Mây Ngàn xin trân trọng giới thiệu một bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi của Phạm Công Thiện, đăng trên tạp chí Văn tháng 9 năm 1969. Bài phỏng vấn, với mục tiêu ban đầu là để tìm hiểu về “một tác giả có tiếng là viết tối tăm, khó hiểu nhất hiện nay”, đã diễn tiến thành một cuộc vấn đáp về suy tưởng và ý thức; về “con đường triết lý Việt Nam”; những trăn trở về thân phận hiện tại và dự báo về vận mệnh trong tương lai: “Sự leo thang của trận chiến tranh ở Việt Nam xuất phát từ sự tiến bộ của hư vô, nhưng rồi đây khi chiến tranh ở Việt Nam được chấm dứt và hoà bình hiện đến thì sự tiến bộ của hư vô lại càng đi nhanh một cách phũ phàng hơn nữa.”
Paris, 12.8.1969
Ở Paris tôi tình cờ đọc được một bài ngắn các anh viết về tôi trong một số Văn.
Tôi thấy rằng các anh có lòng quý mến tôi, nhưng các anh vẫn ngộ nhận tôi ngay nền tảng.
Những gì tôi đã viết và đã xuất bản, không phải tôi cố viết “cao”, viết “tối”, “khó hiểu”, v.v. mà vì chính điều tôi muốn nói là điều không thể nói theo ý thức thông thường hằng ngày được. Tất cả triết lý, tất cả tư tưởng cao siêu, đối với tôi, đều không có ý nghĩa gì hết, ngoài ra là ráng nói lên sự tương tranh tàn nhẫn giữa con đường và bóng tối.
Sự tương tranh tàn nhẫn này là đòi hỏi một ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của một kẻ bại trận trước sự đổ vỡ của thế giới và mặt đất. Husserl cũng là kẻ tranh đấu quyết liệt trong sự tương tranh tàn nhẫn giữa thế giới và trái đất. Phải bắt đầu mọi sự từ sự căng thẳng xung đột ấy thì mới nói lên sự có mặt của Đêm tối trong cơn bệnh tàn tạ của nhật nguyệt.
Phạm Công Thiện
Ít ngày sau khi nhận được lá thư trên, chúng tôi được tin anh Phạm Công Thiện đã từ Vienne trở về Saigon, vì bị chứng đau ruột hành. Toà soạn nhờ anh Bùi Vị Xuyên tới thăm anh Phạm. Bài dưới đây là những ghi chú về một cuộc mạn đàm dài hơn hai tiếng đồng hồ mà tác giả HỐ THẲM TƯ TƯỞNG dành cho Văn.
Xin mời bạn đọc đi vào tâm sự (để tìm hiểu) một tác giả có tiếng là viết tối tăm, khó hiểu nhất hiện nay.
*“Tôi sinh ra đời bên một dòng sông gọi là sông Cửu Long, mà Cửu Long có nghĩa là chín con rồng; hồi nhỏ, tôi thường bơi lội như một con rồng con, ở bên một cù lao, gọi là cù lao Rồng. Thuở nhỏ, tôi thường trốn học để chạy rong chơi ở cù lao Rồng, hoặc trốn nhà để tắm bơi ở trong con sông chín con rồng…”(Hố Thẳm Tư Tưởng, 1967, trang 104-105)
BVX: Xin anh cho biết thêm về quê hương anh.
PCT: Những dòng trên được viết vào năm 1966 tại Paris trong quán cà phê Dôme ở Montparnasse giữa một buổi chiều xuân phơi phới có gió rất nhẹ và lá rất non; đó là thời gian duy nhất mà tôi đã nghĩ nhiều về Việt Nam, nơi tôi đã được sinh ra để sống và khổ, nơi tôi đã bỏ đi và định bỏ đi vĩnh viễn, nơi tôi thù ghét kinh tởm đến rợn người; đối với tôi danh từ quê hương chẳng có ý nghĩa gì cả, tôi chỉ biết rằng nơi tôi được sinh ra đời chỉ là nơi tôi đã trải qua những bi kịch đau đớn thảm khốc nhất trong một kiếp người; tôi hận thù Việt Nam, tôi kinh tởm Việt Nam, tôi muốn bôi xoá hai chữ Việt Nam trong tim tôi và óc tôi.
BVX: Trong số những nhà văn hiện đại, anh là người có dịp được đi ra nước ngoài nhiều nhất. Sao anh không thực hiện ý định bỏ đi vĩnh viễn như vừa nói?
PCT: Như anh thấy, tôi đã trở về.
BVX: Trở lại năm 1966, dạo đó anh đã…
PCT: Vâng, tôi đã kinh tởm Việt Nam, tôi đã muốn bôi xoá hai chữ Việt Nam trong tim tôi và óc tôi. Nhưng những ngày xuân dạo đó ở Paris, tôi bắt đầu cảm thấy có một cái gì nhoi nhói trong tâm hồn, có một cái gì non non như lá xuân, có một cái gì xa và gần như đêm khuya, có một con sông nào đó bắt đầu chảy nhẹ vào hồn tôi trên những buổi sáng chim hót bên hàng xóm; dòng sông Seine ôm lấy Paris. Đứng trên cầu Pont Neuf một đêm khuya, nhìn xuống dòng sông Seine xám đen, tôi thấy một trăm con sông chảy qua đời mình, một trăm con sông nhảy múa như một trăm con rắn và Ngày sinh của rắn bắt đầu xuất hiện vào đêm đó; một trăm con rắn đang cuộn nhau nhảy múa trong một vũ điệu mang tên kỳ lạ là Mặt trời không bao giờ có thực, con rắn chúa nhảy múa một lúc thì biến thành rồng, và ngay giây phút ấy, tôi sực biết rằng con rồng ấy là sông Cửu Long. Tôi mỉm cười vì thấy mình vừa sống qua một giấc mộng hoang đường, đang khi mình mộng mà hai mắt vẫn mở và nhìn xuống dòng sông Seine.
Đêm đó, bước trở lui về quán trọ ở Quartier Latin, tôi đã nằm thức suốt đêm và cũng chính đêm đó lần đầu tiên trong đời, tôi bỗng thấy hiện tính của Việt Nam ngọ nguậy cựa mình bay vụt phóng vào hố thẳm đầy lửa máu, rồi bay vọt lên cao tít mù, một nơi nào cao vút trên kia, không biết gọi tên là gì, có lẽ đó là một đám khói, khói thuốc mà tôi đang nằm hút liên tiếp từ điếu này đến điếu khác suốt trọn cả đêm. Sáng hôm sau và tất cả những ngày sau liên tiếp, Hố Thẳm Tư Tưởng được ra đời, và được ra đời kế tiếp là Im Lặng Hố Thẳm; tôi ngồi viết quyển Im Lặng Hố Thẳm tại một quán cà phê trước trạm métro Place Jussie, những ngày ấy có thi sĩ Nh. Tay Ngàn ngồi bên cạnh tôi, tôi vừa viết vừa đọc cho Nh. Tay Ngàn nghe và hắn đã nghe với lỗ tai của một thi sĩ ngây thơ vô tội, hắn là độc giả đầu tiên và chính là độc giả lý tưởng của tôi, vì tôi chỉ thích người ta đọc những gì tôi viết bằng một tâm thức mơ mộng của thi sĩ đãng trí hơn là đọc để soi mói, vì hiếu kỳ, để so sánh phê phán, vì tự mãn phè phỡn với vốn liếng học thức, để tranh luận hơn thua, vì cảm thấy mình bị sỉ nhục hạ thấp. Những gì tôi đã viết từ trước cho đến nay chỉ là những cái tát tai mà tôi đã đập vào tri thức, văn chương, văn hoá, lý luận học đường, tôn giáo, tín ngưỡng, ý thức hệ, đạo đức, tập quán và truyền thống. Tôi muốn đảo ngược lại mọi sự, đảo ngược cả chính tôi, tôi muốn cào bới cho máu chảy vọt ra từ vết thương nặng nề mà tôi, một kẻ yêu đời và thờ phụng cuộc đời, phải chịu đựng một cách tàn nhẫn vì chỉ muốn sống và sống trọn vẹn tràn trề với mình và với tất cả con người trên mặt đất này.
BVX: Anh đã hăng hái “tát tai” mọi sự, và…
PCT: Tất nhiên mọi sự sẽ tát tai lại tôi; những ngày tôi trở về Việt Nam, tôi đã sung sướng đưa tai mình cho thiên hạ tát vào; sau tập thơ Ngày Sinh Của Rắn, quyển Hố Thẳm Tư Tưởng và Im Lặng Hố Thẳm ra đời thì không có một tờ nhật báo nào mà không đem tên tôi ra để làm trò hề, nhất là có một tờ nhật báo bán chạy nhất bấy giờ là nơi tên tôi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để đồng hoá với một cái gì nham nhở, hợm hĩnh, quái dị điên rồ ở đất nước này, sau đó có những tờ tạp chí, một tạp chí tên gì đó đã đăng một bài dài nhan đề là “Phạm Công Thiện, ông là ai?” và gần đây hơn nữa có một tập san khác lại đăng loạt bài “Hiện tượng Phạm Công Thiện” để rồi kết luận rằng tôi là thằng điên chữ, một tên điếm đàng, một tên côn đồ trong văn nghệ vân vân. Tôi đã say sưa đọc tất cả những gì thiên hạ nói, viết, phê phán, đề cao, chỉ trích, mạt sát tôi; tôi say sưa đọc những thứ đó như đọc chính những gì mình đã viết và đã muốn viết: vì tất cả những gì người ta đã nói về tôi đều đúng là điều tôi muốn nghĩ về tôi. Tất cả những sách tôi xuất bản đều bán hết trong một hai tháng, tôi bỗng trở nên một tác giả có sách bán chạy nhất ở Việt Nam. Đó là cái tát tai thứ hai, vì không có gì nguy hiểm cho một con người sáng tạo bằng sự thành công có tính cách thương mại. Con người sáng tạo, tự nhận mình là kẻ sáng tạo, cảm thấy bị sỉ nhục vì người ta đem mình ra thị trường như đem một con quái vật từ sở thú. Cái tát tai thứ ba là sau khi tôi đã bị sỉ nhục bằng đủ mọi cách thì đồng lúc tôi cũng được vuốt ve ngọt ngào một cách lố bịch khi được biết rằng mình trở nên một thứ “thần tượng” cho phần đông thanh niên Việt Nam; họ tôn tôi là “thần tượng” vì những lý do ngu xuẩn của họ. Tôi bắt đầu đóng cửa phòng lại và xô đuổi tất cả môn đệ ngu xuẩn ấy ra ngoài hành lang. Tôi không là gì cả, tôi chỉ là một thanh niên muốn nói những gì cần nói, muốn im lặng những gì cần im lặng và muốn sống cho ra hồn cái đời sống riêng tư lập dị của mình.
BVX: Anh tự cho mình là lập dị. Nhưng tôi biết có nhiều người (trong số có Trần Phong Giao) cho anh là bậc thiên tài…
PCT: Bây giờ đây, đối với tôi, danh từ “thiên tài” chỉ là một trò ngu xuẩn, ngu xuẩn như tất cả danh từ cao đẹp hoa mỹ khác. Động từ “sáng tạo” hay danh từ “nghệ sĩ” cũng là ngu xuẩn nốt. Thiên tài, nghệ sĩ, cô đơn, thi sĩ, nổi loạn, hư vô, hiện sinh, triết lý, tất cả đều ngu xuẩn. Càng ngu xuẩn, càng sống với tất cả ngu xuẩn ấy, tôi càng thấy tất cả những ngu xuẩn đều cần thiết trong một giai đoạn để chuẩn bị cho một sự ngu xuẩn lớn nhất: đó là cái chết của tôi, của anh, của em, của tất cả mọi sự trên mặt đất. Sống là ngu xuẩn, chết cũng là ngu xuẩn, thế thì chỉ còn một con đường là ngu xuẩn với ngu xuẩn qua ngu xuẩn trong tất cả ngu xuẩn của mọi sự ngu xuẩn. Đẩy tất cả mọi ngu xuẩn đến ngu xuẩn đầu tiên và cuối cùng: mơ mộng trong khi vẫn mở mắt, cười tất cả mọi sự bi thảm, yêu tất cả những cái gì không có ở tại đây và bây giờ, đùa chơi với tấn trò đùa của thời gian vũ trụ, đóng vở tuồng chèo của đời mình cho đến độ xuất thần ngã ngửa. Nhưng vẫn chưa hết, còn nhiều nữa: đùa dai đến đâu đi nữa thì cũng thấy mệt và sự mệt mỏi ấy nói lên hữu hạn tính của con người và của cả tính thể: Henry Miller trở lại sống ở Huê Kỳ sau khi đã chửi bới Huê Kỳ không còn manh mún gì nữa; Rimbaud trở về chết và chịu rửa tội tại nhà thương ở Marseille sau khi nói Merde à Dieu; Hécralite nằm chết ứ nước với bầy heo sau khi đã ca tụng lửa của vũ trụ; Nietzsche bị đóng đinh ứ máu sau khi đã chửi bới kẻ đóng đinh trên thập tự giá. Cái tát tai tôi gửi cho anh cũng chính là cái tát tai anh gửi cho tôi, hay nói một cách tài tình thần bí như Eckhart thì “đôi mắt tôi nhìn Chúa cũng là đôi mắt Chúa nhìn tôi”, hay nói một cách triết lý thì “hữu hạn, giới hạn, chính là cửa mở ra vô hạn”. Hay nói một cách trữ tình bóng gió thì sau khi đã bỏ quên sông Cửu Long, đánh mất hẳn dòng sông của tuổi thơ mình, thì sông Cửu Long lại bắt đầu chảy lại trong đời sống tôi; điều phi thường là lần này sông Cửu Long không cần phải chảy lại trong một vị trí địa lý nhất định nào mà sông Cửu Long có thể chảy lại trong bất cứ nơi nào trên mặt đất này khi mà tôi bắt đầu mở mắt ra nhìn thấy sự chết không thể tránh được và sự sống cũng không thể tránh được, nói như Saroyan, người mà một lần tôi đã say sưa yêu mến trong quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Bây giờ tôi mới thấy rằng ý thức mới không phải là ý thức về sự tiến bộ mà là ý thức về sự thoái bộ. Sự thoái bộ (Rückschritt) thì cao quí và khó tìm hơn sự tiến bộ (Fortschritt) vì một bước lùi là một bước rút gần đến Nơi Suối Nguồn (Ursprung), suối nguồn ấy là Hiện tính (Anwesenheit), tức là Tính thể như là Hiện tính (Sein als Anwesenheit), nghĩa là Vô Ẩn tính (Un-Verborgenheit), mà bỏ quên Hiện tính (Anwesenheit) thì sự tiến bộ sẽ đưa lịch sử thế mệnh tựu thành một trận chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam và trên dòng sông Cửu Long, bên cạnh những bông bèo và bông lau là những xác chết của những con người Việt Nam, những xác chết trôi nổi lềnh bềnh trong nỗi mất quê hương chung của toàn thể nhân loại ở thế kỷ XX.
BVX: Sự đi nhiều có ảnh hưởng tới quan niệm về triết lý của anh không?PCT cười buồn, ngả người ra thành ghế, ngước nhìn lên trần nhà.
BVX: Tôi thấy anh thường gọi triết lý là con đường…PCT chồm ra phía trước, lấy tách nước trà, uống một hơi dài, chậm chạp, rồi anh trả lời, giọng rành rẽ như khi giảng bài trong lớp.
PCT: Gọi triết lý là con đường, vì con đường mở ra những ngã ba, ngã tư, tiếp nối với những con đường khác: con đường có thể băng qua những thung lũng, qua những vú đồi xanh nhung, những nội cỏ hoa vàng có bướm tình lượn nhau, những con đường cũng có thể là con sông, vì con sông có nghĩa là con đường nước: sông là thể tính của con đường, thể tính của sông là chảy, chảy là căn tính của chạy, một con đường chạy dài là sự thoái bộ của con sông đang chảy, trong danh từ triết Đức, sự thoái bộ gọi là “Rückschritt”’; ngày 20 tháng 10, năm 1966, chính Heidegger đã tuyên bố rằng trong lịch sử triết lý không có sự tiến bộ (Fortschritt) mà chỉ có sự thoái bộ (Rückschritt); đó là sức mạnh huyền bí của triết lý: Khoa học tiến thì triết lý lùi: sự thoái bộ của triết lý kêu gọi sự tiến bộ của khoa học, sự thoái bộ của triết lý không phải là vì triết lý đã đánh mất sứ mệnh và tác dụng của mình, chính sự thoái bộ của triết lý mới chính là sự thành tựu của thế mệnh hiện nay: sự thoái bộ của triết lý không phải là sự truy khảo có tính cách sử học bị chìm mất trong thời đại ảo thoại mà chính sự thoái bộ của triết lý là thuận theo tính mệnh của tính thể trong sự hiện tại của thời hiện đại. (Heidegger: Dieser Rückschritt verliert sich jedoch nicht historisch in ein mythisches Zeitalter, sondern er bewegt sich geschickhaft in der Gegenwart des jetzigen Weltalters). Sự thoái bộ ở đây là sự chảy lại về nguồn của con sông, lùi lại nguồn, lùi lại nơi thể tính (Wesen) của tất cả lịch sử. Con sông có thể trở thành một con đường cho con người khai thác giao dịch kinh tế thương mại, con sông có thể trở thành một sự trang hoàng có tính cách thẩm mỹ cho một thành phố, con sông đang trở thành một đối tượng cho sự khai thác kỹ nghệ, một đối tượng cho cơ khí và khoa học, chẳng hạn như sông Cửu Long đang được khai thác trở thành nguồn điện lực cho người Việt Nam; sự tiến bộ của sông Cửu Long trong việc thích ứng với nhu cầu của văn minh cơ khí cũng là sự thoái bộ của sông Cửu Long trong việc nuôi dưỡng thể tính của suối nguồn phát xuất từ Tây Tạng. Sự tiến bộ của sông Cửu Long cũng được đánh dấu bằng những xác chết thả trôi trên dòng nước, những xác người không được thừa nhận, những xác người không thuộc về bên đây hay bên kia, những xác người đã chết cho sự ẩn tính (lēthē) của tính mệnh trong thời hiện đại.
BVX: Con đường dẫn đi xa thật. Chúng ta tới Heidegger rồi, phải không anh?
PCT: Vâng, tới Heidegger và, — nếu đó là ý anh muốn ngầm hỏi, — trở lại Việt Nam. Này nhé:
“Vấn tính về sự hiển tính của Tính thể đòi hỏi một sự trầm tư về ý nghĩa nguyên uyên của Tính thể như là Hiện tính. Vấn đề này về sự hiển tính đòi hỏi một sự trầm tư về tính cách đặc biệt của sự hiển tính kia mà thuở bắt đầu của tư tưởng Tây phương điều ấy được biết (bekannt) với cái tên là A-Lētheia (Vô Ẩn Tính) [Un-Verborgenheit], nhưng không được suy tưởng một cách chủ luận thấu suốt và chỉ được tri nhận [erkannt] như thế thôi. Một sự trầm tư gần gũi hơn về thể tính của Vô Ẩn Tính như thế trong tận nơi suối nguồn của nó có thể đưa dẫn đến sự nhập kiến khai ngộ rằng trong suốt toàn thể của triết lý Tây phương sự xác định luân chuyển về Tính thể như là Hiện tính là tương tức với sự thể tính hoá của Vô Ẩn Tính. Vấn tính về Tính thể phơi bày vào trong vấn tính về sự tương tức giữa Vô Ẩn Tính và Hiện Tính (“Chân lý” và “Tính thể”), tức là về cái qui định sự tương tức này như tự là thế. Với vấn tính này, tư tưởng đi trở lại đằng sau nguồn gốc của tư tưởng Tây phương tại nơi những người Hy-lạp và nhờ đường lối này mà đem đến được toàn thể lịch sử của tư tưởng từ những tư tưởng gia trước Socrate cho đến Neitzsche, đem toàn thể lịch sử tư tưởng ấy đến được một chiều hướng khai vực mới lạ. Trên con đường này thì sự việc trở nên minh bạch rằng trái ngược với những khoa học, trong lịch sử của triết lý không có sự tiến bộ (Fortschritt) mà đúng nghĩa hơn thì chỉ có sự thoái bộ (Rückschritt). Tuy nhiên, sự thoái bộ này không phải là sự truy khảo có tính cách lịch sử bị đánh chìm mất tự thể trong một thời đại của ảo thoại mà chính sự thoái bộ ấy lại dính liếu mật thiết với sự hiện tại của thời đại qua sự tương dung với tính mệnh của tính thể.”Đoạn văn nầy, PCT (vừa) nói (vừa viết) bằng tiếng Đức. Ít phút sau nói dứt chữ chót, anh trao cho chúng tôi bản viết tay nguyên tác chữ Đức. Chúng tôi rất tiếc vì nhà in không đủ chữ (Đức) để in nơi đây.
Những lời nói trên của Heidegger là những bông bèo và bông lau phất phơ bên ngọn gió Tây phương thổi hiu hiu qua những xác chết của những con người Việt Nam trôi lềnh bềnh trong dòng sông Cửu Long. Heidegger đã nói những lời trên trong một bức thư gửi cho giáo sư Manfred S. Frings trước buổi hội thảo về Heidegger được tổ chức tại trường đại học DePaul ở Chicago vào ngày 11 và 12 tháng 11, năm 1966. Đã lỗi thời rồi cái giai đoạn mà người ta gọi Heidegger là “tên chó săn của bọn trưởng giả tư sản không chịu quay đầu về với vô sản”. Đã quá lỗi thời rồi cái giai đoạn người ta gọi Heidegger là “tên phát xít tay sai của Hitler”, đã quá lỗi thời rồi cái giai đoạn người ta gọi Heidegger “tên hiện sinh sa đoạ, chủ nhân ông của bọn hiện sinh trụy lạc”, đã quá lỗi thời rồi cái giai đoạn người ta gọi Heidegger là “tên chủ trương chủ nghĩa hư vô, tên vô trách nhiệm”, “tên phù thuỷ man rợ tối tăm”, “tên vặn vẹo chữ nghĩa khó hiểu”, “tên bày trò huyễn hoặc vô nghĩa”. Càng ngày, tên tuổi của Heidegger càng sáng chói lên một cách kỳ lạ, càng sáng chói hơn nữa khi đêm tối của thế giới đang tràn ngập mặt đất.
BVX: Nếu tôi lầm lẫn, xin anh tha lỗi. Dường như qua các tác phẩm đã in, anh có chịu ảnh hưởng khá sâu đậm tư tưởng của Heidegger?
PCT: Hầu hết những quyển sách sôi nổi của tôi, từ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1963), đến Hố Thẳm Tư Tưởng (1963) và Im Lặng Hố Thẳm(1966) đều được viết ra từ ý thức của một con người trẻ tuổi được nuôi dưỡng bằng tư tưởng của Heidegger từ gần mười năm trước.
Thực sự, tôi đã nhiều lần muốn vượt Heidegger, nhưng chính sự vượt qua ấy cũng bị kẹt trong tư tưởng của chính Heidegger. Nói khác đi là tôi muốn vượt qua cái mà chính cái ấy là cái đưa tôi vượt: đó là mâu thuẫn, mâu thuẫn ấy giống như mâu thuẫn của những người chủ trương phải gây chiến tranh để đạt đến hoà bình, mà Heidegger đã hỏi lại: làm gì có thể tạo ra cái mà mình đã phá huỷ ngay từ đầu, tôi đã trích dẫn câu nói ấy của Heidegger trong bài “Ontological Background of the Present War in Vietnam” viết trong Dialogue (Lá Bối xuất bản 1965). Mâu thuẫn ấy cũng chính là mâu thuẫn của Heidegger khi Heidegger muốn vượt qua siêu hình học của Nietzsche và Platon. Chính Heidegger cũng đã thất bại, chính sự thất bại của Heidegger đã đưa Heidegger trở về với tiếng ca của thi sĩ, như tiếng ca Hölderlin và Hebel. Tiếng ca của thi sĩ và tư tưởng của tư tưởng gia, đó là ngôn ngữ của sự im lặng phát từ sự cảm tạ, vì tư tưởng thành tựu là sự cảm tạ (Danken) của con người Suất tính (Seinlassen) vì Xuất tính (EK-sistenz), để cho Tính thể được là thể tính (sie lässt das Sein – sein). Chính sự thất bại lớn lao của tư tưởng gia Heidegger đã làm một cuộc chuyển tính (Kehre) cho tư tưởng gia Heidegger thành ra thi sĩ Heidegger. Sự thất bại của Heidegger là một điều biến đổi tôi trở nên một con người tư tưởng, nghĩa là một con người tư tưởng mãi về điều không thể tư tưởng được, điều ấy là sự thất bại của ý thức con người trước hư vô, trước cái chết, trước thể tính và tính thể, trước toàn thể và toàn tính, trước siêu việt thể và siêu vượt tính; từ sự thất bại lớn lao cao vút của Heidegger, kiên nhẫn và chậm rãi, tôi đọc lại toàn thể những gì đáng đọc trong toàn thể truyền thống triết lý Tây phương và Đạo lý Đông phương; kết quả của sự suy tưởng kiên nhẫn ấy là quyển Im Lặng Hố Thẳm. Trong quyển Im Lặng Hố Thẳm, tôi muốn dùng sự thất bại vĩ đại của Heidegger để viết lại hướng đi của triết lý Tây phương và đạo lý Đông phương, nhưng điều khó khăn nhất vẫn là cách diễn đạt của tôi, vì đối mặt với cái không thể nghĩ được, tôi không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ sáng sủa mạch lạc, vì sự sáng sủa, mạch lạc, nghĩa là viết triết lý, trình bày triết lý và tư tưởng với lập luận chặt chẽ của giáo sư đại học thì tôi sẽ rơi vào sự phản bội lớn lao nhất với chính nỗ lực suy tư của con người bị đặt trước Hư Vô và Thế Mệnh; đó là lý do cắt nghĩa tại sao có nhiều giáo sư đại học đã trách rằng tôi “viết triết lý như làm văn nghệ”, lời phê phán ấy phát xuất từ cái nhìn quá non nớt của những giáo sư triết lý mà chưa bao giờ biết triết lý hay chỉ coi triết lý như một nghề sinh nhai hoặc một sự tô điểm tinh thần cần thiết cho vị thế trí thức của mình. Đang khi siêu hình học và triết lý đã chấm dứt sứ mạng, đang khi sự sáng sủa, mạch lạc, minh bạch, khúc triết bị tố cáo như là phát xuất từ sự sai lầm của Platon trong ý niệm về λαμπρότης vì cách nhìn của Platon đối với thế gian đã bị đồng hoá qua phạm trù nhãn quan, vì Platon đã thể nghiệm Tính thể như là ý quan thể (eidos), tức là một vật thể được quan kiến (idein) bởi con người, và chân lý đã đánh mất bản tính và trở thành sự chính xác (orthotēs) của quan kiến ấy. Từ đó, đến Descartes thì triết lý cận đại và hiện đại được mở màn, từ chủ tính của Descartes mà nhu cầu về mạch lạc, sáng sủa, khúc triết lại càng trở nên khẩn cấp hơn nữa, qua quan niệm của Descartes về chân lý như là sự xác tín (certitude).
BVX: Nghe anh lý luận, chính tôi, ngồi ở nơi đây, cũng khó tin anh lại là một giáo sư dạy Triết tại Đại học…
PCT: Đi từ ý thức trên, tất nhiên là tôi không thể trình bày tư tưởng hay triết lý như một học giả, hay như một triết gia nhà trường, hoặc như một giáo sư triết học ở đại học. Đó là những hạng người mà tôi tàn nhẫn gọi là những tên thợ về triết lý hoặc những tên nô lệ học đường, bàn tay của họ đụng đến đâu thì ở đó trở thành bụi bẩn ở thư viện hoặc bảo tàng viện, họ dạy vì người khác đã dạy họ học, họ viết vì người khác đã dạy họ viết như thế, họ không dám đi ra ngoài thông lệ. Nỗi khổ tâm nhất của tôi trong mấy năm gần đây là phải dạy triết lý cho Đại học Vạn Hạnh; đôi lúc tôi cảm thấy bất lực khi đứng giảng triết lý cho sinh viên, vì tôi chỉ có thể dạy họ hiểu những gì có sẵn trong những sách triết lý, nhưng mỗi khi tôi muốn giảng khác đi, dạy những gì không có trong sách vở thì tôi có cảm tưởng rằng họ không hiểu được những gì tôi muốn nói, mỗi khi tôi bắt đầu suy tư lớn tiếng qua sự đối mặt với bất khả tư nghị trong tư tưởng thì tôi có cảm tưởng rằng tôi chỉ nói với hư vô; sau mỗi lần giảng dạy theo điệu ấy, tôi luôn luôn muốn tự tử, vì tôi bị kéo trong sự căng thẳng cùng tột giữa ngôn ngữ và sự im lặng, giữa ánh sáng và đêm tối. Càng lúc tôi càng thấy rằng chỉ khi nào ngôn ngữ của tôi trở nên tối tăm, khó hiểu thì lúc ấy tôi mới cảm thấy gần với điều tôi muốn nói. Nhưng còn người nghe? Tôi càng diễn tả một cách mạch lạc, sáng suốt, dứt khoát thì tôi càng thành công trong việc tạo ra ảo tưởng cho người nghe rằng họ hiểu tôi, nhưng lúc ấy tôi đã thất bại một cách đau đớn trong sự đối chất quyết liệt với hố thẳm, với uyên nguyên tàn bạo của ngôn tính. Vấn đề lớn nhất của con người hiện nay vẫn là vấn đề về thể tính của ngôn ngữ, không ai hiểu nổi sự im lặng lớn lao của tất cả những tư tưởng gia vĩ đại của nhân loại, nếu mình vẫn chưa đi đến thể tính của ngôn ngữ.
Ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, tôi chưa đọc được một quyển sách tư tưởng hay triết lý nào bằng chữ Việt khả dĩ nói lên được nỗi khó khăn tàn bạo xuất phát từ sự căng thẳng cùng tột giữa hữu hạn tính của ngôn ngữ Việt Nam và hữu hạn tính của truyền thống văn hoá Đông phương trước sự đối chất quyết liệt với hữu hạn tính của truyền thống văn hoá Tây phương trong nỗi vong quốc thê thảm của con người ở địa cầu vào thời hiện đại. Suốt thời gian ở Paris, tôi cứ liên miên nghĩ về ý nghĩa của những chữ Việt thông thường như những chữ thì, thế thì, như thế, như thể, vân vân, rồi tôi suy nghĩ nhiều về những chữ Nôm, từ chữ Nôm đến những chữ Việt-Hán như tính, thể, thế, hữu, vô, thời, vân vân; từ những chữ Việt-Hán ấy, bỗng nhiên tôi chú trọng đặc biệt vào chữ Việt trong hai chữ Việt Nam; trong thời gian ấy, tôi cũng chú trọng đặc biệt đến chữ Phạn (Sanskrit) và chữ Hy-lạp, vì đó là hai ngôn ngữ của hai nền văn hoá lớn nhất của nhân loại; suốt thời gian nghĩ về ngôn ngữ, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần những quyển sách của Korzybski, I.S. Hayakawa và Wittgenstein và lý luận học biểu tượng của Suzanne K. Langer. Đặc biệt nhất là tôi đọc đi đọc lại thiên khảo luận của Karl Jaspers về tư tưởng của Long Thọ (Nāgārjuna) và quyển The Central Philosophy of Buddhism của T.R.V. Murti, nhất là sự ảnh hưởng của Kant đối với luận thuyết của T.R.V. Murti, tôi cố gắng đi sâu vào Trung Quán luận của Long Thọ và càng lúc càng thấy rằng tư tưởng gia lớn nhất của toàn thể nhân loại chính là Long Thọ. Từ cái nhìn của Long Thọ, tôi đọc lại toàn thể đạo lý của Đông phương và Tây phương qua một màu sắc mới lạ hẳn, nhưng giai đoạn ấy là giai đoạn chua chát nhất, vì tôi trải qua những sự thất bại liên miên của tất cả những bộ óc lớn lao nhất của nhân loại, trong tim và trong óc tôi chỉ còn lại một đám khói, thứ khói xanh rẻ tiền của thuốc gauloises. Khi trở về Việt Nam, tôi đã dành một niên khoá để dạy về Trung Quán luận của Long Thọ và mỗi lần vào lớp dạy là mỗi lần tôi cảm thấy mình bị đưa vào một sự mâu thuẫn gần đứt gân máu, cảm giác sau khi dạy vẫn là cảm giác của một kẻ gần sắp chết. Cũng thời gian ấy, tôi tụng kinh Bát Nhã và xoay tất cả thời gian của mình vào việc giảng dạy Heidegger, tôi muốn tạo cho Đại học Vạn Hạnh trở thành trung tâm của tư tưởng Long Thọ và của tư tưởng Heidegger. Nhưng rồi lần lần tôi lại bắt đầu nếm tất cả chua cay về sự thất bại của Heidegger, rồi tôi lại bắt đầu ngửi được sự thất bại bi tráng của Long Thọ trước sự im lặng của đức Phật, một sự im lặng mà tôi muốn gọi tên là Im Lặng Hố Thẳm. Để giải trí và làm vơi nhẹ sự căng thẳng cùng tột của trí óc mình, tôi bắt đầu tìm đọc lại những tác giả mà tôi từng khinh ghét như Platon, Aristote, Kant, Hegel và Karl Jaspers, nhất là Bertrand Russell, Étienne Gilson, Whitehead, Carnap và Ryle. Tất nhiên, Nietzsche, Rimbaud và Henry Miller vẫn là buổi điểm tâm quen thuộc mỗi ngày. Tất nhiên, trận chiến tranh Việt Nam vẫn là điều khó hiểu trong những điều khó hiểu nhất đã vồ chụp lấy tôi. Nghĩ đến chiến tranh Việt Nam thì tôi nghĩ ngay đến chủ nghĩa hư vô (nihilisme) hiểu theo Ernst Jünger trong quyển Über die Linie của Ernst Jünger, và mừng nhất là khi tôi khám phá ra rằng Ernst Jünger là bạn của Heidegger đã từng có những liên lạc gần gũi. Tôi bắt đầu đọc lại Bible và ăn nằm với những tác phẩm của những nhà thần bí Thiên Chúa giáo như Eckhart, Jakob Böhme, William Blake. Trong thời gian cô liêu này, một hôm tình cờ, tôi khám phá ra Nishida Kitarō, triết gia lớn nhất của Nhật bản ở thời hiện đại, sự khám phá ra tư tưởng của Nishida Kitarō đã làm tôi cụt hứng, vì Nishida Kitarō đã làm những điều tôi muốn làm: “luận lý học trường sở” (bashoteki) của Nishida đã sử dụng tư tưởng của Long Thọ về không tính qua sự tri ngộ thâm trầm của Nishida với triết lý Tây phương, nhất là với tư tưởng của Husserl, nhất là khi Nishida áp dụng triệt để ý niệm noēma và noēsis của Husserl trong việc lý hội thực tại. Sau khi khám phá Nishida rồi, tôi bỏ đọc sách triết lý và tìm đọc lại thơ của Rilke, Leopardi, Rimbaud. Tôi bắt đầu ngồi viết phần Phụ lục cho quyển Im Lặng Hố Thẳm, giai đoạn ấy, tôi thường nghe những Symphonies của Beethoven. Quyển Im Lặng Hố Thẳm được xuất bản vào ngày giỗ của Nietzsche, ngày 25 tháng Tám năm 1967. Nhan đề trọn vẹn của quyển sách là: Im Lặng Hố Thẳm, con đường triết lý Việt Nam. Tất cả những gì tôi đã trình bày từ trên là muốn nói lên không khí trí thức và tâm linh, những điều kiện phức tạp về tinh thần và vật chất, mà tôi đã sống và thở trong việc hoàn thành quyển Im Lặng Hố Thẳm. Phần chính của Im Lặng Hố Thẳm được viết ra tại Paris trong những hoàn cảnh đã kể trên, và phầnPhụ lục của Im Lặng Hố Thẳm được viết ra tại Sài gòn trong những hoàn cảnh đã kể trên ( và mặc dù gọi là Phụ lục, nhưng phần Phụ lục lại dày hơn phần chính và cũng không kém phần quan trọng trong vị trí tư tưởng của tôi). Quyển Im Lặng Hố Thẳm được in ra 4.000 quyển và đã được bán hết. Khi nhà xuất bản An Tiêm tỏ ý định muốn tái bản lại, thì tôi chỉ cảm thấy lãnh đạm, thờ ơ, không hăng hái gì cả, vì tôi biết rằng một giai đoạn quá khứ đã đi qua, tư tưởng của tôi bắt đầu chuyển qua một phương hướng khác, vì tôi bắt đầu cảm thấy không còn thiết tha với con đường mà tôi từng gọi ép là “con đường triết lý Việt Nam”.
BVX: Không còn thiết tha, như vậy…
PCT: Khát vọng sống lại trỗi dậy lùng bùng bên hai thái dương của tôi, tôi bắt đầu lười đọc sách, lười viết, lười sáng tác, suốt ngày chỉ nằm dài hút thuốc và nghe nhạc; khát vọng muốn làm thánh lại nổi dậy và tôi lựa chọn cuốn kinh đơn giản chất phác nhất của Phật giáo (kinh Dhammapada) để ở đầu giường, nhưng cùng lúc với khát vọng làm thánh thì khát vọng làm quỉ lại nổ như địa chấn làm rạn vỡ tim óc tôi. Tôi không còn thích làm tư tưởng gia, không còn thích làm thi sĩ hay tiểu thuyết gia, tôi chỉ muốn bỏ tất cả, đi lại từ số không, bỏ cả ý định làm thánh, bỏ cả ý định làm quỉ và chỉ muốn sống bình thường, rất bình thường, tập cười dù chẳng có gì đáng cười trên đời cả. Tôi bắt đầu đọc lại những tác phẩm tôi đã xuất bản và ngạc nhiên nhận rằng chính tôi là tác giả mà tôi cũng không hiểu những gì tôi đã viết, thế thì làm sao mong đợi độc giả hiểu được những gì tôi đã viết? Thực ra, những gì tôi đã viết không phải là cao siêu, khó hiểu, phức tạp gì cả; trái lại, tôi đã viết rất rõ ràng, dứt khoát, đơn giản. Nhưng chính sự rõ ràng, dứt khoát, đơn giản ấy lại không nói được điều gì tôi muốn nói; đáng lẽ ra tôi không nên viết gì cả, đáng lẽ ra tôi không nên dạy học,đáng lẽ ra tôi không nên đọc bất cứ cuốn sách nào cả, đáng lẽ ra tôi không nên tự coi mình là một cái gì đó, đáng lẽ ra tôi nên không là gì cả, không làm gì cả, không đau đớn gì cả, không biết gì cả, không hiểu gì cả. Mà thực ra tôi đã hiểu được gì? Những quyển sách của tôi viết chỉ là những đôi giày cũ tôi đã vứt bỏ đây đó ở mọi nơi, như những đôi giày tôi đã vứt bỏ ở Florence, ở Genève, ở New York. Những quyển sách của tôi bắt đầu ngó vào tôi như chửi vào mặt tôi; khi bước vào những quán sách ở đường Lê Lợi, tôi thấy những quyển sách ấy ngó nhìn tôi với một ngàn tiếng “đáng lẽ”. Tôi đã làm gì cho đời tôi? Tôi đã là gì, ra gì? Tại sao thế này? Tại sao thế kia? Càng lúc tôi càng thấy mình xa lìa tất cả tư tưởng, xa lìa tất cả triết lý, xa lìa tất cả đạo lý. Sự xa lìa ấy là sự thụt lùi, sự lùi bước; tôi cảm thấy có một cái gì rút đi khỏi tôi như một cơn rút của thuỷ triều, như một con sông chảy lùi. Tôi thấy không còn tiến đi tới đâu nữa. Sự thoái bộ, à, sự thoái bộ, tôi sống qua sự thoái bộ toàn triệt của đời sống và của tâm thức. Khi sự thoái bộ của tâm thức tôi lùi đến chỗ cùng độ thì bỗng nhiên tôi gặp chữ “Rückschritt” trong một bức thư của Heidegger gửi cho giáo sư Manfred S. Frings, viết vào ngày 20 tháng 10, 1966. Chữ Đức “Rückschritt” có nghĩa là sự thoái bộ, và theo Heidegger, lịch sử của triết lý chỉ có sự thoái bộ, và triết lý khác hẳn khoa học là khoa học thì có sự tiến bộ (Fortschritt) còn triết lý, đúng nghĩa là triết lý thì chỉ có sự thoái bộ (Rückschritt) và chính sự thoái bộ ấy là sự thụt lùi để trở về suối nguồn của tất cả tư tưởng, của tất cả lịch sử, của tất cả khoa học, triết học, văn học, nói tóm lại, suối nguồn của toàn thể ăn minh nhân loại. Chỉ nội một chữ “Rückschritt” trong tư tưởng gần đây của Heidegger cũng đủ đẩy lùi tôi ra khỏi cơn bế tắc của tâm tư trong suốt thời gian gần đây.
BVX: Ra khỏi cơn bế tắc đó rồi…
PCT: Tôi bắt đầu sống hăng hái lại, say sưa viết lại, đọc sách lại, đi lại con đường triết lý mà tôi gọi là “con đường triết lý Việt Nam”, vì khi trải qua kinh nghiệm về sự thoái bộ triệt để kia thì chỉ có một chữ “Rückschritt” của Heidegger cũng đủ sức làm chảy lại dòng Cửu Long trong tâm thức tôi. Sự tiến bộ của sông Cửu Long đã được bày tỏ bằng những xác chết lềnh bềnh của những con người Việt Nam và sự thoái bộ của sông Cửu Long đã được tô điểm bằng những bông lau và bông bèo. Tôi tìm đọc lại một lần nữa, đọc lại những quyển sách tôi đã xuất bản; bây giờ những quyển sách ấy không còn nhìn ngó tôi, tôi với những tiếng “đáng lẽ”, tôi nhìn thấy rằng những quyển sách ấy phải được viết như thế, tôi để những quyển sách ấy được là thế, để cho tính thể của chúng nó được thể tính “laisser-être, letting be, senlassen” (Gelassenheit!). Đọc lại quyển Im Lặng Hố Thẳm, tôi thấy rằng quyển ấy đã trung thành triệt để với sự thoái bộ của triết lý qua phương pháp suy tư: Reductio ad Impossibile và Via Negativa. Con đường triết lý Việt Nam phải là con đường thoái bộ của triết lý, vì sự thoái bộ ấy đưa đến sự tiến bộ của hư vô và chiến tranh Việt Nam là sự tựu thành của sự tiến bộ (Fortschritt) của Hư vô. Vấn đề quyết liệt nhất hiện nay không phải là tẩy trừ hư vô, vì sự tẩy trừ đặt căn tính từ thể tính của hư vô; vấn đề quyết liệt nhất của con người Việt Nam hiện nay là cưu mang hư vô, để cho hư vô được là hư vô. Và kinh nghiệm của Việt Nam không phải là kinh nghiệm riêng lẻ mà lại là kinh nghiệm mãnh liệt nhất trong tất cả những kinh nghiệm trong toàn thể văn hoá nhân loại đối với hư vô. Chữ “việt”trong Việt Nam có nghĩa là “vượt qua” mà cũng có nghĩa là “đi lên và đi xuống”; trong tinh thần tinh nghĩa Hán – Việt thì việt vừa có nghĩa là “vượt”vừa có nghĩa là “rơi”. Kinh nghiệm của Việt Nam là đi xuống hư vô và đi lên trên tất cả kinh nghiệm của nhân loại hiện nay về việc đối mặt với hư vô. Ở thời Lý tại Việt Nam, một tư tưởng gia Việt Nam tên là Thiền sư Ngộ Ấn, đã nói đến “Diệu Tính Hư Vô” và nói lên sự khó khăn trong việc lãnh hội diệu tính hư vô (diệu tính hư vô bất khả phan). Hư vô của Thiền sư Ngộ Ấn không phải là hư vô của tư tưởng Tây phương, cũng không phải hư vô hiện nay đang vây phủ toàn lãnh thổ Việt Nam. Chủ nghĩa hư vô hiện nay đang thao túng toàn thế giới và đã thao túng Việt Nam một cách mãnh liệt nhất; chính chủ nghĩa hư vô ấy đã phát hiện qua sự thụt lùi của “diệu tính hư vô” của Ngộ Ấn. Sự thụt lùi ấy thuận theo tính mệnh của toàn thể nhân loại ở thời hiện đại. Tư tưởng gia và triết gia Việt Nam hiện nay không phân biệt Gia-tô giáo hay Phật giáo, tư sản hay vô sản, cần phải suy nghĩ về sự thụt lùi ấy, và chỉ có tư tưởng gia hay triết gia Việt Nam nào đủ sức chịu đựng sự thoái bộ của triết lý, đủ sức ý thức về ự thụt lùi của “diệu tính hư vô” thì mới đủ tầm vóc để đứng dang chân trên thế mệnh của nhân loại ở thời hiện đại.
BVX: Muốn đủ tầm vóc ấy, cần phải…
PCT: Sứ mệnh ấy đòi hỏi những điều kiện sau đây:
1. Xác định lại giới hạn của tư tưởng Tây phương (được thể hiện qua triết lý, siêu hình học, tâm lý học, luận lý học, xã hội học, tất cả những khoa học).
2. Xác định lại giới hạn của tư tưởng Đông phương (được thể hiện qua đạo học Ấn độ, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo).
3. Xác định lại giới hạn tính của giới hạn (hay hữu hạn tính của ngôn ngữ và con người).
Nhưng trước khi làm được những việc trên, tầm quan trọng nhất là phải tìm hiểu giới hạn của ý thức con người đối với hư vô. Tất cả những nền khoa học hiện nay đều chối bỏ hư vô: sự tiến bộ (Fortschritt) của hư vô là sự thoái bộ (Rückschritt) của sự Huyền bí. Huyền bí càng thoái bộ thì Huyền tính càng thụt lùi, sự thụt lùi này không phải gây ra bởi sự tiến bộ của khoa học mà chính sự thụt lùi này làm nền tảng chính phát triển toàn triệt của khoa học. Con đường triết lý Việt Nam phải bắt đầu bằng sự ý thức nẩy lửa về sự thất bại lớn lao nhất của con người trước sự lấp đầy hố thẳm không đáy: Trong quyển Hố Thẳm Tư Tưởng, tôi đã nêu lên sự xác định:
“Suy tư trong tương lai phải là suy tư về bóng tối mà không bi quan và không uỷ mị” (trang 216)
Câu nói trên trở nên khó hiểu hơn nữa khi người ta không chịu hiểu:
“Bóng tối là máu me, máu nguồn của tất cả dòng máu trong cơ thể con người và sinh vật. Bóng tối cũng là máu của mặt trời.” (trang 216)
Viết triết lý mà viết bằng ngôn ngữ như trên thì chỉ có nghĩa là làm tối thêm những gì vẫn luôn luôn đen tối.[Một học tăng gõ cửa, bước vào trình một tờ giấy. PCT lướt đọc, vẫy tay cho người học tăng lui ra. Tôi nhắc với PCT quan niệm về cuộc chiến tranh Việt Nam của Bertrand Russel. Anh mỉm cười buồn rồi chậm rãi nói tiếp.]
PCT: Sự leo thang của trận chiến tranh ở Việt Nam xuất phát từ sự tiến bộ của hư vô, nhưng rồi đây khi chiến tranh ở Việt Nam được chấm dứt và hoà bình hiện đến thì sự tiến bộ của hư vô lại càng đi nhanh một cách phũ phàng hơn nữa. Diễn tả sự tiến bộ của hư vô thì chỉ có nghĩa bị kẹt vào ngôn ngữ hiện thời, thứ ngôn ngữ bị qui định trọn vẹn bởi sự tiến bộ hư vô kia. Sự thoái bộ của tư tưởng chính yếu đòi hỏi sự thoái bộ của ngôn ngữ chính yếu; dụng ngữ của Việt ngữ càng nhiều thêm lên hiện nay, sự thể này chỉ chứng tỏ rằng sự tăng trưởng của Việt ngữ chỉ là hậu quả của sự tiến bộ của hư vô; ngôn ngữ Việt Nam được tăng thêm nhiều chữ mới, nhưng sự tăng trưởng ấy chỉ nói lên sự nghèo nàn của suy tư và sự thiếu thốn về sự quyết định trầm trọng đối với tính mệnh Việt Nam. Sự tiến bộ của ngôn ngữ Việt Nam hiện nay là chướng ngại lớn nhất cho sự thoái bộ của ngôn tính chính yếu, không cho tiếng nói sâu thẳm của Việt Nam được thụt lùi trở lại Uyên Nguyên. Nỗi khó khăn lớn lao nhất cho con đường triết lý Việt Nam là đứng bên trong sự tiến bộ của ngôn ngữ Việt Nam hiện nay mà vẫn giữ được sự thoái bộ của ngôn tính Việt Nam chính yếu để cho Việt Tính được tính thể như là thể tính. Quyển Im Lặng Hố Thẳm đã đi trên bước thụt lùi ấy, đó là lý do cắt nghĩa tại sao Im Lặng Hố Thẳm khó đọc và tối nghĩa. Siêu hình học Tây phương chẳng những đã đi vào trong ngôn ngữ Tây phương mà lại đi vào cả ngôn ngữ Việt Nam hiện nay. Đó là nỗi nguy hiểm lớn nhất mà Việt ngữ phải trải qua từ lúc được chuyển thể qua mẫu tự La-mã và từ đó cho đến nay, càng lúc Việt ngữ lại càng đánh mất Việt tính và bị qui định trọn vẹn bởi sự tiến bộ của Hư vô, nhưng thể tính của nỗi nguy hiểm kia đã được cưu mang bi đát qua ý thức sáng tạo của vài ba thi sĩ lớn của Việt Nam ở thời hiện đại như Hàn Mặc Tử ở thời trước. Chính họ là những người đã giữ cho ngôn tính Việt Nam được chập chững đi trên con đường của sự thoái bộ trở về Việt tính. Tất cả suy tưởng về Hư vô trong truyền thống triết lý Tây phương từ Platon cho đến Jean-Paul Sartre đều bị rơi vào bế tắc, vì ngôn ngữ họ dùng đã bị qui định bởi sự thành tựu của siêu hình học, tức là “siêu thể học”. Ngay đến một người có ý thức mãnh liệt nhất về Hư vô như Ernst Jünger, khi viết về sự vượt qua Hư vô, cũng bị kẹt vào ngôn ngữ của siêu thể học Tây phương; điều ấy đã khiến cho Heidegger phải minh định lại cùng Ernst Jünger trong tập Zur Seinsfrage (V. Klostermann, Frankfurt am Main, 1956). Sự tiến bộ của ngôn ngữ Việt Nam là đi cùng một nhịp với sự tiến bộ của hư vô và sự hỗn loạn của ý thức Việt Nam. Tìm hiểu ý nghĩa của chiến tranh Việt Nam là phải thụt lùi lại thể tính của sự hỗn loạn. Con đường triết lý Việt Nam phải đi cùng nhịp với tư tưởng Heidegger, nhưng phải vượt qua Heidegger bằng một bước lùi ở đằng sau suy tư của Heidegger về hư vô và tính thể.
BVX: Bước lùi anh vừa nói đó, sẽ đưa triết lý tới đâu?
PCT: Bước lùi ở đằng sau ấy đưa con đường triết lý Việt Nam đối mặt với Hố Thẳm; Hố Thẳm ở đây mang trọn vẹn ý nghĩa của Xáos của Hy lạp (cf. Hesiod, Thegony). Những trang cuối của quyển Im Lặng Hố Thẳm có nhắc đến chữ Ungrund của Jacob Boehme. Chữ Đức “Ungrund” cũng chính là ý nghĩa của Hố Thẳm. Nếu gọi Hố Thẳm là một ý niệm thì đó phải là ý niệm giới hạn (Grenz begriff). Hố Thẳm gửi sự hỗn loạn ra đời sống, vì thể tính của đời sống là hỗn loạn, nhưng sự hỗn loạn sẽ trở nên sự giải phóng và giải thoát, khi thể tính của hỗn loạn được đặt lại trong ý nghĩa của Hố Thẳm, tức Xáos. Từ Xáos của Hy lạp đến “Diệu Tính Hư Vô” của Ngộ Ấn thì sự thoái bộ của con đường triết lý Việt Nam được luân chuyển mơ màng trong một trôn ốc xoáy tròn qua ngôn ngữ của sự im lặng. Chỉ từ đó, Việt tính mới hội thành Hiện tính của Việt Nam và đưa con người Việt Nam trở về Vùng Đất Già, mảnh đất chung của toàn thể nhân loại, tức là nguồn suối đầu tiên khi triết lý chưa ra đời và con người chưa biết lý luận, nhưng đất rất gần người, trời rất gần đất, những con đường chảy vào những con sông; trên bờ, con người hóng gió và ca hát nghêu ngao; dưới nước, con người trở thành bông bèo và bông lau, để cho Im Lặng Hố Thẳm được im lặng qua tiếng vèo của lá và tiếng vù của chim giữa sự đi lên của mùa đông và sự đi xuống của mùa xuân, giữa sự vượt qua của mặt trời và sự rơi xuống của mặt trăng, một vành trăng non chưa trở thành đối tượng cho việc truy thể trong sự tiến bộ của Hư vô ở thời hiện đại. Và lời cuối cùng phải chăng là lời của thi sĩ:
A quand la récolte de l’ abîme ?René Char (Fureur et Mystère, tr. 185-186)
BVX: Lời cuối cùng của anh lại trở về với “bông bèo và bông lau”, về dòng Cửu Long rồi đó. Nhưng anh vẫn chưa cho tôi được biết gì về quê hương anh, cuộc đời anh…PCT xô ghế đứng lên, phác một cử chỉ bâng quơ về trước mặt. Khuôn mặt anh tái xanh. Có lẽ tại anh đang bệnh. Đèn ngoài đường đã bật sáng. Bàn tay anh nóng và hơi ướt, nhưng anh siết tay tôi thật chặt. Ngay cả đến cái bắt tay của anh cũng không là cái bắt tay của người tu hành — hay ít nhất, của những tu sĩ mà tôi đã được gặp. Tôi nắm chặt tay anh, nhìn sâu vào mắt anh, và — điều lạ lùng — tôi đã bắt gặp trong đó những tia nhìn nửa như tinh quái, nửa như ái ngại. Tia nhìn đó đuổi theo tôi thấp xuống những bực thang viện Đại học Vạn Hạnh, về tận toà soạn khi tôi ngồi soạn lại bài này…
Phạm Công Thiện & Bùi Vị Xuyên
Tạp chí Văn, tháng 9 năm 1969