Thẻ: Phạm Công Thiện

  • Ý thức mới trong văn nghệ và triết học – Phạm Công Thiện

    Phạm Công Thiện là một triết gia, một nhà tư tưởng vĩ đại của Saigon Nam Việt. Sở dĩ Mây Ngàn dùng chữ Saigon Nam Việt, là vì khác với đa số văn nghệ sĩ miền Nam trước năm 1975 là người miền Bắc di cư, Phạm Công Thiện là con người hoàn toàn Nam Bộ. Và chính tại Saigon, con người xuất chúng Phạm Công Thiện đã phát xuất tinh hoa, nhưng cũng đã quỵ ngã vì thời thế điên đảo và quyết định xa rời hết thảy vào năm 1970 bước vào cuộc viễn du thế giới. Mây Ngàn xin trích đăng một bức thư trong quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, An Tiêm xuất bản năm 1965. Những lời lẽ, luận lý trong bức thư này, đến nay, sau nửa thế kỷ nhìn lại, ta vẫn thấy đúng, thấy nguyên vẹn đến đáng sợ.

    Nha Trang, tháng 6 năm 1963

    Hồng,

    Quyển này tôi muốn viết riêng cho anh, nghĩa là tôi muốn viết riêng cho thế hệ trẻ, từ 15 đến 25 tuổi mà anh là hình ảnh tượng trưng.

    Tôi viết riêng cho các anh, nhưng thực ra tôi cũng viết riêng cho tôi để nhắc nhở tôi, để gây lại ý thức trong tôi; bởi vì tôi cũng đang nằm trong tuổi các anh, tôi cũng đau đớn nỗi đau đớn của các anh, chúng ta cùng nằm chung trong nỗi khủng hoảng, niềm khắc khoải quằn quại vô biên của tuổi trẻ.

    Ngoài kia đang mưa, tại sao tôi không chạy ra ngoài mưa, tại sao tôi vẫn còn đây để viết lên những dòng cay đắng nầy? Khói lửa đang vây bủa đầy trời Việt Nam. Cũng như Alan Paton, tôi muốn kêu lên: “Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu…”

    Chúng ta đều cùng một thế hệ; sở dĩ tôi muốn xác định giới hạn từ 15 tuổi đến 25 tuổi vì dưới 15 tuổi chúng ta hãy còn hơi ngây thơ và quá 25 tuổi thì người ta bắt đầu hơi cằn cỗi và bắt đầu đi vào thế giới người lớn, nghĩa là đầu hàng cuộc đời.

    Thế giới người lớn là thế giới nghĩa địa, thế giới chết, thế giới ma quái ngu dại.

    Các ông tự cho là các ông khôn ngoan, chín chắn kinh nghiệm. Chúng tôi không cần những thứ ấy và chúng tôi cũng không đụng chạm gì những thứ ấy; vì thế chúng tôi lễ phép xin các ông hãy trả thế giới hồn nhiên cho chúng tôi; đừng làm điếc tai chúng tôi với những tiếng thối nát như “khôn ngoan”, “chín chắn”, “kinh nghiệm”.

    Chúng tôi không cần kinh nghiệm.

    Kinh nghiệm là gì, nếu không phải là những thói quen mà các ông đã bám vào đó để bảo đảm cái thân người hèn mọn nô lệ của các ông?

    Tôi đã vô lễ hằn học với các ông.

    Nhưng sự hằn học ấy cần thiết.

    Chúng tôi, thế hệ thanh niên Việt Nam từ 15 đến 25 tuổi, muốn nói lên một sự thực đau buồn nhứt trong đời chúng tôi, sự thật bi đát ấy là: CHÚNG TÔI KHÔNG CÒN TIN TƯỞNG NƠI CÁC ÔNG NỮA. 

    Hơn thế nữa, sự thực bị đát trên trở thành bi tráng: Chúng tôi không cần các ông nữa.

    Đối với chúng tôi, các ông đã chết, và bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải sống, phải đứng thẳng nhìn đời với nỗi niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ đi và chỉ đi một mình. Quê hương Việt Nam đang đổ vỡ; chúng tôi sẽ gánh lấy sự đổ vỡ ấy trên hai vai yếu đuối, nhưng vẫn mang niềm kiêu hãnh vô biên; chúng tôi sẽ tự tạo ra trách nhiệm cho mình; các ông đã chết; tôi phải cần lặp lại một lần nữa rằng các ông đã chết, vì thế các ông không có trách nhiệm và các ông cũng không thể bắt chúng tôi nhận trách nhiệm nào cả. Trách nhiệm là trách nhiệm riêng của mỗi anh em trong chúng tôi.

    Đau buồn không phải là mái nhà đang đổ vỡ; đau buồn là chúng tôi đã ngu dại để chờ những người chết xây dựng lại; những người chết là đã chết hẳn; chỉ có chúng tôi là xây dựng lại thôi, chỉ có những người sống là thổi sức sống vào thế giới điêu tàn này.

    Các ông thường phàn nàn rằng chúng tôi là một thế hệ thối hoá, sống không biết ngày mai, không lý tưởng, trụy lạc, la cà rượu chè, hút thuốc, tục tằn, du côn, mất dạy, lấc xấc, ngang tàng, chỉ biết ăn chơi, non nớt, không làm gì ra hồn, đàng điếm, nhảy đầm, trác táng, hoang đàng, và một triệu hình dung từ khác.

    Vâng, chúng tôi hãnh diện chấp nhận hết tất cả những hình dung từ trên. Và chúng tôi chỉ xin nở một nụ cười lễ độ và cúi đầu không biện hộ. Các bạn bè thân yêu của chúng tôi đang gục chết trên cánh đồng biên giới, bên bờ sông hay giữa rừng rú hoang vu; khói lửa ngút trời, máu đỏ của tuổi trẻ đang tưới trên những giải đất khô cằn quê hương, những mái tóc xanh trở thành những bãi cỏ xanh trên những nấm mồ trận địa.

    Hỡi ơi, hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu…

    Các ông trách rằng chúng tôi sống không lý tưởng. Lý tưởng là gì? Lý tưởng là gì? Lý tưởng có phải là tranh đấu giữ gìn để cho các ông sống nốt cuộc đời tầm thường an phận của các ông? Mục đích của cuộc đời là Sống – Sống gì? Sống cuộc đời thực sự của mình. Cuộc đời thực sự không phải là cuộc đời của đám đông, của xã hội, của khuôn mòn lối cũ, của công thức tù hãm. Cuộc đời thực sự không phải là những phép tắc luân lý đạo đức. Cuộc đời thực sự không phải là những ông công an, những ông cảnh sát, những ông giáo sư trung học và đại học. Cuộc đời thực sự là chúng tôi là tuổi trẻ.

    CHỈ CÓ CHÚNG TÔI LÀ ĐẶT RA NHỮNG LỀ LUẬT.

    Chúng tôi không cần lý tưởng, vì lý tưởng là lý tưởng của các ông. Lý tưởng (dù lý tưởng nào) đều là nhà tù để nhốt lại sức sống vỡ bờ của tuổi xuân; lý tưởng là ảo tưởng; sống không lý tưởng là sống trọn vẹn, là lao mình vào cuộc đời với trọn sự hồn nhiên bỡ ngỡ của mình.

    Con người hồn nhiên là không có lý tưởng. 

    Chỉ khi nào người ta mất mát thì người ta mới tạo ra lý tưởng để tự đánh lừa mình bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng. 

    Lý tưởng là sản phẩm của lý trí; lý trí là ký ức; ký ức là quá khứ là kinh nghiệm; kinh nghiệm đánh mất hồn nhiên. 

    Sống có lý tưởng là sống có quá khứ, lấy quá khứ mà nhìn dòng đời, dòng đời luôn luôn trôi chảy mới lạ từng giây phút; lấy quá khứ nhìn dòng đời là chận đứng dòng đời lại, là bắt dòng đời phải chảy ngược lại chỗ cũ mà nó đã chảy qua từ lâu rồi, như thế là đã giết chết sức sống phong phú.

    Sống có lý tưởng là sống không còn ngạc nhiên nữa; người ta không thể biết ngạc nhiên trước cuộc đời khi người ta sống có lý tưởng. Sống không lý tưởng là lao mình vào đời với trọn vẹn hồn nhiên, ngạc nhiên, thao thức, bỡ ngỡ, mới lạ trong từng giây phút một.

    Ngoài kia, trời đang vẫn còn mưa, tôi lại đứng đây để lý luận với những người chết sao?

    Tiếng súng nổ bên kia núi; chắc có người đang giẫy giụa chết trong mưa.

    Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu…

    Hồng thân mến,

    Trong bức thư Hồng gởi cho tôi, Hồng nhờ tôi xin cho Hồng đi tu, một ý định quan trọng mà Hồng đã nuôi dưỡng gần hai tháng nay, Hồng bảo rằng Hồng đã bỏ đi, và bỏ học trường văn khoa, và từ đây trở đi bỏ thi luôn.

    Thư ấy có những dòng như sau: “Cái hố lại đào sâu thêm ra, Hồng đang chới với giữa những dữ kiện…”

    Quyết định của Hồng không phải là xuất phát trong một lúc bốc đồng, vì chán đời. Tôi nghĩ rằng tâm hồn Hồng tiềm ẩn một nỗi bi đát thâm trầm sâu sắc xuất phát từ ý thức quằn quại, niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ.

    Đối với tuổi trẻ, đối với sự khủng hoảng hiện nay, chỉ có những lối thoát sau đây:

    Lao vào đời sống và tự tạo trách nhiệm;

    Tự tử;

    Lao vào truy lạc trác táng;

    Điên;

    Đi tu.

    Hồng đã chọn giải pháp cuối cùng.

    Có thể người ta cho Hồng là chạy trốn.

    Nhưng khi nói thế thì họ không hiểu rằng sự chọn lựa đi tu cùng là một thái độ sống trước hư vô. Đi tu đâu phải là chuyện dễ; có lẽ có thể nói rằng phải có can đảm lắm và nhiều sức mạnh lắm mới đi vào con đường cô đơn ấy; nhưng dù sao, hành động không quan trọng; quan trọng chỉ là ý hướng thúc đẩy hành động ấy, ý hướng ấy là ý hướng gì?

    Ý tưởng đến một lý tưởng? Hay là ý hướng đến sự tiêu diệt tất cả mọi lý tưởng?

    Đối với Hồng thế nào, tôi không biết; nhưng đối với riêng tôi, suốt đời tôi vẫn sống trên con đường tiêu diệt tất cả mọi lý tưởng.

    Sống như thế có nghĩa là sống bi tráng.

    Sống bi tráng là bóp sự chết trong mười ngón tay và cắn vào sự chết như ăn trái đào tươi; sống bi tráng là tỏ tình yêu với cái chết, là lao mình trần truồng vào trong mưa và nhảy múa trong mưa một cách hồn nhiên như lên cơn điên.

    Trong quyển nầy, Hồng sẽ thấy tôi viết về tư tưởng của những tác giả ở thế giới; nhưng viết về họ là viết về tôi; nói đến tư tưởng người khác là nói đến tư tưởng của mình, và tư tưởng ấy cũng là tư tưởng thực sự của thế hệ trẻ ngày nay; tư tưởng thực sự của thế hệ trẻ ngày nay là gì nếu không phải là lên đường đi tìm một giải đất mới cho mình?

    Người được tôi viết bức thư này cũng không còn là người em của tôi như khi xưa nữa. Gặp lại hắn thì tôi chỉ muốn tự tử. Tại sao bao nhiêu khí phách say sưa của tuổi nhỏ của hắn bây giờ chỉ còn là khói và chỉ là khói? 

    Hắn hiện nay đã thành người lớn, đã cưới vợ, đã sinh con đẻ cái, đã đi làm nghề đứng đắn. Lần cuối cùng, tôi tìm đến thăm hắn tại một biệt thự sang trọng ở đường Phan Thanh Giản. Hắn có vẻ bận rộn với bao nhiêu chuyện chính trị thời sự: 

    “Tại sao anh không tuyên bố về hoà bình ở Việt Nam để tuổi trẻ ngưỡng mộ anh hơn?” 

    Hắn hỏi tôi như thế và tôi chỉ trả lời: 

    “Anh cũng thích tôi tuyên bố cái này hay cái kia như mọi người thiên hạ à?” 

    Buổi chiều hôm ấy, sau khi từ giã, đúng hơn vĩnh biệt hắn, tôi muốn tự tử cho xong đời, vì quá buồn cho tuổi trẻ Việt Nam, vì dường như tuổi trẻ Việt Nam bây giờ chỉ sống với những tuyên bố, tuyên ngôn, khẩu hiệu. Đám đông đã đem chiến tranh đến Việt Nam và cũng lại đám đông đứng lên tuyên bố về hoà bình ở Việt Nam. 

    Con người đám đông đang thống trị ở Việt Nam và cả thế giới.

    Phạm Công Thiện

    Ý thức mới trong văn nghệ và triết học

    An Tiêm xuất bản, 1965

    *Ghi chú: phần chữ in nghiêng ở cuối bài nằm trong tái bản lần thứ tư năm 1970, do tác giả thêm vào. Ấn bản đầu tiên năm 1965 không có.