Thẻ: Trịnh Công Sơn

  • Bày tỏ về hội họa Đinh Cường – Trịnh Công Sơn

    Tiếp nối bài kỳ trước về họa sỹ Đinh Cường.

    Ðã hơn mười năm, kể từ những ngày còn lang bạt cùng bằng hữu, những chuyến xe đò thoăn thoắt đi về, nối liền tiếng chim cao nguyên với loài hải âu vùng bể. Rồi lời sóng chưa kịp tan đã vội vàng nghe ra điệu suối. Kỳ thú như một cơn gió lăng loàn. Nhưng hôm nay gió phần nào đã đuối sức. Những hoa tươi lá nõn, giờ đây, đã hết trong tôi những ngày phồn thịnh. J’ai cueilli ce brin de bruyère – L’automne est morte, souviens- t’en. Sự tàn úa kia một phần vì cảnh đời bức bách, phần khác bởi chúng tôi đã khéo chiều chuộng thời gian.

    Có một kẻ lì lợm đam mê kỷ niệm. Nơi tâm hồn hắn, tôi sững sờ bắt gặp đứa bạn trẻ trung ngày xưa. Trên mảnh đất riêng tư, âm vang hơn mười năm kia vẫn còn tươi tắn. Nếu biết khóc hãy yếu lòng vào những phút này, nơi mà lòng ngưỡng vọng còn nguyên vẹn về một đóa quỳ, một loài chim lạ, một con đường hiu hắt sương mù…

    Ðinh Cường chính là kẻ không chịu lãng quên đó. Cường vừa ra đi vừa ở lại. Uống chén rượu hôm nay mà nhớ chén rượu ngày xưa: ” nhớ không Sơn rượu chiều Ðơn Dương, bạn cùng ta uống cạn…” Biết trở về cũng là một cách tri ân những hội ngộ trong đời.

    Có người họa sĩ quá cố nói rằng: Trước khung vải tôi mãi mãi là một đứa bé. Trong Ðinh Cường cũng có một thứ hoàng tử bé suốt đời song hành với hắn. Khi tôi cầm đàn hát cho Cường nghe về cái cội nguồn kia của sông bể: “…Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe…” – thì lúc bấy giờ, tôi biết rằng chú hoàng tử bé trong Cường cũng đang sửa soạn trở về rong chơi trên những núi đồi, phố thị của quá khứ.

    Rong chơi là một thứ kinh vương giả trong tâm hồn Ðinh Cường. Cứ lên đường, dù cao nguyên dù biển, là đã nghe thấy trong Cường vang lên một tiếng reo vui mãn nguyện. Ði không chỉ là sứ mệnh của đôi chân, mà đi, với Cường, là lòng ngưỡng vọng linh thiêng về một tiếng gọi. Tiếng gọi của một thế giới tự mình tìm thấy từ những ngày còn trẻ trung. Tìm thấy và nhớ mãi. Nỗi nhớ ấy như một dòng suối ám ảnh, bức bách, chỉ chờ một cơn bão để biến thành sông, thành biển, là đôi chân tù túng lại lơ đãng thong dong lên đường. Ði để nhận ra một cách buồn bã những gì thiên nhiên đã đánh mất mà mình vẫn còn lưu giữ lại trong tranh.

    Tôi là người khách vãng lai thường trực của Atelier Ðinh Cường. Ðêm cũng như ngày. Thế giới tranh của Cường đối với tôi không có gì xa lạ, bởi vì chúng tôi đã cùng sống trong thế giới ấy từ những ngày lòng chưa hề vướng bận về một tiếng thở dài.

    Trên những phím đàn dương cầm yên tĩnh trong Atelier của Cường, tôi vẫn nghe ra mỗi ngày những âm thanh xưa cũ bay la đà trên những núi đồi hoa lá, tháp chuông, trong mắt, trong tóc thiếu nữ, trong những màu sắc nóng lạnh của những bức tranh tuy hôm nay mà cũng là của những ngày xưa nữa.

    Trịnh Công Sơn

    Triển lãm tranh sơn dầu Đinh Cường tại Đại Học Duyên Hải Nha Trang, tháng 7 năm 1974