Trong bài trả lời phỏng vấn trước, Phạm Công Thiện có nhắc đến một người bạn tâm giao của ông ở Paris, thi sĩ Nh. Tay Ngàn. Nh. Tay Ngàn là ai? Sao bút hiệu thơ mộng và bí mật ấy ta không thấy nhắc đến nhiều ở bất cứ đâu? Trong quá trình tìm hiểu về con người khiêm nhượng và bí ẩn này, Mây Ngàn đã tìm thấy một bài giới thiệu về ông, cùng với sáu bạn văn trẻ tuổi trên tạp chí Văn số 28, tháng 2 năm 1965. Xin trân trọng gửi đến cùng bạn đọc.
Trong một năm qua, Văn đã đăng nhiều bài (truyện, thơ..) của nhiều cây bút trẻ.Theo sự nhận xét của Ban Tuyển đọc Tác phẩm của Văn, có bẩy cây bút trẻ có nhiều triển vọng sẽ đi xa trong tương lai, bẩy cây bút mà tòa soạn Văn rất vui được giới thiệu cùng bạn đọc dưới đây.
I) Nguyễn Thái Lãng
là tên thật của một sinh viên Mỹ thuật, sinh quán miền Bắc, tuổi chừng hơn hai mươi, mà họa phẩm đã có lần triển lãm và được tưởng thưởng.
Truyện đầu của Thái Lãng, truyện ngắn Khoảng cách, đã được giới thiệu trên Văn số 6.
Trả lời bức thư yêu cầu cho biết sơ qua về thân thế để tòa soạn viết lời giới thiệu, Thái Lãng viết:
“… Thời buổi này, chúng tôi thấy như đang bị rơi xuống một vũng lầy mênh mông. Từng đứa một xa nhau, không bơi lại được, không bám vào được, không nhìn rõ mặt nhau. Khoảng cách quá xa, tiếng kêu mất hút. Chúng tôi cần những sợi dây quăng xuống, để lần được vào bờ, để gột rửa, để nhìn rõ mặt nhau. Nếu không càng vùng vẫy chúng tôi càng chìm dần rồi mất hút đi, đau đớn. Vậy những sự giãi bầy nho nhỏ này có thể là những sợi tơ mong manh đang rơi xuống để kết thành cuốn dây vững chắc không? Tôi hy vọng thế, ngoài ra biết tìm dâu. Trong một thân thể yếu đuối, một mớ kiến thức vu vơ, hai bàn tay trắng mà có biết bao đau đớn, những đau đớn như anh đã nói “không kể được với ai”. Hoài nghi nhưng dễ tin, tội lỗi và hối hận cùng sự ngờ nghệch ngu dốt có cả trong tôi, chúng xoáy tít ở phía sau hai con mắt, ở bên trong thái dương và trên hai bàn tay. Tôi khổ…“
II) Phan Thảo Trang
Tên thật là Phan Hồng Việt, Sanh năm 1943. Nguyên quán Hội An, Quảng Nam (Trung Việt)
Đã đăng thơ trên Thời Nay, Văn, Bút Hoa… Bút hiệu đã ký: Trẫm Hồng…
Thảo Trang đậu Tú tài (Triết) năm ngoái. Thiếu phương tiện học thêm nên hiện nay dạy tư buổi tối tại các tư gia.
Ước vọng của Thảo Trang là xuất bản tập thơ đầu tay khi điều kiện tài chánh cho phép.
III) Nguyễn Phan Thịnh
Sau nhiều bút hiệu ký trên các báo khác, nhà thơ trẻ này tìm đến với Văn bằng tên thật của anh: Nguyễn Phan Thịnh.
Thịnh sanh năm 1943. Nguyên quán Hà Nam (Bắc Việt)
Tác phẩm gồm nhiều loại (thơ, truyện ngắn, truyện dịch và biên khảo dịch) đã đăng trên Gió Mới, Lành Mạnh, Tiểu Thuyết Tuần San, Mai, Huyền, Văn… Những bút hiệu đã dùng: Thăng Trầm, Nguyễn Phan…
Hiện đang theo học năm thứ hai trường Sư phạm Quy Nhơn.
IV) Nh. Tay Ngàn
Nh. Tay Ngàn là nhà thơ có bài được chọn đăng nhiều nhất trong số các bạn trẻ tìm đến với Văn.
Tên thật là Nguyễn Văn Nhĩ. Sanh năm 1943. Nguyên quán Vĩnh Bình (Nam Việt)
Hiện đang theo học ngành Canh nông tại Pháp.
V) Lê Cao Nguyên
Truyện ngắn đầu tay của Lê Cao Nguyên, được chọn đăng trên Văn số 20, là một truyện ngắn khá hay.
Tên thật là Lê Công Mừng. Sanh năm 1943. Nguyên quán Thừa Thiên (Trung Việt).
Đang theo học Đại học thì bỏ ngang theo trường Sĩ quan Hải quân. Hiện đang phục vụ trong quân ngũ.
VI) Tôn Nữ Hoài My
Tòa soạn không biết tên thật của nàng Tôn nữ này. Chỉ biết Hoài My sanh năm 1945 tại Thuận Hòa, một làng nhỏ nằm dọc theo bờ sông Phan Rang (Trung Việt)
Hoài My đã dùng nhiều bút hiệu: Hoài Thùy Dương, H.K….
Thơ và tùy bút đăng trên Kỷ Nguyên Mới, Văn Nghệ Tiền Phong, Ngàn Khơi, Phổ Thông, Thời Nay, Văn
Hiện đang theo học trường Quốc gia Sư phạm Quy Nhơn.
IIV) Tần Hoài Dạ Vũ
Tên thật là Nguyễn Văn Bổn. Sanh năm 1944. Nguyên quán Giao Thủy, Quảng Nam (Trung Việt).
Truyện và thơ đã đăng trên Bách khoa, Văn Học, Nhận Thức, Ngàn Khơi, Thời Nay, Phổ Thông, Văn…
Hiện đang đi học tại Huế.
Như đã nói trong Lá thư Tòa soạn mở đầu số báo này, tòa soạn Văn không có ý choàng hoa cho những bạn trẻ được giới thiệu trên đây.
Chúng tôi muốn nhắc lại: “Có đi xa được hay không là việc hoàn toàn tùy thuộc khả năng sáng tác của những bạn trẻ đó…”
Như những con suối mới khơi nguồn, bẩy cây bút trên đây còn phải trải qua nhiều thử thách, còn phải tốn nhiều công khó.
Có thể sẽ có người đi được rất xa, trở thành những nhà văn lớn. Nhưng cũng có thể có người rồi sẽ mai một trong quên lãng. Điều đó tùy thuộc ở sự cố gắng của mỗi người và thời gian chung cho tất cả.
Cũng trên những trang báo này, đầu mùa Xuân năm tới, chúng tôi hy vọng sẽ được giới thiệu thêm nhiều cây bút mới – những cây bút có triển vọng sẽ đi xa trong tương lai.
Tạp chí Văn, tháng 2 năm 1965