Thẻ: Trần Văn Khê

  • Chuyện gia đình – Trần Văn Khê

    Đọc hồi ký khác đọc văn chương tưởng tượng ở một chỗ đáng kể. Ấy là bất cứ khi nào ta thấy xúc động, sung sướng, hoặc thích thú nhờ một chi tiết nào đó; ta ngẫm nghĩ lại, tin rằng chuyện đó vốn có thực, là chuyện đã từng xảy ra trong đời này, ta lại càng thấy cảm xúc ấy mạnh mẽ thêm lên. Hồi ký của một con người xuất chúng, đã sống một cuộc đời vĩ đại, càng có rất nhiều những câu chuyện làm ta cảm động. Mây Ngàn xin trích đăng làm nhiều kỳ những mẩu chuyện rất hay trong bộ hồi ký của Giáo Sư Trần Văn Khê. Kỳ đầu tiên là những chuyện trong gia đình.

    Má tôi hoạt động cách mạng nên phải thường xuyên đi họp xa, mỗi lần như vậy, má cho tôi tiền bánh nhiều hơn thường lệ để an ủi con khi mẹ vắng nhà. Lần cuối cùng, má tôi dự tính đi xa đến bốn bữa, nhưng tôi như có linh tánh nên cứ khóc, má tôi dỗ đủ cách mà tôi một mực không muốn cho má đi. Tiền bánh tăng lần lên đến một đồng bạc mà tôi cũng vẫn khóc. Thuở ấy một đồng bạc rất lớn, mua được 200 gói xôi hay bắp, 50 bánh bao thứ lớn gọi là bánh bao “tiền xu”. Má tôi lại cho thêm một bộ đồ vải trắng viền đen để mặc tập thể thao mà tôi rất thích và đoan chắc sẽ trở về sớm, hứa mua thêm quà cho tôi.

    Tôi tạm yên lòng, nhưng hôm sau lại khóc: “Con trả má đồng bạc, con cũng không cần quần áo thể thao, con chỉ muốn má ở nhà với con.” Má tôi túng quá phải hứa: “Thôi con đừng khóc nữa, má không đi đâu.”

    Tuy vậy đến ngày má tôi cũng phải đi. Sáng sớm má mặc cho tôi bộ đồ thể thao mới may rồi đưa tới trường. Đang học, có linh tánh là má tôi ra đi, tôi bèn chạy một mạch về nhà thì thấy má đã ngồi trên xe ngựa và bắt đầu rời nhà. Tôi lao theo xe, vừa chạy vừa khóc: “Má ơi đừng đi, đừng bỏ con ở nhà!” Nhưng chân trẻ con làm sao chạy kịp chân ngựa, tôi nhào trong vũng bùn trên đường, la lớn: “Con trả má đồng bạc đây”.

    Tôi quăng đồng bạc dưới đường, anh Bá hớt tóc cạnh nhà chạy lại đỡ tôi dậy và dỗ dành nhưng tôi vẫn khóc nức nở. Má tôi quay lại nhìn con, nét mặt rất đau khổ. Nhưng nhiệm vụ phải để trên tình riêng, chiếc xe ngựa chạy khuất chợ cá, đi thẳng về phía ngã ba đường. Sau này, tôi mới biết lần đó má tôi được lịnh đi biểu tình tại quận Cao Lãnh để chống chánh phủ thuộc địa Pháp.

    Tôi bỏ cơm suốt mấy ngày, cả nhà dỗ dành nhưng tôi chỉ chịu húp chút cháo. Ba ngày trôi qua, vẫn không thấy má tôi về. Năm ngày sau đó, có người từ Sài Gòn xuống cho cô Ba hay má tôi đang nằm nhà thương Chợ Rẫy và bác Châu y sĩ nhắn cô lên Sài Gòn gấp. Cô Ba dẫn tôi đi theo. Đến nhà thương, nhìn thấy má tôi mặt xanh xao nằm trên gường bệnh, tôi ôm má khóc òa. Má cố trấn tĩnh và dỗ tôi: “Bác Châu nói chỉ nằm dưỡng bệnh một vài tuần má sẽ mạnh rồi về nhà”.

    Sau này, tôi biết rằng khi đi biểu tình bị cảnh sát đàn áp, má tôi phải chui trong đống rơm. Cảnh sát lấy lưỡi lê đâm loạn xạ vào đống rơm, má tôi bị hai vết vào người, phải lấy rơm vuốt lưỡi lê chùi vết máu để bọn chúng không phát hiện. Lúc đó má tôi đã có mang được hơn ba tháng, khi chạy trốn bị té nên sẩy thai. Má tôi lại đau tim nên ngất đi mấy lần, sau đó được đưa vào Chợ Rẫy vì ở đây có y sĩ Châu vốn rất thương gia đình tôi lại có quyền thế trong nhà thương. Tuy được chăm sóc chu đáo nhưng má tôi sức yếu nên bệnh trở nặng. Hai tuần sau, cô Ba chở má tôi về làng.

    Má tôi nằm dưỡng bệnh tại nhà cậu Năm vì nơi này rộng rãi lại ở trong vườn, ít người dòm ngó, hàng ngày tôi đều đến thăm. Bệnh ngày mỗi nặng thêm, một hôm khi cô Ba dẫn cả ba anh em vào thăm, má tôi nói với cô: “Con đứa lớn đứa nhỏ, chưa đứa nào đủ khôn để lo cho em. Em lạy chị Ba, em gởi các con cho chị thay em nuôi chúng nên người”. Má tôi chấp hai tay xá, gương mặt đau khổ mà không còn nước mắt để khóc. Cô Ba tôi khuyên: “Em yên lòng, ít lâu sẽ lại sức. Có bề gì chị Ba hứa sẽ thay em mà nuôi cháu.”

    Má tôi yếu lắm và đã mấy lần hấp hối. Anh Ba Thuận báo tin cho cậu Năm tôi lúc đó đang làm ruộng ở Đồng Phèn hay để kịp về cho má tôi nhìn mặt. Ngày 25 tháng 6 âm lịch cậu Năm về tới nhà, chạy đến bên giường của má tôi. Má mở to mắt nhìn, thều thào “Anh Năm”. Cậu tôi khóc và kêu lên: “Em Tám ơi! Anh Năm về đây”. Má tôi nấc lên mấy lần rồi trút hơi thở cuối cùng.

    Thế là mới chín tuổi tôi đã mồ côi mẹ.

    *

    Cô Ba tôi rất nghiêm. Từ lúc cô thay má tôi nuôi nấng dạy dỗ chúng tôi, trong nhà mỗi đứa phải biết tự lo sắp xếp tủ quần áo của mình. Mỗi ngày phải tự giặt quần áo với nước tro cho đỡ tốn xà bông, chỉ có giặt đồ trắng mới được dùng xà bông đá.

    Gần Tết, anh em tôi phải chùi lư, chùi chân đèn cho bóng, giúp cô tôi quết thịt để gói nem, phải học dồn lạp xưởng. Trạch và tôi vừa làm vừa giỡn nhưng cô tôi không rầy, miễn sao quết thịt cho dai thì thôi. Hai anh em thay phiên nhau, đứa này quết thịt thì đứa kia thổi kèn harmonica và làm theo nhịp đờn nên không mệt mà lại thấy vui.

    Tuy rất kính phục và vâng lời cô tôi, nhưng tôi cũng là đứa trẻ có cá tính, chuyện gì thấy không hợp lý thì tôi không nghe theo mà cãi cho ra lẽ. Cô Ba biết rõ tính tôi nên cũng không giận.

    Một hôm cô bảo tôiđứng trên ghế đẩu để đóng đinh treo khuôn hình. Cô dạy tôi cách cầm búa ở tay mặt, tay trái giữ cây đinh, rồi đứng nhìn tôi tập làm. Tôi có tật hay đổ mồ hôi, vừa leo lên ghế mồ hôi đã tuôn ra như tắm. Cô tôi phê bình: “Chưa làm gì hết mà ra mồ hôi như vậy, sức đâu có đủ để làm việc nặng hơn!”. Tôi trả lời: “Thưa cô, nếu con làm biếng, cô rầy con bảo phải siêng năng thì con có thể sửa tánh. Còn chuyện đổ mồ hôi thì vì cơ thể con như vậy, con không thể làm cách nào để cho mồ hôi đừng chảy”. Cô thấy tôi nói có lý, bèn cười và vò đầu tôi mà nói:“Sao con lý sự quá vậy?”

    Tôi bị cận thị nặng không nhìn rõ được nên đóng đinh thường làm đinh bị cong. Cô tôi chê: “Có cây đinh mà đóng cũng không ngay. Con cố tập cho khéo tay một chút”. Tôi nghe lời nhưng cũng thưa lại một câu: “Thưa cô, con sẽ cố gắng lần sau đóng cho ngay hơn. Nhưng tay con tuy đóng đinh không ngay, mà con nhấn chữ đàn đúng hơi đúng giọng. Cũng như anh bán dầu sang dầu từ chai này qua chai khác, không cần cái quặng mà dầu không đổ ra ngoài. Nhưng anh không ráp được bàn ghế. Anh thợ mộc thì ráp bàn ghế giỏi mà không sang dầu được”. (Tôi lấy bài đọc trong Cổ học tinh hoa để tự bào chữa). Cô tôi chấp nhận nhưng nói thêm: “Con nói nghe có lý. Nhưng nếu tay con đàn được mà đóng đinh cũng ngay, có phải hơn không?”

    *

    Em Trạch tôi tuy tuổi mới mười lăm đã “cảm” cô N., ái nữ cậu Tám Bổn, người dạy tôi đờn tranh bản vọng cổ nhịp 16. Cô gái ấy thùy mị, dễ thương và là bạn thân của em gái tôi. Sáng sáng em N. tới tìm Ngọc Sương trò chuyện, có khi tâm tình đến lúc trời chạng vạng tối, nên Khê em thường phải đưa em N. về.

    Không có gì qua khỏi mắt người lớn. Cô Ba tôi thấy hai đứa trẻ có vẻ quyến luyến nhau, một hôm bàn với cậu Tám cho em N. đi nghỉ hè xa một thời gian.

    Không còn gặp được người bạn gái “hạp nhãn, hạp tình” em Trạch đâm buồn, nghĩ tại cô Ba sắp đặt cảnh chia ly nên một hôm khi cô đi vắng Trạch đem hết mấy cây đờn tranh, đờn tỳ bà của cô bứt toàn bộ dây bỏ ngổn ngang dưới đất. Tôi hoảng hốt, nói với đứa em đang đau khổ vì tình:

    _Trời ơi, một chút nữa cô Ba về hỏi, anh Hai biết trả lời thế nào?

    Trạch lau nước mắt nói:

    _Em cũng không biết trả lời làm sao hết. Chắc bận này bị rầy mục xương, không chừng bị đòn nữa. Thôi em làm em chịu. Cô Ba hỏi, anh Hai cứ nói em nổi cơn điên bứt hết dây đờn sau đó bỏ nhà đi rồi.

    _Em đi đâu?

    _Chắc em đi Mỹ Tho chớ biết đi đâu.

    Tôi khuyên em đừng đi đâu cả, tôi sẽ tra lại dây đờn, nếu không kịp thì nghĩ cách giải thích sao nghe hợp lý rồi xin lỗi cô Ba, chắc chỉ bị rầy sơ thôi. Nhưng Trạch không nghe.

    Trong lúc tôi đang loay hoay tra dây đờn thì cô Ba về, hỏi tôi vì sao dây đờn bị đứt hết, tôi mếu máo trả lời:

    _Khê em trong lúc quá buồn, lên cơn bứt cả dây đờn, con can không kịp. Cô đừng rầy em tội nghiệp. Con sẽ lên dây lại cho cô.

    _Nó đâu rồi?

    _Dạ con không biết. Nó sợ cô rầy nên trốn đi khỏi nhà rồi.

    Cô tôi không nổi giận như chúng tôi lo mà buồn ra mặt. Cô bảo tôi: “Con phải đi tìm em về. Nói với nó cô không giận và hứa sẽ không rầy.”

    Tôi vội vàng phóng xe đạp đi Mỹ Tho, cách làng Vĩnh Kim 15 cây số. Trước đây cô Ba thường khuyến khích tôi tập đạp xe đi từ làng đến tỉnh, đến nay, tôi mới thấy công dụng của sự tập luyện ấy. Ra khỏi chợ Vĩnh Kim, đi về phía Cầu Sắt, đến ngả ba quẹo sang trái, qua khỏi Kinh Xáng, Xoài Hột là đến tỉnh lỵ Mỹ Tho.

    Nhưng tôi không thể đi ngang qua cầu sắt mà không ghé thăm cô bạn gái. Nàng là ai? Từ khi thuật lại cuộc đời mình, tôi chưa có dịp nhắc đến người bạn gái rất thân mà tôi giấu kín với mọi người, nhứt là với cô Ba tôi. Hôm nay, đến lúc phải giới thiệu nàng rồi…

    Em Sáu là một cô gái quê xinh đẹp, giống em Nghĩa ở chỗ nước da trắng hồng, môi son, nhưng khác là em Nghĩa thân hình tròn trịa còn em Sáu thì mảnh mai, mặt trái xoan và đôi mắt mơ màng. Mẹ em mất sớm, cha tục huyền, em không sống nổi với kế mẫu nên về với bà nội.

    Chúng tôi quen nhau vì ở cùng làng, chỉ gặp nhau trong những buổi hòa nhạc tại nhà cô Ba tôi. Nàng thường đi với người chị thứ năm và người anh thứ ba. Nói là đi nghe hòa đờn nhưng thật ra anh Ba của em để ý chị Sáu Hường, con cậu Tư của tôi. Sau này anh chị kết duyên với nhau và chung sống đến bạc đầu.

    Tôi để ý đến cô gái quê hay ngồi trong bóng tối và hỏi thăm:

    _Em thích bản nhạc nào?

    _Em không biết đờn và em chỉ thích những bản buồn.

    _Em là người đa sầu phải không?

    _Không đa sầu mà đời cũng lắm chuyện không vui.

    _Em được ông bà, anh chị cưng chiều, còn buồn chuyện gì?

    _Anh dư biết rồi. Người khác được sống với cha với mẹ, em sống với bà nội, như anh sống với cô Ba. Thương thì được thương nhưng phận mình côi cút, nhiều khi thèm vòng tay ôm của mẹ, cái nhìn trìu mến của cha!

    Tôi không nói thêm, nhưng từ hôm đó thường nghĩ tới người đồng cảnh với mình nhưng cũng chỉ dám thương trộm nhớ thầm mà thôi. Cô Ba tôi rất nghiêm, đi đâu cũng phải xin phép, nói rõ lý do và phải về đúng giờ. Em Sáu tuy phận gái “cửa đóng then gài” nhưng lại dễ đến thăm tôi hơn nhờ có lý do đến gặp bạn, tức em gái của tôi.

    Một hôm nhân dịp đến từ giã cậu mợ Tư các anh chị để đi lên Sài Gòn học, tôi chạy xẹt qua nhà gởi mấy câu cho em.

    Em Sáu ơi,
    Chẳng biết sao em chẳng đến nhà?
    Dẫu rằng đây đó có bao xa!
    Chiều trông, sáng đợi em nào thấu
    “Một mảnh tình riêng, ta với ta!”

    Hôm tôi sắp đi Sài Gòn, nàng đến thăm em gái tôi, khi ra về đã dúi vào tay tôi một gói nhỏ: một chiếc khăn tay có thêu chữ K. Không sao tả hết được niềm vui của tôi. Tôi không bao giờ xài khăn tay của em tặng, chỉ để nhìn thôi.

    Chúng tôi nhớ nhau khi ở xa, mỗi khi tôi được về quê, tuy ở cùng chung một làng mà lại rất khó gặp. Chú Tám của nàng thường đến chơi với cô Ba tôi để bàn luận chuyện thời cuộc. Một hôm chú vừa nói với tôi vừa cười: “Chú thấy cháu với con Sáu chắc có cảm tình với nhau. Mà như vậy cũng phải, ba cháu hồi chưa lập gia đình mê cô Mười là má con Sáu nhưng cuối cùng không kết duyên với nhau được. Bây giờ tới phiên tụi bây. Cháu còn đi học, nhưng nếu thật thương nhau thì phải liệu tính sao chớ không thôi ăn trợt như ba cháu ngày xưa.”

    Chú Tám vô tình làm mình thêm khổ! Thương nhau chớ chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện hôn nhân. Cô Ba rất nghiêm, thường dặn dò tôi: “Con nhớ phải lo học cho thành tài, học xong rồi mới nghĩ đến việc lập gia đình. Đừng bày đặt thương vụng nhớ thầm mà trở ngại việc học”.

    Từ lúc chú Tám nhắc chuyện ba tôi ngày xưa thương cô Mười má em Sáu mà không cưới được, tôi ôm ấp ý nghĩ rằng, nếu sau này tôi cưới được em Sáu chắc ba tôi dưới suối vàng vui lắm. Nhưng đường học vấn còn xa quá, liệu em Sáu có đợi được chăng?

    Nhưng đó là chuyện tương lai. Còn hiện tại, tôi bồi hồi ghé thăm em Sáu, chỉ để nói với nhau mấy câu:

    _Em Sáu ơi! Hôm nay không ở lại trò chuyện cùng em được. Khê em bực mình chuyện gì đó nên bứt hết dây đàn của cô Ba, em sợ bị rầy nên bỏ nhà đi Mỹ Tho. Anh phải đi tìm.

    _Trời ơi, nó đi bất tử vậy anh biết đâu mà kiếm?

    _Không sao đâu, tình huynh đệ sẽ hướng dẫn anh. Thôi anh đi nghe!

    Tôi đạp xe đến thị xã Châu Thành loanh quanh tìm em mà chẳng khác nào mò kim đáy biển. Tôi ngẫm nghĩ tự hỏi nếu buồn mình sẽ đi về đâu? Chắc là phải dọc theo mé sông để nhìn nước chảy, may ra có thể dịu bớt ưu phiền, để nỗi buồn theo dòng nước mà trôi đi. Suy bụng anh ra bụng em, tôi đi đến mé sông, tại đây có một rặng dương, có bóng mát, hy vọng em mình sẽ ngồi đấy.

    Đúng như tôi suy đoán, Khê em đang ngồi chống tay lên cằm. Tôi đến nhẹ sau lưng:

    _Khê em ơi, anh Hai đi tìm em từ chiều đến giờ.

    _Sao anh Hai biết em đến đây mà kiếm?

    _Tình thương dẫn đường anh Hai.

    Trạch lau nước mắt và nắm tay tôi. Sau một giờ trò chuyện, em yên lòng ngồi lên đòn dông xe đạp để tôi chở về nhà.

    Còn ba cây số nữa đến nhà thì trời đổ mưa lớn, hai anh em ướt như chuột lột. Lúc ấy đã 9 giờ đêm, trời tối đen, đang đạp xe tôi nghe có tiếng người gọi tên mình.

    Ngừng xe lại, trong bóng tối, dưới gốc cây bên đường, em Sáu đang dầm mưa đứng đợi.

    Tôi bước xuống xe hỏi:

    _Sao em dầm mưa vậy?

    _Em đợi anh từ hồi bảy giờ tối. Đoán chừng giờ anh về, nên em đợi anh để hỏi anh có gặp được Khê em không. Bây giờ gặp được anh về bình yên, em an lòng. Thôi hai anh em về mau đi kẻo cảm lạnh.

    Tôi xúc động quá, ôm em Sáu vào lòng. Nước mưa thấm lạnh ngoài da mà lòng tôi thấy ấm áp vô cùng. Và đêm đó, hai đứa trẻ lần đầu tiên hôn nhau.

    Từ giã em Sáu, tôi lên xe đạp chở em tôi về nhà, tràn ngập niềm vui và lòng rộn rã vì nụ hôn đầu đời.

    Về tới nhà, em tôi rón rén đến gần cô Ba đang nằm trên ghế và nói nhỏ: “Con xin lỗi cô Ba. Từ đây con không dám bứt dây đờn nữa. Cô tha tội cho con.”

    Cô Ba ôm đầu em tôi, vò mấy cái rồi nói: “Con có việc gì buồn nên nói với cô. Con không thương cô sao bứt dây đờn của cô hết vậy? Thay đồ mau kẻo lạnh.”

    Hai anh em đi ngủ. Và đêm đó, em tôi choàng tay ôm tôi thật chặt.

    *

    Chuyện em tôi vừa mới được giải quyết, ba bữa sau đến phiên tôi!

    Sau bữa tối gặp nhau dưới mưa, em Sáu muốn gặp tôi mà vì cô tôi kiểm soát chặt chẽ, nên không còn cách nào khác là viết thơ. Nhân lúc thấy cô Ba đi chợ, em Sáu đi mau đến nhà tôi trao bức thơ rồi hối hả định về.

    Không ngờ cô Ba tôi nhìn thấy em Sáu đang đi chợ vụt biến mất, cô bèn đi ngõ tắt về nhà và bắt gặp hai đứa mới trao thơ cho nhau. Em Sáu vội chào cô và ấp úng: “Cháu sắp đi thăm bà con ở tỉnh nên đến từ giã anh Khê trước khi anh đi học Sài Gòn. Thưa cô cháu về.”

    Cô Ba không trả lời, nghiêm khắc nhìn tôi rồi hỏi:

    _Con Sáu trao thơ gì cho con, đưa cho cô đọc.

    _Thưa cô, con chưa đọc nên chưa biết trong thơ nói gì. Nhưng đây là thơ riêng của con, xin cô cho con đọc trước rồi con sẽ liệu đưa cô đọc sau.

    _Con không được cãi. Con phải đưa bức thơ đó cho cô. Đưa mau!

    Cô la to lên, mặt nộ khí xung thiên. Tôi trả lời nhẹ nhàng nhưng cương quyết:

    _Thưa cô, người khác tin con giao thơ cho con. Con có phận sự bảo vệ lòng tin đó. Xin cô đừng ép con làm trái với lương tâm con.

    _Con đừng lý sự. Cô nuôi con từ lúc con mới mười tuổi. Không phải bây giờ con lớn khôn rồi ương ngạnh với cô.

    _Cô nuôi con, con mang ơn cô suốt đời, không bao giờ dám quên. Nhưng con cũng có danh dự làm người, xin cô cho phép con đọc xong rồi sẽ thưa lại cho cô biết trong thơ viết những gì.

    _Không được. Con phải đưa thơ ngay cho cô bây giờ!

    Vừa nói, cô bước lại gần, chụp tay tôi đang cầm bức thơ. Thấy tình thế gay go, tôi vội đưa lên miệng nhai rồi nuốt luôn bức thơ.

    Cô vào nhà ngồi và bắt đầu rầy la tôi, kể tội từ việc này đến việc khác liên tục trong ba ngày.

    Không biết làm cách nào để cô bớt giận, tôi viết một bức thơ cho cô rồi nói với Trạch: “Hôm nay đến phiên anh Hai đi, để cho cô khỏi thấy mặt rồi nhớ tội mà rầy hoài. Cô mệt mà anh Hai cũng chẳng vui gì. Anh Hai sẽ đến nhà anh An ở Tân An. Anh Hai ghi cho em địa chỉ, khi cô Ba nguôi cơn giận, hay có việc chi bất trắc, em viết thơ gọi anh Hai về”. Em tôi chỉ biết im lặng ôm tôi từ giã.

    Sáng hôm sau, khi cô tôi dậy pha cà phê thì thấy bức thơ tôi để lại:

    Thưa Cô,
    Tội con nặng quá, cô không nguôi nên rầy con liên tục trong ba ngày. Con xin vắng mặt ít lâu, khi nào cô bớt giận con sẽ trở về. Xin cô tha lỗi cho con.
    Đứa con bất hiếu.

    Tôi đến ở nhà anh An gần mười ngày. Ba má An rất cưng tôi. Mỗi ngày hai anh em tắm sông, đọc sách, rồi trò chuyện tâm tình.

    Một buổi sáng. An trao cho tôi bức thơ của em tôi gởi, chỉ có một câu: “Anh Hai về gấp. Cô Ba đau nặng hai bữa rồi.”

    Tôi cám ơn ba má của An và từ giã bạn, hẹn gặp lại khi tựu trường.

    Về nhà, thấy cô Ba tôi đau nặng nên tôi quyết định đưa cô lên Sài Gòn. Trên ấy có bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, trước đây học đờn tranh với cô Ba tôi và chúng tôi xem như bà con nên gọi là chú Nhã. Chú cho cô tôi vào nằm phòng riêng để điều trị.

    _Cô Ba bị đau bao tử, nhưng chú rọi phổi thấy hơi nám. Chú phải giữ cô Ba lại vài tháng. Bây giờ còn nghỉ hè, con ở đây nuôi cô Ba, đến tựu trường, chú sẽ liệu.

    Sau một tuần, cô tôi hết ói, bắt đầu ăn được. Bữa chở cô lên Sài Gòn, cô ngồi trên xe hơi dựa vào vai của tôi và lúc xe chạy, cô ói đầy lên mình tôi.

    Cô nói với tôi:

    _Tội nghiệp con mấy hôm nay cực với cô quá. Con lo sắp đặt quần áo, tập vở để tựu trường. Cô khỏe rồi, cô nằm đây có chú Nhã, con yên lòng.

    Tôi nói với cô:

    _Con sắp phải vào nội trú, cô nằm đây một mình, cần chi cũng không có ai sai vặt. Có Ngư bạn của con tình nguyện thay con nuôi cô đến ngày cô lành bệnh.

    Cô tôi vui ra mặt. Thế là Ngư đến thay, tôi yên lòng vào nội trú.

    Trần Văn Khê

    Hồi ký, Sách Phương Nam phát hành năm 2005