Bớt đi một trái – Bình Nguyên Lộc

Mây Ngàn tiếp tục giới thiệu một truyện ngắn rất dễ thương của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Mời quý vị và các bạn cùng thưởng thức.

Bọn họ về đến Thủ Đức là đã mười một giờ khuya. Sau khi viếng chợ đêm ngày Tết của Sài Gòn tưng bừng ánh sáng và màu sắc, họ trở về với chợ quận và có cảm giác là đang ở nhà lầu thì phải tuột xuống nhà tranh. Ánh sáng đô thành vẫn thấy đỏ rực trên trời đằng hướng Nam và nhìn vầng sáng ấy, họ nhớ đến những tà áo muôn màu họ vừa ngắm một giờ trước đây. Giờ đây màu đen của y phục những người đi sắm Tết từ trong xóm ra, sao mà u buồn lạ. Những gian hàng, phần lớn thắp đèn dầu, sao mà trông nghèo khổ và bịnh hoạn vô cùng. 

_Bây giờ ta phá cái gì cho vui đặng qua đêm chớ. Thạch đề nghị.

_Thì lại cũng cứ lăn dưa chớ còn trò gì nữa đâu. Công quyết định.

Đó là một bọn con trai năm người, sống vào thời tiền chiến rất yên ổn ngày xưa, đã hưởng rất nhiều thú vui mà vẫn còn thấy thiếu.

_Hồi sớm, tao để ý đến một hàng dưa do một con bé có duyên lắm trông nom. Không biết ở xứ nào tới mà coi bộ ngây thơ lạ. Ta có lăn dưa thì nên lăn dưa của con bé ấy và nếu có thể được, lăn luôn… nó cho vui trò. 

_Mầy nói miết, ban ngày nó có coi hàng, nhưng tối lại thì ông già bà già nó coi chớ còn đâu nó nữa.

_Ậy, mầy mới dốt phong tục. Ở chỗ khác, dưa tứ xứ về bằng ghe. Trên ghe có cả ông già bà già, con cái lu bù thay phiên nhau mà coi hàng. Ở chỗ ta không có sông, dưa về bằng xe bò. Xe bò đậu lâu không được. Tao thấy ông già ổng đánh xe về hồi sớm.

_Bây giờ bắt thăm coi đứa nào phải lăn năm nay đây. 

_Tao cho! 

_Tao! 

_Tao mới phải. Bốn năm liền tao chưa lăn lần nào hết.

_Năm nào mầy cũng kiếm cớ thối thác. Năm nay lại tham. Tao biết mà, tại có con bé ấy. May là bây chưa thấy mặt nó đa mà còn giành như vậy. Nếu bây mà thấy như tao thì…

_Thì tao còn giành dữ hơn tụi bây nữa.

_Hơn bao giờ hết, ta phải rút thăm mới được.

_Coi chừng nó gian lận tụi bây ơi. Nó đã thấy con bé rồi, thì chết nó cũng lập mưu mà lăn cho được. Phải kiểm soát cho gắt kẻo trúng phải lá “thăm tráo” của Từ Mậu Công.

Bọn họ kéo nhau vào một quán cà phê ở dãy phố ngó vào một gian hàng ngả đó mà rằng:

_Đó, gian thứ nhì kế gian góc bên trái chợ.

_Đâu con bé đâu?

_Nó ngồi trong tối làm gì thấy được.

Trong bất kỳ chợ Tết của nơi nào, cả chợ Tết của Sài Gòn cũng vậy, nếu gian mứt, gian rượu sáng sủa sạch sẽ bao nhiêu thì gian hàng dưa, bưởi lôi thôi, tối tăm bấy nhiêu. Những gian hàng ấy luôn luôn ở cuối chợ và trông giống như những người bà con nghèo ở ngõ hẻm.

Trước gian hàng mà Công chỉ, họ chỉ thấy một ngọn đèn dầu hôi đang un khói. Sau ngọn đèn, trên chiếc đệm, dưa chồng chất thư kim tự tháp, nền lớn, ngọn nhỏ. Và sau dãy núi dưa, có lẽ con bé đang ngủ gục vì vào giờ nầy chỉ còn lưa thưa vài khách hàng đi mua nhang đèn, bánh, pháo thôi.

Sợ Công gian lận, họ oản tù tì chớ không bắt thăm. Đê được thăm, anh ta nhảy ra liền khỏi tiệm.

Lạ, năm ngoái anh bắt thăm trúng, tự cho là xui xẻo, vì đi ăn cắp dưa Tết có ngày phải ăn chổi chà. Nhưng năm nay anh ta mừng hùi hụi và cứ tự bảo là vận mình đỏ lắm.

Đê bước đi những bước nhẹ nhõm, lòng thong thả không lo ngại gì hết vì anh thấy tán gái quê không gì khó cả.

Không mấy chốc anh đã tới trước gian hàng, đặt chân lên đệm và dõng dạc hỏi to:

_Ai bán dưa? 

Người chủ gian hàng bưởi bên cạnh là một người đàn bà đứng tuổi, vạch vách ngăn bằng đệm dòm qua. Bên nầy thì im lặng lạ lùng. Trong bóng tối, sau trái núi dưa hấu, đôi mắt như hai hột ngọc đang nhìn ra ngoài.

Trong ánh đèn vàng úa. Đê thoáng thấy một gương mặt không đẹp mà dễ thương, hiền hậu mà không khờ khạo tí nào. Gương mặt ấy đương bình thản nhìn anh ta hơi mỉa mai kiêu ngạo một chút.

_Dưa bao nhiêu một chục cô?

_Dạ, bán rẻ cho thầy chín đồng.

_Sao lại bán rẻ cho tôi?

_Vì có lẽ thầy không biết trả lên trả xuống, em không nỡ nói thách.

À, con bé quá quắt lắm. Nó dùng tiếng “không nỡ” là khinh mình đây! Đê nghĩ rồi nói:

_Chín đồng một chục thì chạy chín cắc một trái. Như vậy mà cô bảo là bán rẻ cho tôi. Má tôi mua dưa cỡ nầy ba cắc một trái thôi.

_Thầy làm toán chia tài dữ! Chín đồng một chục, mà ra chín cắc một trái…

Bấy giờ Đê đã ngồi xuống. Chàng ta nhìn cô gái để đợi cái phút cô lo ra đặng thi hành kế quỉ. Nhưng cô gái vẫn không nhìn đâu khác hơn là người khách hàng nửa đêm.

_Thì một chục là mười, nếu có đầu là mười hai, thì chín cắc một trái có lẽ là tạm trúng rồi chớ gì.

Nghe câu đó cô gái không nghiêm trang được nữa, rũ ra mà cười.

Đê không thèm để ý, liếc mắt dòm lại sau lưng mình thì thấy bạn hữu đã đưa nhau đứng gác từng khoảng cách nhau sáu thước.

Cô bé cười híp mắt, lắm khi rũ xuống.

Đê thừa dịp tốt, lấy tay hất một trái về hướng Công, người đứng đầu trong sợi dây xích ăn cắp dưa nầy.

Đây là một bọn trai trẻ con nhà giàu, chơi trò lăn dưa cho vui vậy thôi, không nghĩ là mình ăn cắp và không thấy ghê tởm khi làm công việc nầy.

Lăn xong một trái, và chắc bụng là bạn hữu đã chuyền mà đưa trái dưa ấy đi xa, Đê làm bộ ngạc nhiên hỏi:

_Sao cô lại cười tôi?

_Thầy đi mua dưa mà không biết dưa hấu một chục mấy trái thì lầm chết.

_Chớ cô nói một chục mấy trái?

_Dưa hấu thì một chục hăm bốn trái.

_Dữ vậy à? Đê ngạc nhiên thật tình mà nghe con số kỳ dị nầy.

_Lại còn thứ trái cây một chục mười sáu trái. Chục trầu thì chỉ có hai lá thôi. Ấy, chục của ta nó rắc rối lắm, cô bé nói thêm.

_Trời ơi, té ra tôi còn non. Cũng may là đi mua dưa thôi, chớ đi coi vợ mà khờ khạo như vầy thì lầm chết, đúng y như cô vừa nói.

_Không sao, thầy đừng lo. Một cô gái hai mươi tuổi thì vẫn hai chục tuổi. Vì tuổi tác không có chục mười sáu, chục hăm bốn mà lo.

_Nếu có chục hăm bốn thì tôi, tôi đoán là cô chưa đủ chục, có phải không cô?

_Cái đó là việc khác không ăn thua đến vụ mua dưa.

Đê một lần nữa, nhận ra gái quê dạn nói cà rỡn hơn gái chợ trong dịp trêu ghẹo của con trai. Họ bộc lộ hơn gái chợ, lắm khi rất trây trớt và có lẽ nhờ thế, họ không bị uất khí và ít sa ngã.

Bấy giờ Đê đã lăn đến trái thứ năm. Mấy anh kia, bắt dưa dính như thủ môn giỏi bắt ba-lông, và đưa dưa đi tài hình như trên bãi cỏ các cầu tướng “giao nhỏ”.

Cô bé mải cà rỡn mà không thấy gì hết. 

Đê làm bộ lập nghiêm vì thấy cô gái cũng là tay bản lĩnh, tán láo không được. Anh hỏi qua về quê quán, gia đạo cô gái, hẹn gặp nhau năm tới và tiếc phải chia tay.

_Năm tới có lẽ ba em sẽ đi chợ khác. Cái nghề dưa nầy không thể nào bám mãi một chợ được. Mỗi năm phải tiên đoán coi chợ nào ít người bán mà vào, rủi đụng đầu với nhau thì nguy. 

Đê cũng hơi bùi ngùi, đứng dậy nói:

_Rất tiếc không mua giúp cô được, vì tôi ngỡ một chục mười trái nên thiếu tiền.

_Không hề gì, thầy lấy chơi năm trái, thì trả tiền năm trái là xong.

Đê bủn rủn tay chân, muốn té quì xuống. Không phải vì anh ta sợ tốn tiền. Cũng không phải sợ tội ăn cắp. Nhưng bị một cô gái như thế lột mặt nạ một cách bình tĩnh như vậy khiến anh ta kinh khủng không biết ngần nào.

Anh ấp úng:

_Tôi… thử… xem cô có lanh mắt không.

_Em vẫn biết thầy thử, nên em cố lơ đãng cho vui trò vậy mà.

À, nó khéo lắm, con bé ấy. Thế mới chết.

_Dạ (Đê thấy cần phải lễ phép), dạ bây giờ cô tính bao nhiêu cô?

_Dạ, dưa mua tính giá khác. Còn dưa ăn thử thì cứ một đồng một trái, lấy rẻ thôi.

_Con bé mắc dịch, Đê rủa thầm. Nhưng nếu nó đòi mười đồng một trái, mình cũng phải trả, chớ dám nói gì.

*

Khi Đê theo kịp bạn hữu, anh ta mặt bí xị và làm thinh mãi, không họa theo họ mà reo đắc thắng.

_Sao, có nước mẹ gì không mà coi bộ sò thế ? Tạo hỏi.

_Có nước con thì có, chớ nước mẹ gì.

Công ngắt, chận lại nói:

_Các anh à, bọn bán dưa họ biết cái ngón của mình nên đề phòng dữ. Cứ mỗi một năm ta làm kém năm rồi một, hai trái.

_Mỗi năm bớt đi một trái dưa cũng chưa nguy. Tôi sợ năm nay phải bớt đi một người trong bọn ta, Đê than.

_Anh định bỏ chúng tôi đi lăn con bé à?

_Không lăn nó, mà chính tôi tự lăn vào nó đấy.

_Úy mẹ ơi, một cậu trong bọn mình si tình rồi đây bây ơi.

_Không si tình sao được, các anh. Phải chi các anh có bị đánh như tôi, nó vừa đánh vừa vuốt ngực thì mới biết.

_Nó đánh bằng chổi chà hay bằng gì?

_Bằng cái đòn tinh khôn mà rất dễ thương của nó.

Bình Nguyên Lộc

Tập truyện ngắn Tâm Trạng Hồng, Sống Vui xuất bản, 1963