ”? Đó là hãnh diện của con gái! Chiều Xưa nói bằng nụ cười. Tôi tình cờ cay đắng, hồi còn trung học tôi không hay mình cúi đầu gánh những điêu ngoa mà cô bạn cùng lớp tên Dy dành tặng, nhưng thôi, hãy xem như luật định trời dành, bởi gã trai nào mới lớn cũng không ngờ mình bé bỏng trước người mình yêu. Hôm nào Chiều Xưa cho anh đọc lá thư thằng nhỏ. Thằng nhỏ bao nhiêu tuổi. Hăm hai! Tôi lên giọng kẻ cả: Người ta hai mươi hai tuổi Chiều Xưa phải gọi bằng anh đàng hoàng. Nàng trề môi: Còn lâu, Chiều Xưa bằng tuổi nó chứ bộ. Chiều Xưa cũng… hăm hai! Tôi ngớ ngẩn, điếng hồn, mắc cở, tức giận, mất thăng bằng…
Giòng sông xám mặt. Mưa bắt đầu phơ phất. Tôi nghe loáng thoáng tiếng Chiều Xưa đòi về. Chiều Xưa về trước đi, tôi ngồi bất động, nói lạnh lùng. Hình như nàng còn nói thêm gì nữa, nhưng tôi bận điên đầu. Khi tôi quay lại thì dáng lưng Chiều Xưa mờ mờ, nàng sắp tới đầu đường, nàng sắp thành dĩ vãng. Hai hàng cột đèn bỗng dưng biến thành hai hàng nến lụn…
Sóng gào thét, tôi đứng lảo đảo trong gió lớn, cởi phăng quần áo, nghiến răng lao đầu xuống nước, ngó thẳng bên kia bờ, bơi mãi, bơi mãi…
Nguyễn Tất Nhiên
Tuổi Ngọc số 91
21/07/1972