Với Trịnh Công Sơn, một người thơ của nhiều thế hệ Việt Nam, có lẽ ta chẳng cần phải giới thiệu gì thêm nữa. Bài tuỳ bút này của ông, Mây Ngàn xin gửi đến quý độc giả, mong muốn cân bằng lại với những niềm bi thán trong bài trước.
Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ. Có khi bày tỏ được thì cũng là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt. Tôi chưa hề quên cái hiệu lệnh muôn đời: “Cái ta đáng ghét”. Tuy nhiên trong cuộc sống thường nhật nơi đây, ngoài những ngày hét la to đầy nộ khí, vẫn có những giây phút lui về muốn thở than. Phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người.
Mỗi đời sống ẩn giấu một định mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kiếm sắc. Một đôi lần trong giấc mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó. Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau. Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng. Nhưng tôi tự nguyện làm tên tuyệt vọng. Bởi nhiều khi sớm mai tôi thức dậy không thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người.
Tôi lại biết thêm rằng, dù là người chiến thắng hay chiến bại, suốt cuộc đời cũng không thể vui chơi. Hạnh phúc đã ngủ yên trong những ngăn kéo của quên lãng.
Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã yên ngủ. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh.
Mỗi ngày sống tới, mỗi ngày tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Ðời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ. Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên tôi càng thấy yêu mến cuộc đời. Như đứa con ngoan không tuyệt tình nổi với rẫy sắn nương khoai, nơi có bà mẹ suốt đời mắt không sáng nổi một ngày trẩy hội.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường.
Tôi đang bắt đầu những ngày học tập mới. Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Ðôi khi tôi là người tình. Chúng tôi cùng học vẽ lại chân dung của nhân loại. Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy trắng tinh khôi chúng tôi không bao giờ còn thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt. Chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực.
Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm.
Chúng ta đã đấu tranh. Ðang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi nguồn từ khước tước hiệu đó.
Chúng ta đã đấu tranh như một người trẻ tuổi và đã sống mệt mỏi như một kẻ già nua. Tôi đang muốn quên đi những trang triết lý, những luận điệu phỉnh phờ. Ở đó có hai con đường. Một con đường dẫn ta về ca tụng sự vinh quang của đời sống. Con đường còn lại dẫn về sự băng hoại.
Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Ðóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân…
Những đấng tối cao, có lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý.
Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác.
Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng.
Trịnh Công Sơn
Saigon, tháng 11 năm 1972