Thẻ: Bùi Giáng

  • Thư từ trao đổi với Bùi Giáng – Tạp chí Văn tháng 5 năm 1973

    Trong số đặc biệt về Bùi Giáng của tạp chí Văn tháng 5 năm 1973, ngoài những bài giới thiệu, trích đoạn tác phẩm, có một bài “phỏng vấn nhưng không phải phỏng vấn”, dưới dạng thư từ trao đổi giữa nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng – tổng thư ký tạp chí Văn và thi sĩ Bùi Giáng. Trong “cuộc phỏng vấn” này, Bùi Giáng xuất hiện với diện mạo quàng xiên, câu chữ bao la bát ngát như thường lệ. Thế nhưng, khi đi giữa đám chữ nghĩa trùng điệp mà ông tung ra, tưởng chừng như mịt mù không thấy lối, khi chiêm nghiệm lại ta chợt nhận ra chúng đã trả lời hầu hết mười câu hỏi của Nguyễn Xuân Hoàng, chỉ còn câu thứ chín là như ông nói “một vài câu gay cấn, đáp vào không tiện, đáp ra thì tràn bờ, và ngôn ngữ có thể từ đó mà trôi tuột ra biển Nam Hải Thái Bình Dương và trào qua Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và cũng có thể ngập lên Bắc Băng Dương để tràn xuống Nam Băng Dương không còn mong gì có thể quy hồi về Như Lai Cố Quận”. Mây Ngàn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

    Kính gởi anh Bùi Giáng,

    Như đã thưa với anh hôm trước, bữa nay ta thử làm một bài nói chuyện giữa anh và tôi chơi. Chắc chắc sẽ không phải là một cuộc phỏng vấn. Để tránh những ngộ nhận có thể làm phiền anh, xin anh đặt ngược lại những câu hỏi cho tôi. Chúng ta sẽ “tếu” chơi. Tôi chưa đọc kỹ bài của Phan Quốc Sơn, do đó bài nói chuyện sẽ bổ túc sửa đi sửa lại thêm bớt đôi ba lần cho suôn sẻ. Chắc anh đồng ý.

    Cái tít của bài này sẽ là: Bùi Giáng và Nguyễn Xuân Hoàng nói chuyện chơi hay là một cái tít nào đó “têu tếu” nếu anh muốn, xin anh cứ tự ý cho càng tốt.

    1- Anh Bùi Giáng, hồi này đời sống anh ra sao? 
    2- Anh tự đặt cho anh nhiều tên quá. Kể một vài tên mà anh ưa thích. 
    3- Người ta nói anh đùa cợt một cách nghiêm nghị và nghiêm nghị một cách đùa cợt tất cả những giá trị đầy đủ ý nghĩa của nó. Anh nghĩ sao về một nhận định như thế. 
    4- Mô tả đời sống ấy không? 
    5- Bằng lòng đời sống ấy không? 
    6- Tôi nhớ A. Gide có nói đâu đó đại ý là đâu cần phải đọc sách mới biết cát trên bãi biển là nóng, cứ đi chân trần trên cát dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời thì sẽ thấy ngay thế nào là nóng. Có phải anh đồng ý với tác già Khung Cửa Hẹp này trong ngày tháng sau này không? 
    7- Heidegger? Hoelderlin? Anh quan tâm làm chi mấy ông này ghê thế? Có cách nào gọn gàng hơn để anh chỉ cho tôi ngó thấy cái bản chất của hai ông này? 
    8- Thử tưởng tượng ra một Bùi Giáng do mấy người khác vẽ. So sánh một Bùi Giáng do chính Bùi Giáng thấy và một Bùi Giáng do người khác thấy. 
    9- Kể nghe tên của một vài nhà thơ trẻ hiện nay mà anh đọc và ưa thích. 
    10- Bữa nọ nói chuyện chơi với anh Thanh Tâm Tuyền, anh Thanh Tâm Tuyền có nói là lâu nay thấy anh ấy nghiêm nghị quá, văn chương anh ấy có vẻ như một bộ mặt chầm dầm. Cần phải tếu một chút. Anh tếu đã quá lâu. Anh có chia sẻ nhận xét đó cùng với anh Thanh Tâm Tuyền không?

    Thưa anh,

    Còn nhiều nữa nhưng nếu có được mấy câu trả lời trên đây của anh, và mấy câu anh hỏi ngược lại tôi, thì có lẽ bài sẽ còn phong phú hơn.

    Mong được anh trả lời sớm để tôi còn gửi lại anh thêm các câu hỏi khác nữa. Anh đồng ý không?

    Rất cám ơn anh.

    Phạm Ngũ Lão, 21-04-1973

    Kính

    Nguyễn Xuân Hoàng 

    Kính gởi anh Nguyễn Xuân Hoàng,

    “Chắc chắn sẽ không phải là một cuộc phỏng vấn” Câu nói đó trong thư anh gởi quả nhiên là câu nói khiến mọi người hoan hỷ thong dong. Nhưng trong số mười câu hỏi anh nêu ra, có một vài câu gay cấn, đáp vào không tiện, đáp ra thì tràn bờ, và ngôn ngữ có thể từ đó mà trôi tuột ra biển Nam Hải Thái Bình Dương và trào qua Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và cũng có thể ngập lên Bắc Băng Dương để tràn xuống Nam Băng Dương không còn mong gì có thể quy hồi về Như Lai Cố Quận.

    Tôi sẽ làm thơ để tạ ơn Thượng Đế khởi từ vô lượng a tăng tỳ kiếp tới vô lượng (bất khả xưng chuyển) bình tử bình sinh.

    Tạ ơn Ngài về sự gì?

    Về sự vụ: trong trần gian từ nay sẽ không còn cuộc phỏng vấn bọn làm thơ. Người ta có thể phỏng vấn Ông Giám Đốc, phỏng vấn Bà Hiệu Trưởng, phỏng vấn Ngài Giáo Sư, phỏng vấn Nhà Vua, phỏng vấn Hoàng Hậu, phỏng vấn Tổng Thống, phỏng vấn Tổng Thống Phu Nhân, phỏng vấn Phó Tổng Thống, phỏng vấn Phó Tổng Thống Phu Nhân, phỏng vấn Thượng Đế, phỏng vấn Thượng Đế Phu Nhân, phỏng vấn Như Lai, phỏng vấn Như Lai Phu Nhân, phỏng vấn Phó Như lai, phỏng vấn Phó Như Lai Phu Nhân, phỏng vấn Quan Âm Bồ Tát, phỏng vấn Phó Quan Âm Bồ Tát, phỏng vấn Hùng Tâm Thánh Nữ, phỏng vấn Thiên Tài Ny Cô, vâng, mọi cuộc phỏng vấn kia đều có thể mở ra được hết thảy. Nhưng bọn làm thơ, chúng nó có ra khỉ gì đâu mà phỏng vấn chúng nó. Chỉ nên cho chúng nó ăn Hủ Tiếu Chợ Lớn Tô Châu và Bún Bò Thừa Thiên Phố Huế và Phở Tái Hà Nội Kỳ Đồng. Rồi thả chúng nó đi thong dong mộng mỵ. Thỉnh thoảng chúng nó có điên cuồng quá độ, thì tạm nhốt chúng nó vào Biên Hoà Bịnh Viện một vài tháng rồi thả chúng nó trở ra để cho chúng nó còn có phen được điên rồ trở lại, bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Có như thế chúng nó mới có thể tiếp tục một bình sinh làm thơ ca ngợi Thượng Đế, ca ngợi Như Lai, ca ngợi Thần Tiên, ca ngợi Ma Quỷ, ca ngợi Nữ Chúa Nữ Vương, ca ngợi Anh Hùng Hiệp Sĩ, ca ngợi Chiến Tranh Thơ Dại, ca ngợi Hoà Bình Thơ Ngây, ca ngợi Lá Cỏ Lá Cây, ca ngợi Chuồn Chuồn Châu Chấu, ca ngợi Mù Sương Sa Mạc, ca ngợi Hằng Thủy Tồn Lưu, ca ngợi Sát Na Lốm Đốm, ca ngợi Khoảnh Khắc Chon Von, ca ngợi Dặm Hồng Khúc Khuỷu, ca ngợi Bích Ngạn Nguy Nga, ca ngợi Hằng Nga Thúy Lục, ca ngợi Rừng Tía Xum Xuê, Suối Thiên Thu Xúm Xít.

    Ca ngợi tạ ơn Ngài là như thế 
    Thì lúc bấy giờ Ngài sẽ nghĩ sao?

    Ngài ắt sẽ bảo rằng:

    Phải rằng Ngữ quáng Ngôn lòa 
    Lọ là thâm tạ mới là tri ân

    Thì lúc bấy giờ bọn làm thơ sẽ đáp thế nào?Đáp rằng:

    Rằng trăm năm có là bao 
    Ngoài ra ca ngợi trong vào ngợi ca 
    Gật gù sa mạc bước qua 
    Trình tâu tuế nguyệt như hà hình dung 
    Đường qua ngôn ngữ cuối cùng 
    Đường sâu hun hút đêm trừng trị đêm

    Hỏi: 
    Đêm trừng trị đêm là nghĩa thế nào? Đêm gì trừng trị đêm gì?

    Đáp: 
    Có thể là đêm Tô Châu trừng trị đêm Chợ Lớn, nhưng cũng có thể là đêm Chợ Lớn trừng trị đêm Tô Châu, hoặc đêm Thừa Thiên trừng trị đêm Hà Tịnh, hoặc là đêm Hà Tịnh trừng trị đêm Xiêm La, cũng có thể là đêm Xiêm La trừng trị đêm Hy Lạp, đêm Hy Lạp trừng trị đêm Y Pha Nho, đêm Y Pha Nho trừng trị đêm Ý Đại Lỵ, đêm Ý Đại Lỵ trừng trị đêm Bắc Kinh, đêm Bắc Kinh trừng trị đêm Nữu Ước, đêm Nữu Ước trừng trị đêm Huê Kỳ, đêm Huê Kỳ trừng trị đêm Ấn Độ, đêm Ấn Độ trừng trị đêm Trung Hoa, đêm Trung Hoa trừng trị đêm Nga Sô Viết, đêm Nga Sô Viết trừng trị đêm Dương Tử Giang, đêm Dương Tử Giang trừng trị đêm Trung Niên Thy Sỹ, đêm Trung Niên Thy Sỹ trừng trị đêm Thy Sĩ Đười Ươi, đêm Thy Sỹ Đười Ươi trừng trị đêm Đười Ươi Thy Sỹ, đêm Đười Ươi Thy Sỹ trừng trị đêm Chiêm Bao, đêm Chiêm Bao trừng trị đêm Mộng Mỵ, đêm Mộng Mỵ trừng trị đêm Mơ Mộng, đêm Mơ Mộng trừng trị đêm Hoài Niệm Mông Lung Mơ Hồ Man Mác.

    Hỏi: 
    Bởi đâu mà có cuộc trừng trị miên man của đêm dài như thế?

    Đáp: 
    Bởi vì đường sâu hun hút.

    Hỏi: 
    Đường nào sâu hun hút?

    Đáp: 
    Đường qua ngôn ngữ cuối cùng…

    Hỏi: 
    Bởi vì đâu mà sâu hun hút?

    Đáp: 
    Có lẽ bởi rằng trong một lúc chon von của sát na tịch nạp, con đường ấy phải kết tập quá nhiều những ngã ba đi vào trong những ngã bốn, ngã năm, ngã sáu, ngã bảy, ngã chủ nhật.

    Hỏi: 
    Ấy có nghĩa thế nào?

    Đáp: 
    Có nghĩa rằng: một Hằng Thủy Sơ Nguyên muốn trùng sinh nơi Viễn Ngạn ở cuối đường Mai Hậu muốn phục hồi về Hiện Tại và chào đón Hiện Tại ở khắp mặt Tương Lai đang hình thành trong thệ khứ Mạt Thế Thể của Sử Lịch Tồn Lưu làm nên mối bâng khuâng của Phù Du Tại Thể.

    Hỏi: 
    Phù Du Tại Thể xoay sở thế nào trong vòng rối rắm ấy?

    Đáp: 
    Nó nó nó … Cuối cùng nó đi vào rừng nằm ngủ ở trong rừng. Chiêm bao thấy chim chóc ngâm thơ.

    Hỏi: 
    Ngâm thơ gì?

    Đáp: 
    “Buồn ở Sông Xanh nghe đã lại 
    Mơ hồ trong một tiếng chim qua”

    “Ta đã để hồn tan trong tiếng thở 
    Kêu gọi Lời đưa tiễn Buổi Tàn Phai”

    Bây giờ thư trả lời trở lại câu hỏi thứ nhất anh nêu ra – “Bùi Giáng, đời sống của anh ra sao?” Tôi xin đáp đời sống của tôi thật là tai hại cho bình sinh của tôi. Ấy bởi vì: 
    Bình Sinh thì điên tam đảo tứ, mà đời sống thì đảo tứ điên tam.

    Tính sao bây giờ? Nếu có thể đem nhốt đời sống vào Biên Hoà Bịnh Viện, thì ắt phải đem bình sinh nhốt vào cõi Viện Bịnh Hoà Biên? Có thể nào như thế được chăng?

    Nhưng sao gọi bình sinh điên tam đảo tứ? Sao gọi là đời sống đảo tứ điên tam?

    Ấy gọi là thế này: bình sinh đi giữa đường phố thì mộng mị chuyện ở trong rừng; mà đời sống chiêm bao cư lưu ở ở trong rừng thì lại mơ mộng về phồn hoa phố thị với cà phê phở tái v.v…

    Nói cách khác: Lúc làm thơ cho Thi Dựng ở biên giới Sa Mạc Tuyệt Trù, thì xảy ra sự tình này gay cấn:

    Bước vào bờ cõi Apollon, thì bước theo thể điệu Dionysos. Mà lúc đi vào vũ trụ Dionysos, thì trung niên thi sĩ lại đi bằng thể điệu bàn chân Apollon. Hỡi ôi, đó là tai họa. Vào trong cõi bờ nào bát ngát, trung niên thi sỹ cũng tự biến mình làm người khách lạ mênh mông. 
    Mang mãi mãi “một bộ mặt chầm dầm” như ông Thanh Tâm Tuyền đã nói. Trung Niên đảo tứ cánh nhiên nhi… Thi Sĩ điên tam bất hạn kỳ…

    Đó là cái Nơi cái Chốn cho những câu thơ “thế ấy” đi về:

    Tiền trình vạn lý đầu hoa 
    Ngờ đâu cuối tuyết còn xa vô cùng

    Thế ấy đi về cho thế nọ thì cuộc quy lai hồi phục Ấy Nọ. Thế đã ra sao? Có lẽ ra như thế kia:

    Di thần lá cỏ nguy cơ 
    Nguyên triều tịch mịch ngọn cờ bổ sung 
    Hoàng hôn cơn mộng tháp tùng 
    Từng vô duyên gọi bóng mùng diễm qua

    Nhiều phen người khách lạ bỗng đâu còn biến làm Hài Nhi mở mắt chào đời lần thứ nhất.. Thì thì thì? thì Hiện Thể trong Toàn Thể bỗng tân kỳ thi hiện xúm xít trong những ngày tháng ngao du. Đó là ý nghĩa ẩn mật u tàng của Quy Hồi Cố Quận vậy: hình thành Cố Quận trong từng trận Thệ Khứ chon von:

    Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn 
    Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau

    Hoặc: 
    Dạ thưa Vỹ Dạ về gần 
    Đã từ xa lắm thiên thần nhớ em

    Hoặc: 
    Tuyết ngày đông giá góp vang 
    Ngành Sim Lục đoá muộn màng Tường Vy

    Anh Nguyễn Xuân Hoàng. Đó cũng là lời đáp riêng cho câu hỏi “vì sao quan tâm đến những ông Hoelderlin, Heidegger nhiều quá thế?”

    “L’Être se retire en ce déclôt dans l’Étant. Ainsi, l’éclaircissant, l’Être égate l’Étant avec l’ Errance…”

    Trong phần Phụ Lục cuốn Con Người Phản Kháng, tôi đã nói hơi nhiều về lẽ đó. Nay xin vắn tắt.

    Anh nhận thấy thế nào? Có phải rằng nãy giờ dường như bất tri bất giác tôi đã quanh quẩn đáp vào đầy đủ cho mọi câu hỏi anh nêu ra? Anh còn nói sẽ nêu thêm nữa? Có cần thiết lắm không? Còn những chất vấn của độc giả? Độc giả của Ngày Tháng Ngao Du, của Lễ Hội, Con Đường Ngã Ba (…) độc giả hãy hồn nhiên bỏ chân xuống ngày tháng, xuống ngã ba, ngã bốn, ngã năm, ngã sáu, ngã bảy. Thế là tốt lắm.

    Sau đây xin phép tặng Tuổi Chín Mươi Mốt một ít bài thơ góp phần trong cuộc.

    Tạp chí Văn số ra ngày 18 tháng 5 năm 1973