Đáng ra, tiếp nối kỳ đầu Chuyện gia đình của hồi ký giáo sư Trần Văn Khê là Chuyện trường lớp. Nhưng trong tình thế biển Đông căng thẳng, Mây Ngàn chọn đăng trước trích đoạn về lòng yêu nước.
Ngày khai giảng ở trường Đại học (nay ở số 19 đường Lê Thánh Tông) để lại ấn tượng không phai mờ trong tôi. Từ nhỏ đến lớn sống ở miền Nam, mỗi lần có lễ lạc gì thì chỉ nghe bài La Marseillaise trỗi lên cùng với lá cờ tam tài, là quốc ca và quốc kỳ của nước Pháp. Nhưng trong ngày khai giảng này, sau khi dứt bài La Marseillaise thì có một điệu nhạc lạ tai trỗi lên tiếp theo cùng với một lá cờ màu vàng được kéo lên. Một anh bạn miền Bắc đứng kế bên khẽ nói: “Quốc kỳ và quốc ca của ta đấy”. Tôi vô cùng xúc động, ngây người ngắm lá cờ đang lần lần vươn lên cao, lắng nghe điệu nhạc mới mẻ mà cả hai dòng nước mắt chảy dài:
Bên núi non hùng vĩ trời Nam
Đã bao đời khí anh hùng chưa hề tan.
Lần đầu tiên trong đời tôi ý thức được rằng dân tộc mình phải có một đất nước độc lập.
Kể từ ngày đó, trong tôi có một ý nghĩ thôi thúc muốn tìm hiểu thêm về đất nước, dân tộc thời xa xưa và may mắn gặp được hai anh Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ cùng chung tư tưởng. Chúng tôi tìm đến những địa danh lịch sử như sông Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Chi Lăng, đền Hai Bà Trưng. Ở mỗi điểm di tích, tôi tưởng tượng ra bao nhiêu hình ảnh oanh liệt của ông cha thời xa xưa. Đứng trước sông Bạch Đằng, tôi hình dung ra hình ảnh Trần Hưng Đạo oai dũng đứng chỉ huy ba quân, tưởng như nhìn thấy rõ ràng từng chiếc cọc nhọn tua tủa dưới dòng sông. Lúc ấy lịch sử không còn là những dòng chữ bất động mà đã trở thành hình ảnh, sự vật cụ thể tác động đến tâm tư lớp thanh niên trai trẻ chúng tôi.
Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch năm 1941, một đoàn rất đông sinh viên cùng nhau đi dự hội Đền Hùng. Tôi dẫn đầu một nhóm sinh viên, trước đó đã tập hát bài “Bên núi non hùng vĩ trời Nam, đã bao đời khí anh hùng chưa hề tan”. Tôi bàn với anh em, chữ “chưa” dùng ở đây không ổn vì như vậy hàm ý là có thể tan, mình phải khẳng định là “không hề tan”. Trong buổi lễ, khi nhóm tôi hát thì bị nhắc là hát trật rồi, chúng tôi giải thích thì anh em đồng lòng nghe theo và cùng nhau hát vang “ đã bao đời khí anh hùng KHÔNG hề tan”.
Trong những dịp viếng thăm các di tích lịch sử, anh Lưu Hữu Phước đã sáng tác các bài Người xưa đâu tá, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng. Mỗi lần đặt xong một bài, Phước tụ tập anh em lại nghe anh đờn mandoline và hát nho nhỏ bài ca mới sáng tác. Đến lượt tôi nghe thì lại bổ sung thêm vài ý kiến mới. Chẳng hạn như bài “Ải Chi Lăng” , tôi đề nghị với Phước khi biểu diễn thì sau mỗi chữ “Chi Lăng” sẽ đệm thêm tiếng trống và tiếng chiêng truyền thống Việt Nam, trước chậm sau mau như hiệu lệnh rền vang tượng trưng cho hào khí dân tộc.
Khi anh Lưu Hữu Phước sáng tác xong bài Người xưa đâu tá , tôi soạn tổng phổ và tập cho ban nhạc rất kỹ, ban hợp xướng thì đứng trên sân khấu hát, dàn nhạc ngồi bên dưới. Lúc đem trình Ban Kiểm duyệt để xin phép, họ buộc phải đổi tựa bài hát là Kinh cầu nguyện . Nhưng hôm trình diễn tại đại giảng đường của Đại học Hà Nội, mười phút trước khi mở màn, một cảnh sát đến yêu cầu gặp mặt người chỉ huy dàn nhạc và đưa cho tôi xem sắc lịnh của Sở Mật thám cấm không được hát bài Người xưa đâu tá. Tôi nhận giấy và nói sẽ chấp hành.
Tôi lên sân khấu nói với khán giả: “Thưa quí vị, hôm nay chúng tôi dự định giới thiệu bài hát Kinh cầu nguyện tức Người xưa đâu tá, nhưng mới đây tôi vừa nhận được lịnh của Sở Mật thám và Sở Kiểm duyệt cấm không được hát bài này. Nhưng thưa quí vị, sắc lịnh chỉ ghi cấm hát chớ không cấm tấu nhạc, do đó ban hợp xướng sẽ đứng im, nhường cho ban nhạc trình diễn để quí vị thưởng thức”.
Trước đó cả tuần lễ ban hợp xướng tập đi tập lại bài hát nhiều lần nên hầu hết anh em sinh viên đều biết và thuộc lời. Cho nên khi trỗi bản nhạc lên, toàn thể khán giả đứng dậy nghiêm trang lắng nghe, trong lòng mọi người đều dào dạt một tình cảm khó tả. Lời ca tiếng hát ấy vang rền trong lòng mọi người còn lớn hơn cả tiếng của ban hợp xướng đồng ca:
Người xưa đâu tá
Hãy giúp thiếu niên dũng cảm
Người xưa đâu tá
Hãy nổi gió mưa lửa sóng
Người xưa đâu tá
Hãy giúp cho dân Lạc Hồng…
Tôi nhìn xuống thấy vài người lau vội những giọt nước mắt, còn dàn nhạc thì xúc động nên biểu diễn hay hơn bao giờ hết.
Hôm sau Lưu Hữu Phước và tôi bị Sở Mật thám triệu lên đặt vấn đề: “Mấy cậu muốn tiếp tục học hay muốn bị mất học bổng? Chúng tôi cảnh cáo các cậu lần đầu, nếu không chú tâm vào việc học mà cứ tiếp tục những hoạt động kiểu này thì sẽ bị cắt học bổng.”
Hai chúng tôi ra về, vẫn cười và bàn với nhau, tuy bị đe dọa cắt học bổng thì có e ngại thật, nhưng không phải vì vậy mà lại rút lui. Không làm được cách này chúng tôi lại tìm cách khác, vẫn tiếp tục giới thiệu thêm các ca khúc mới, bài Quốc dân hành khúc bị cấm thì đặt lời khác và sửa tên thành Sinh viên hành khúc, cấm hát bài Người xưa đâu tá thì đổi sang thành Cầu nguyện Hai Bà…
Trần Văn Khê
Hồi ký, Sách Phương Nam phát hành năm 2005