Đờn ca tài tử, cổ nhạc miền Nam và sau này phát triển thành sân khấu cải lương là một kho tàng nghệ thuật quý giá của đất nước chúng ta. Những tuồng tích, bài bản cải lương không chỉ hay và đẹp nhờ thẩm mỹ âm nhạc mà còn biểu đạt được giá trị ngôn từ, lời ăn tiếng nói, sự đối đáp nhịp nhàng, văn chương trong ngôn ngữ Việt Nam. Mây Ngàn xin giới thiệu một trích đoạn lời ca-diễn trong tuồng cải lương Trường tương tư của liên danh soạn giả Hoa Phượng – Ngọc Điệp. Hai soạn giả kỳ tài này cũng là tác giả của tuồng cải lương kinh điển Tuyệt tình ca, đã lấy nước mắt của biết bao nhiêu thế hệ mộ điệu.
Liễu Phượng Tường (Ngọc Giàu nói diễn): Kệ tôi! Để tôi khóc, đừng có dỗ. Anh gạt tôi nhiều lắm rồi đó. Có phải khi dẹp giặc Miêu, anh lập công đầu không?
Bạch Ngọc Hồ (Tấn Tài nói diễn): Phải!
Liễu Phượng Tường: Có phải vua ban chỉ hứa hôn cho anh và quận chúa không?
Bạch Ngọc Hồ: Phải! Khi dẹp loạn Đồng Nhân anh đã cứu được quận chúa Diệp Thuý Quyên. Lúc giặc đã yên, anh từ chối bổng lộc của nhà Thanh để về ngao du sơn thuỷ. Anh là người khỏi phải quỳ khi nghe thánh chỉ và chẳng sợ bay đầu khi làm phật ý nhà vua.
Liễu Phượng Tường: Ý, cha… Cha mới về…
Liễu ông (Út Trà Ôn nói diễn): À, con! Hồi nãy cha vừa bước chân ra khỏi nhà, con có thấy gia phong lễ giáo nó đi theo cha hay không?
Liễu Phượng Tường: Dạ thưa cha…
Liễu ông: Hay là nó vẫn còn ở nhà này? Nó ở đâu cà?
Bạch Ngọc Hồ: Thưa lão bá…
Liễu ông: Ủa! Ai đây? À! Ông đã đánh cắp gia phong lễ giáo của tôi, hoặc là con gái tôi đã đánh cắp và tặng cho ông. Phải vậy không?
Bạch Ngọc Hồ: Thưa lão bá, cháu thật muôn vàn đắc tội vì sự có mặt nơi này không chính đại quang minh.
Liễu Phượng Tường: Thưa cha, đây là người thợ săn…
Liễu ông: Thợ săn? Ông săn gì? (Út Trà Ôn bắt đầu ca) Có phải chăng, ông săn những trái tim non? Những trái tim thơ dại ngu khờ, hay những trái lăng loàn hư thân, khoác lớp đoan trang?
Bạch Ngọc Hồ (Tấn Tài ca tiếp): Dạ kẻ hèn này xin gánh chịu tất cả lỗi lầm. Xin lão bá rộng lòng khoan dung tha thứ tội một phen.
Liễu Phượng Tường (Ngọc Giàu ca tiếp): Xin cha bớt cơn nóng giận! Con nào dám đâu làm chuyện bướm ong!
Liễu ông (Út Trà Ôn ca tiếp): Tôi không cần nhiều tiếng van xin, chỉ muốn mời ông sớm dời chân!
Bạch Ngọc Hồ (Tấn Tài ca tiếp): Bao nhiêu lời sỉ nhục kẻ này xin cúi nhận, nhưng đặc biệt chỉ cầu xin ban bố cho ân huệ trọn đời xin vạn tạ.
Bạch tri huyện (Việt Hùng nói diễn): Con làm gì đây Ngọc Hồ?
Bạch Ngọc Hồ: Dạ thưa cha…
Bạch tri huyện: Lão già kia, mỗi lần con ta tới đây nó tốn bao nhiêu?
Liễu ông: Thưa đại nhân, nhà này không phải là nơi chứa điếm!
Bạch tri huyện: Còn gì nữa! Các người không bán chẳng lẽ nó đến đây xin!
Liễu ông: Đại nhân đã lầm!
Bạch tri huyện: Ta nghĩ đúng!
Liễu ông: Nếu đại nhân nghĩ đúng, thì nhận xét này của tôi chắc cũng không sai. Nếu dưới những mái nhà tranh xiêu vẹo, con người nghèo khổ quá phải bán dâm.
Bạch tri huyện: Ờ! Đúng!
Liễu ông: Thì trong những lầu viện nguy nga tráng lệ, ăn sung mặc sướng, chắc người ta cho dâm chứ không bán.
Bạch tri huyện: Khốn nạn! Dám phạm thượng với lão gia! Bay đâu, trói gộc thằng già này lại!
Bạch Ngọc Hồ: Khoan! Chúng bay không được động đến người này!
Bạch tri huyện: Ngọc Hồ! Con nên nhớ cha là tri huyện!
Bạch Ngọc Hồ: Còn con là danh tướng của Thanh triều.
Bạch tri huyện: Được! Mày về nhà thử coi mày có nhận là con của tao không!
Bạch Ngọc Hồ: Con không bao giờ dám bất hiếu.
Bạch tri huyện: Bay đâu! Về!
Hoa Phượng & Ngọc Điệp
Tuồng cải lương Trường Tương Tư, khoảng 1966