Thẻ: Trịnh Công Sơn

  • Kinh Việt Nam – Trịnh Công Sơn

    Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác những bài hát trong cuốn băng Kinh Việt Nam từ năm 1968, là năm ông chứng kiến thành phố Huế, quê hương cổ kính của mình, bị nghiền nát trong chiến cuộc Mậu Thân. Vậy mà, lời hát của những sáng tác phản chiến này không bi thảm như những Ca khúc da vàng trước đó. Có lẽ, bi thảm đã được chứng kiến quá đủ, đã phải kêu gào quá nhiều. Bây giờ phải là thời điểm để nói về hòa bình, về một rạng đông phải đến trên quê hương điêu tàn. So với những Ca khúc da vàng, những bài hát trong Kinh Việt Nam không nổi tiếng bằng. Nhưng theo nhận định của Mây Ngàn, những ca khúc hiếm hoi này lại là những sáng tác hay nhất trong dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Lời hát thi vị và cảm động, giai điệu giản dị mà đẹp đẽ, qua giọng ca non trẻ nhưng vô cùng ám ảnh của ba chị em Vân Hòa, Vân Khanh, Vân Quỳnh lúc đó mới mười bảy mười tám tuổi, đã vang dội vào tâm tưởng con người Việt Nam hơn hết thảy mọi lời tuyên ngôn và kêu gọi của những kẻ mưu mô. Cuốn băng được phát hành năm 1972. Quý vị và các bạn có thể tải về ở đây. Trước đó, vào năm 1970, Trịnh Công Sơn tự ấn hành (ông tự đặt tên nhà xuất bản Nhân Bản) hai tập nhạc nhan đề Kinh Việt Nam và Ta phải thấy mặt trời, do hai người bạn Đinh Cường vẽ bìa và Bửu Chỉ vẽ minh họa. Sau đây là lời mở đầu của tập nhạc Kinh Việt Nam.

    Lời mở đầu

    Kinh Việt Nam là những tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một thực trạng máu xương.

    Kinh Việt Nam cũng là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu này.

    Những bài ca được viết từ những hân hoan lắng nghe được trong lòng người. Ðó là nỗi hân hoan của đám đông chờ mong ngày hồi sinh.

    Ðã có điều gì không thật suốt hai mươi năm nay. Một lầm lỡ đã lên đường và phải đi cho trót con đường máu xương. Như một mũi tên vô tri bỗng lỗi thời trong một nhiệm kỳ vô định.

    Chúng ta, dù muốn dù không, bị biến thành những mũi tên định hướng được bắn đi từ những đồ hình huy hoàng tưởng tượng và ngắn hạn. Dân ta tàn phế hai mươi năm. Nước mắt và máu đã làm thành những con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo.

    Ðến lúc chúng ta phải dừng tay và nhìn lại.

    Xác thân anh em thừa đủ biến thành con đập lớn ngăn chận những mưu toan phi nhân.

    Ðã mười năm nay, anh em ta săn đuổi nhau bằng hận thù giả tạo. Không thể có một thứ hạnh phúc nào chờ đợi ta sau cuộc săn đuổi dài hạn đó.

    Hố thẳm đã mở ra dưới chân dân tộc này. Lương tâm con người đang trên đà bị phát mãi. Ở cuối chân trời Việt Nam, những tia nắng nghèo nàn và bệnh hoạn từ một mặt trời hết sinh khí sắp đi vào hôn mê.

    Xin hãy dừng tay và cùng chờ nhìn một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương Ðông. Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình.

    Còn rất nhiều con đường mở ra cho tương lai chúng ta. Những con đường đưa ta về dựng lại một tổ quốc đích thực.

    Xin hãy dừng tay đề được nghe ba mươi mốt triệu tiếng hò reo trong cùng một phút hân hoan. Ðể cho con sông, dòng suối, núi rừng và mặt đất cằn khô này được thở lại điều hòa.

    Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ.

    Ta đã có sẵn một hành trang quý giá của hơn bốn nghìn năm để còn mãi bước đi trên những lộ trình mới về tương lai.

    Ta phải đi tới bằng con tim sứ giả mang niềm tin và lời hứa hẹn cửa những người đã nằm xuống.

    Ta phải tìm lại quê hương bằng sức sống mãnh liệt vì trong cơ thể ta đã luân lưu thêm dòng máu của anh em không còn.

    Quanh đây, những trường học, những bệnh viện, những đình làng, những phiên chợ, những cánh đồng sẽ được bắt đầu lại với những ngày nhân đạo, với một dân tộc nhân bản.

    Xin đừng bao giờ làm kẻ phản bội với một quá khứ hiển linh.

    Trịnh Công Sơn

    Nhân Bản ấn hành, năm 1970