Trịnh Công Sơn hiếm khi bày tỏ ý chí chính trị của mình. Người ta không nghe ông nói nhiều về thời cuộc. Nhưng thật ra, bằng phương cách của riêng mình, ông đã miệt mài thổ lộ tâm can, kiên trì tỏ rõ một thái độ, một tư tưởng của mình về thời đại và thân phận Việt Nam. Liên tục cho đến ngày ông vang hát Rừng núi dang tay nối lại biển xa, trên Đài phát thanh Saigon buổi sáng cuối tháng tư năm đó. Mây Ngàn xin giới thiệu một bài viết thể hiện tư tưởng ấy của ông trên Tập san văn nghệ Thời Tập, năm 1974.
Ai không đi về phương Đông, kẻ đó lạc hướng. Chữ nghĩa đã nói như thế.
Désorienté. Lạc hướng là đánh mất con đường. Và là Đạo. Đạo là con đường dẫn đến sự hoan lạc của tâm hồn và trí tuệ.
Con đường tây phương đỏm dáng và dễ sạt nghiệp. Con đường hiệp chủng quốc mạnh khoẻ nhưng hời hợt. Con đ̣ường Đông phương khắc khổ mà thâm tình. Cả ba con đường đã thành tựu một ngã ba nơi đây.
Vì giao tế, mỗi ngày chúng tôi phải đi trên trên cả ba con đường đó. Đi và tự nhủ lòng đừng sa ngã. Điều gì đã khiến cho đất nầy được chọn để thành tựu một ngã ba? Một ngã ba đã biến chúng tôi thành những con người trận mạc. Từ mấy nghìn năm luân phiên cầm giáo mác trên tay. Chưa từng được ngơi nghỉ.
Phải chăng đây là đất hứa của mọi bước chân trần gian? Thật khó lòng tin được. Chưa có một mạch đất nào hé lộ cho thấy dấu vết của địa đàng.
Chúng tôi như những bộ lạc lang thang để mưu sinh. Lắng nghe gió mùa trên đầu những ngọn cỏ. Vào những ngày nhật thực, chúng tôi lo âu trên những lời sấm truyền.
Tiếc thay vẻ thơ mộng kia không được dùng để thăng hoa đời sống. Chúng tôi có không bao nhiêu ngày nhàn hạ. Những thi sĩ nơi đây đã phải cầm giáo nhọn và cung tên lên đường. Lời thơ phải viết trên lá rừng và đá núi. Nghìn năm dằng dặc. Trên tờ di chúc của ông cha chúng tôi nhận lãnh lòng can đảm cùng với sự mỏi mệt.
Soi mình trên những lục địa khác, chúng tôi dễ dàng nhận ra vẻ già cỗi của mình. Những bờ vai nơi đây đã chai lỳ sự gánh vác. Có lẽ một phần nào, chúng tôi là những tên phu tàu định mệnh. Trong trái tim, mờ nhạt tiếng hát trữ tình. Sông bể không còn dành cho những chuyến ra đi. Núi non không còn dành cho những giờ thưởng ngoạn. Thiên nhiên nép mình dưới ý chí của con người. Cái ngây thơ biến thành cạm bẩy. Cái vô tội thành lầm lỡ điêu tàn.
Đã biến đổi quá nhiều đến độ chúng tôi lấy sự bất thường làm điều tự nhiên. Sống cái bất thường không còn ngượng ngập. Gọn ghẽ lạ kỳ. Với định mệnh mới chúng tôi là những con chim xa lạ của loài chim. Những anh em xa lạ của loài người.
Trên con lộ mịt mù thương tích, chúng tôi nói lời tịch mịch. Làm sao thế giới nghe ra.
Nơi ngã ba, qua những lần gặp gỡ, chúng tôi đau lòng nhận ra những thành trì. Thành trì ngăn chận sự cảm thông. Có lẽ tiếng nói ưu ái mỗi ngày mỗi thêm vắng vẻ.
Qua những ngôi trường nhỏ, tôi đã đọc được vẻ rực rỡ trên những khuôn mặt trẻ thơ. Vốn liếng đau thương thừa đủ để chúng tôi dựng nghiệp. Trên ngã ba, chúng tôi sẽ khai mở một con đường mới.
Tôi đang nhận ra, mỗi ngày, vẻ lạnh lẽo của ngày mai. Những thâm tình không còn được xem như là dự phóng của nhân loại. Những phát biểu tình cảm sẽ có những công thức tinh vi. Đời sống sẽ ngăn nắp trong ký hiệu. Đó cũng là giờ phút ra đời của đám giả hình ngoan ngoãn mang trong lòng niềm kiêu hãnh toàn bích của người máy.
Một đời sống thiếu vắng hoàn toàn sự ấm áp của tình người. Thế giới sẽ có một bề mặt thịnh vượng cùng cực, nhưng đồng thời sự hoan lạc trong tâm thần đã mất.
Với tôi, đó sẽ là cái chốn đến của ngày mai. Cuộc phiêu lưu của nhân loại sẽ có bước đi tối hậu đó.
Tôi đang lắng nghe phút tàn tạ của mọi sự huyên náo. Cái giờ giấc lặng lẽ của thức tỉnh. Đó cũng là giờ phút về nguồn của nghiệp dĩ. Khoảnh khắc chung thẩm của mọi con đường. Để từ đó viên thành một con đường thanh tịnh trên mọi ngã ba.
Trong những giờ tĩnh tâm, tôi đã loáng thoáng thấy những bước chân nhân loại trở về. Thoát đi từ một hoàng hôn đ̣ang tàn tạ. Những vầng trán thấm nhuần sự thất bại, những ánh sáng rực rỡ, cái ánh sáng của kẻ đã thấy được cội nguồn.
Chỉ có những dân tộc sống tận cùng khổ đau mới xứng đáng đốt lên ngọn lửa trong căn nhà trở về đó. Và chỉ có những kẻ chạm đ̣áy hố thẳm mới biết được đỉnh cao.
Trịnh Công Sơn
Thời Tập tháng 12, năm 1974