“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi.” – Tình ca, Phạm Duy sáng tác.
Tiếng Việt Nam, tiếng mẹ đẻ, tiếng quê cha, là tiếng nói mặc nhiên của tư duy trí não chúng ta, từ thuở lọt lòng đến ngày khôn lớn.
Chúng ta suy nghĩ bằng ngôn ngữ. Bởi vậy tiếng nói và chữ viết nào ta thành thạo nhất chính là cánh cửa mở vào thế giới nội tâm, suy nghĩ và tình cảm của ta. Lắng nghe tiếng lòng thầm trong trí tưởng, thể hiện bằng lời nói hoặc ghi nhận bằng chữ viết là những cách ta thể hiện tâm tư mình.
Chỉ bằng những điều này thôi, đã đủ hình thành nên cho ta lòng yêu tiếng Việt.
Nhưng hơn cả, ta sẽ thấy yêu thương tiếng Việt nhiều thêm khi nhìn thấy được vẻ đẹp của ngôn ngữ quê hương. Và điều ấy, vui thay, lại rất dễ dàng. Bởi tiếng Việt ta giàu và đẹp.
Tiếng Việt Nam ta thật giàu có. Ít có thứ ngôn ngữ nào có hệ thống đại từ nhân xưng đa dạng và chi tiết như tiếng nước ta. Và thật hiếm có thứ ngôn ngữ nào có những bộ danh từ hoặc động từ đồng nghĩa nhưng khác về mức độ thay đổi tính chất của một sự vật sự việc như tiếng nước ta.
Tiếng Việt Nam ta cũng thật đẹp đẽ. Tiếng nước ta là một ngôn ngữ có âm điệu đa dạng và cấu trúc ngữ pháp vô cùng uyển chuyển. Cộng thêm hệ thống từ tượng thanh, tượng hình và từ láy tạo thành một ngôn ngữ thật giàu tính thi thơ và nhạc điệu.
Những điều nói đến ở trên chỉ là những minh hoạ hết sức đơn sơ cho sự giàu đẹp của tiếng Việt Nam mà thôi. Ta sẽ còn nhìn ra được vẻ đẹp ấy trong những lúc cụ thể mà ta có dịp vận dụng hoặc tiếp thu ngôn ngữ quê hương. Để từ đó hình thành trong ta lòng yêu tiếng Việt.
Có được lòng yêu tiếng Việt Nam, ta mang cho mình một cảm tình trìu mến và một niềm vui giản dị.
Đọc thấy một câu văn hay, ta biết rung động. Nghe được một chữ đắt giá, ta lấy làm đắc ý. Diễn đạt mạch lạc và uyển chuyển được tâm tư mình, ta thấy hài lòng. Những cảm xúc này tuy thầm lặng nhưng say mê, tuy nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa. Và lòng yêu này, cũng như những tình cảm khác, phải được rèn luyện, nuôi dưỡng, bồi đắp. Để từ đó, ta biết yêu thêm gia đình, bè bạn, đồng bào; ta biết yêu thêm xóm làng, quê hương, xứ sở.
Tạp chí Mây Ngàn khởi nguồn từ lòng dạt dào yêu thương tiếng nói-chữ viết-đất nước-quê hương. Cho dù chỉ là một trang mạng nhỏ nhoi trong muôn vàn trùng điệp không gian thông tin đa phương tiện, Mây Ngàn sẽ tiếp tục gửi đến quý vị và các bạn những tác phẩm văn chương, thi thơ, âm nhạc – những kết tinh đẹp đẽ của ngôn ngữ Việt Nam – sợi dây chung nhất kết nối tất cả chúng ta bất kể trước mắt mỗi người là một chân trời khác biệt.
Mây Ngàn tạp chí. 01.08.2019