Buổi sáng mưa dầm dề, và mới hay một tin dữ trong thành phố. Người Việt Nam hôm nay đã không còn biết khóc thương cho thân phận của mình. Họ bắt đầu cười nhạo. Những con đường Việt Nam hôm qua đã đưa chúng ta về miền thôn dã, lên những non cao, trở ra biển rộng. Nay sẽ dẫn chúng ta đi đến nơi nào.
Đất nước chúng ta, trong cái muôn vàn điệp điệp của những đời sống nhỏ và những thân thế nhỏ – để riêng chỉ là những phiến lẻ và những tờ rời, nhưng cùng đựng chung một lẵng thời gian, là một tổng hợp làm nên Đời Sống Lớn và Thân Thế Lớn – đã có những đời sống và những thân thế dài thẳm ấy của những con đường. Tỏa thành nan quạt trên ba miền quê hương, vẽ thành bàn cờ, mê cung trên địa hình đất nước, từ rất nhỏ và mang linh hồn ngõ, tới rộng xa bát ngát mênh mông chân biển chân trời, những con đường Việt Nam, đã có một tiến trình đường và một lịch sử đường toàn vẹn hơn tất cả những đời đường và những kiếp đường thế giới.
Tôi đã nghĩ đến những con đường của hiện tại Việt Nam như vậy. Như những hiện tượng đời sống sinh động, mất và còn, thay hình và đổi dạng, theo một quy luật biện chứng. Tôi đã nhìn thấy những lòng đường của thời chiến và thời bình Việt Nam như vậy. Đường bước cùng thời thế. Đường đi theo đời người. Mỗi dặm biếc là một đánh dấu, mỗi dặm hồng là một chứng tích, ở đó đã biểu hiện đằm thắm và đau đớn rực rỡ những dấu chân ta và những khởi hành ta. Nói đến những con đường Việt Nam, nói làm sao hết chuyện của những cây cột trắng. Kể chuyện những đời đường đất nước, kể làm sao hết tâm sự của sỏi, linh hồn của đá. Đường có máu chảy và có tim đập. Đường có tiếng nói và có sống chết. Những con đường rất già, những con đường thật trẻ, đi từ những bình minh anh đi tới những hoàng hôn tôi, đó là những con đường Việt Nam.
Huyền thoại về đường phát sinh từ chính cái muôn vàn và muôn mặt của đường. Con đường không chỉ còn là một hình thể, một chiều dài, một diện tích. Định mệnh của lối, hiện hữu của ngã, không chỉ còn giản đơn là một nơi để đi, một chốn để về. Mà hòa nhập bằng một hòa nhập tận cùng của chuyển mình đất nước một đêm kia, dưới một chùm sao báo tin cách mạng, những con đường Việt Nam hai mươi năm nay đã đồng loạt thức giấc, đi ngút ngàn thành ba mươi triệu dấu chân đi. Con đường đã trở thành một ý, một sự. Một hiện tượng và một trạng thái đường. Mỗi lối về đã trở thành một tấm gương soi, thấy mưa bay và giông bão. Mỗi ngã đến đã trở thành một giai đoạn sống, dừng lại thấy quá khứ, đi nữa thấy tương lai, quay sang tả thấy máu chảy, ngó sang hữu thấy lúa xanh, cái trước mặt và cái sau lưng của một đời người, một đầu này, một đầu kia cùng hiện rõ. Những con đường của chúng ta đều vang dậy trong chúng những vang động không cùng như vậy. Chúng là suối róc rách, là sóng ào ào, là biển bao la, là triều dào dạt. Những con đường đứng lên. Và sống. Dũng mãnh. Những con đường ngã xuống. Và chết. Tan nát. Đưa tới những chân trời, bằng dặm vàng xe lăn gấp gấp, ruổi tới những xóm làng bằng chân chuyển tấp nập, của tản cư trong đêm, chuyển quân dưới nắng, tiễn biệt lúc sương mù, trùng phùng khi nắng dấy, băng qua những chiến hào, vượt qua những hầm hố, một vĩ tuyến bỏ qua, một mật khu bỏ lại, từ độc đạo trong rừng, tới xa lộ giữa lúa, nghiêng nghiêng bóng dừa miền Nam, lượn lượn lũy tre miền Bắc, xanh bóng núi từ Nam Quan đường xuống, vàng dáng biển từ Cà Mau đường về, đón cách mạng lên, mời đảo chính tới, những con đường có tim đập và có hơi thở ấy là những con đường Việt Nam, tôi muốn nhớ lại tất cả một lần. Bằng những dấu chân một đời đã gặp.
Những con đường thứ nhất của người cũng là của một thời thanh bình đã mất, là những lối đi dưới lá, trong cây, nhỏ, yên, lắng động và thơ mộng hiền hậu. Đó là những sợi chỉ hồng múa lượn dịu dàng giữa hai bờ cỏ, lòng đất mát thơm da thịt. Đó là những sợi chỉ biếc thả luồn trong nắng, mỗi buổi sáng mùa xuân mưa phùn lất phất, mỗi buổi trưa mùa hè chập chờn những cánh bướm lang thang. Chiều, hoàng hôn màu tím đến êm như tình nhân. Đêm, cái mái tóc óng ả của con trăng hiền là một mái tóc bằng hữu. Đom đóm bay theo vui tôi ở đó, vui của đầu đời lớn dần với tuổi. Tiếng gà gáy, tiếng chim hót, tiếng rì rào của lá tre múa múa, của trâu bò về chuồng, của lúa rơi ngày mùa, của gió trong vườn, của mưa đầu ngõ, tôi đã nghe thả xuống những lòng đường ấu thơ thuở ấy, mỗi con đường là một dàn nhạc, đất đựng âm thanh, đường trong đất là một phím dương cầm, đất trong đường là một phòng vi âm, thu và phát hết những lời ru và những ca khúc sáng tươi trăm nghìn của thôn dã. Chân chim sẻ nhảy trên lối tuổi hồng. Lối đến của ca dao, ngã vào của lục bát, lá trên đầu lợp mái, cỏ hai bờ trải thảm, tôi là con sáo nhỏ ngậm một bông hồng hàm tiếu bay hồn nhiên trên đường thơ thơ. Rồi thình lình là chấn động và phá vỡ lớn. Cùng với đất nước, người người lớp lớp đứng lên bằng những dấu chân chuyển núi của khởi nghĩa và cách mạng, là sự hiện hình kinh dị, thảng thốt của những đời đường và những kiếp đường mới.
Lửa tiêu thổ cháy bùng ngọn đỏ. Những thị trấn san phẳng. Những xóm làng mất tích. Và những con đường Việt Nam hùng hậu, từ lối mòn tới nẻo khuất, từ cái quan tới quốc lộ, đã đổi ngược hẳn đi cái ý nghĩa, cái thực thể đường. Hết là một nối liền, lối là một chặt đứt. Thôi là một dẫn tới, ngã là một đứt rời. Khi chiếc ụ đất đầu tiên được đắp lên trong đêm đen đặc, tối tăm thứ nhất của hủy phá toàn diện, trong tiếng thét dậy đất của bạo động khởi sự, còn là tiếng kêu thất đảm của giao thông tử thương và rãy chết cùng khắp vang lên. Búa chim bổ xuống đầu. Xẻng cuốc đâm trúng tim. Mìn nổ. Bằng những con dốc chênh vênh khóc xuống những cây cầu đổ sập, bằng những khúc quành chi chít những nhát đâm, lỗ chỗ những vết chém, bằng sắt đường tàu cắm tua tủa vào thân thể tan nát như từng chùm lông nhím, bằng chông dựng ngược và bằng bẫy đặt ngầm, là những tay chân óng ả uyển chuyển của đường bị chặt cụt, là những đời đường thương phế binh. Trí nhớ của tôi, trí nhớ nằm trong những bước chân đã đi qua suốt một thời kì lưu động lang thang từ rừng xuống biển, còn nguyên vẹn cái cảnh tượng hồng hoang ấy của những đời đường lâm nạn. Đường là một nghĩa địa. Mỗi cột cây số còn sống sót là một mộ chí màu trắng. Thân cây nằm dọc. Chướng ngại đứng nghiêng. Trên những chữ chi của hố chữ nhật, trên những khúc quanh của hố hình tròn, bằng biểu ngữ chăng ngang, bằng cổng chào dựng thẳng, những con đường Việt Nam bị cắt gân, tùng xẻo, điểm huyệt. Và chết. Tôi đã đi trên những đường đời lâm chung ấy. Nghe sỏi nức nở. Nghe đá quằn quại. Thấy đất hủy thể. Thấy cỏ tan tành. Những bước chân người vì vậy mà cũng đổi khác. Từ một hóa thân tập thể của đường, những huyền thoại bắt đầu. Kẻ lữ hành phải tập cho mình một lối đi mới. Những con đường của chiến thời đã thay đổi hẳn bộ mặt đất nước. Bằng một thay đổi hoàn toàn. Chúng ta đã đi như thế nào từ hai mươi năm nay. Con đường nào là con đường dài thẳm nhất. Chân bước về phía tả hay chân đi về phía hữu. Những tên đường đã có, đã mất, đã lỡ và đã lạc. Đi cho chân cứng đá mềm. Đi cho trời yên bể lặng. Hành trang nào và lúc nào là giờ hoàng đạo. Những con đường riêng, kín thầm, nhỏ nhỏ. Những con đường chung, bát ngát mênh mông. Điều đáng nói và đáng tìm hiểu nhất là những dấu chân của người trên những thân thế và những đời sống ấy như thế nào? Riêng tôi, bước chân đã mỏi, con đường còn dài. Trên một trạm mang tên là hoài nghi, những dặm biếc, những dặm hồng từ lâu không thấy nữa.
Mai Thảo
Tuổi Ngọc, tháng 6 năm 1971