Vòng tay học trò – Nguyễn Thị Hoàng

Trong lần xuất hiện đầu tiên với tác phẩm Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng đã gây một tiếng vang lớn trong giới văn nghệ miền Nam. Là một truyện dài đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa trong năm 1964, Kim Anh xuất bản năm 1966, tác phẩm đầu tay của một nữ giáo sư trung học Dalat, viết về câu chuyện tình yêu “trái luận lý” giữa học trò và cô giáo đã trở thành một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất thời bấy giờ. Gạt bỏ hết những quy tắc và lề lối xã hội đương thời, phải công nhận Vòng tay học trò là tác phẩm đã dũng cảm miêu tả suy tư nổi loạn của một thế hệ trẻ bị giằng xé giữa chiến tranh và ước mơ, giữa tình yêu và xã hội, trong một thời đại phân hóa sâu sắc bởi những tư tưởng và chủ nghĩa mới. Mây Ngàn xin trân trọng giới thiệu với quý vị và các bạn một vài đoạn trích trong tác phẩm này.

Trâm quay lại nhìn Minh. Trong làn ánh sáng lờ mờ của gian phòng chưa lên đèn, thân hình nhỏ bé, cái đầu cúi nghiêng của người con trai in lên nền tường màu hồng nhạt những nét vẽ linh động nhịp nhàng. Bỗng nhiên, Trâm khám phá ra, qua hình dáng đó, một cuộc sống vừa bắt đầu ngút cháy, cuồng sôi, huyên náo mà lầm lì, thơ dại mà phức tạp, cuộc sống của thanh niên thời đại. Mấy hôm trước, Minh dưới mắt Trâm hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn cách biệt. Như điệu nhạc từ bản đàn chưa một lần nghe thấy. Minh thuộc về loại nào trong cái đám con trai nôn nao xô bồ sống, yêu, đam mê, chán bỏ. Tâm trí nàng dạo một vòng về vỉa hè Saigon. Tiếng nhạc bập bùng vẳng ra từ những tiệm cà phê, đuổi theo nhau quấn quít những bước chân đi không giờ tìm thấy đích. Trong vùng ánh sáng nhờ nhờ của đèn xanh đèn đỏ về khuya, từng khuôn mặt non choẹt, ngu ngơ, từng cánh tay duỗi dài trên quầy hàng, từng ngón tay bám chặt lấy ly 33 ướt lạnh. Những bàn chân gõ nhịp xuống nền gạch. Những cái nguẩy đầu. Những cái búng tay. Những cái lắc mình đu đưa theo tiếng nhạc. Vô số những hình ảnh đó chập chờn chao lượn như những bóng ma hiện lên từ một vực tối hun hút sâu. Ngày này qua ngày khác. Đêm này qua đêm khác. Lũ con trai ngồi đó, im lìm chờ đợi, im lìm nhìn nhau. Không biết để làm gì. Để đi đến đâu. Khoảng trống không giữa cuộc đời và tâm hồn mở rộng theo vòng năm tháng. Sách vở là những khối đá nặng nề. Lớp học là nhà giam. Lời giảng bài là một thứ kinh cầu cỗ lỗ. Nét mặt thầy giáo đăm chiêu vô nghĩa. Những mùa thi rộn ràng mà chán ngán. Đậu hay hỏng cũng thế, đều buồn nản, vô vị như nhau. Không có gì thay đổi giữa những khoảng cách thời gian, đánh dấu bằng bãi trường, khai giảng. Phần nhất, phần nhì rồi đại học. Những phân khoa. Xong rồi cũng ở lại đó, lì ra đó, như con ngựa sau những vòng đua cũng phải trở về chuồng. Những phương trời nắng gió thật xa vời, chỉ mở ra trong tâm tưởng không bao giờ nguôi khát vọng. Những chuyến đi xa thành hư ảo. Cảm giác tù đày nặng nề bưng bít thêm. Người trẻ tuổi lớn lên. Già cỗi. Chán chường. Nên cảm thấy luôn luôn thừa một cái gì. Luôn luôn thiếu một cái gì, để hoài hoài ray rứt, băn khoăn. Những dấu hỏi muôn đời không giải đáp. Họ ra ngồi đó, nhìn hình ảnh mình trong vẻ rã rời của kẻ khác. Và những bước chân đi qua. Những bước chân trở lại. Thật xôn xao mà hờ hững vô cùng. Họ rủ nhau vào đêm. Uống thật nhiều. Hút liên tiếp. Mà không bao giờ say. Như gặp rất nhiều, được rất nhiều mà chẳng bao giờ yêu, yêu thành thật để thấy đời có nghĩa lý, có mục đích mà tiến tới.

*

Xe lên đến đèo Prenn, Trâm đọc hết bức thư bốn trang dài của Minh để lẫn vào hộp kẹo nhỏ. Nàng đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần đoạn cuối cùng không ngờ: “Mai cô đi rồi để lại em những lo lắng không nguôi, đầu óc trống rỗng, ý nghĩ khô khan, chữ nghĩa thiếu hụt. Biết lấy gì viết để cô hiểu và tin em yêu cô, yêu cuồng dại, yêu tha thiết, yêu với niềm lo sợ mất cô, yêu bất chấp cả mấy thằng giáo sư trù mạt, yêu say mê, yêu liều lĩnh đến cùng. Mai cô đi rồi, để lại em với bao điều hối hận dày vò, tự trách đã si mê cuồng dại, đặt tình yêu không đúng chỗ, trót đã trèo cao. Vì dù sao, dù sao cô còn trẻ đẹp quý phái biết bao người âm thầm hay bộc lộ tình cảm đối với cô. Tỉ phú, giáo sư đại học, phi công, bạn đồng nghiệp hiện tại và còn nhiều, nhiều lắm… Còn em, một học trò, mà tàn ác nhất là học trò trường cô dạy, hai bàn tay trắng không biết đếm tiền, chỉ biết đánh lộn, đánh vỡ hết những gì làm mình thất vọng khổ đau, với vòng tay học trò không bao giờ ôm giữ nổi đời cô”.Người hành khách ngồi cạnh tò mò nhìn sang. Trâm xếp thư bỏ vào ví, thẫn thờ nhìn xuống thung lũng vàng úa dưới chân đèo. Lá cây ngàn biếc lục rạng rỡ chiếu lên nền da trời xanh thoảng nhạt mơ hồ. Nỗi buồn dịu nhẹ âm thầm bỗng trào lên hai mắt Trâm, những giọt nước ấm chảy dài xuống má môi như có ai đang âm thầm cúi xuống khóc trên mặt nàng. Lũng sâu như quay tít dưới con đường xe chạy. Một khắc Trâm bỗng điên cuồng muốn lao mình xuống đó, chạy như bay biến về thành phố tìm lại Minh. Và ôm Minh trong tay. Cho nụ cười nước mắt mái tóc hương hơi quyện lẫn vào nhau. Cho đời sống chấm dứt bình yên giây phút. Rồi sau đó, mọi điều xảy ra sao, không cần nữa. Cho Minh hiểu lòng một người đàn bà cô đơn, tình yêu còn mãnh liệt gấp trăm nghìn lần tình yêu của một người con trai vừa mới lớn. Nhưng chuyến xe vượt đèo vun vút lao đi và Trâm ngồi bất động như tượng đá, trong những cảm giác dạt dào nung nấu, cho Dalat lùi dần, mất hút phía sau, lẫn vào màu xanh trùng điệp của núi đồi ký ức mê thiếp.

*

Màu đen bỗng phủ xuống bề mặt tâm hồn. Tiếng bánh xe lăn rì rào đều đặn trong khoảng trống âm u đó. Gió bão bắt đầu cuộn lên từ đáy vực sâu. Cho nàng nghe tiếng nói mình trong đó ngùi ngùi tự thú… Tôi đã bỏ đi, đã xa khuất mất mát hẳn rồi. Một năm giữa vòm trời đầy sương Dalat. Cuộc đời đó như một quê hương thoáng thấy sau bước lưu đày, không còn cơ hội trở về sống lại nữa. Tôi đã đi qua một thiên đường ảo vọng… Tôi phủ nhận, chống đối xa lạ hoàn toàn với đời sống bỗng hiện hình trong khuôn mặt thực ấy. Trước đó, sau này tôi đắm chìm trong những băn khoăn ích kỷ riêng tư. Cuộc đời đích thực không ở những chân trời xa xôi nào hết. Ở trong vòng biên cương eo hẹp đó, trong bưng bít lưu đày đó, trong tương giao lẩn quẩn tầm thường đó. Tôi trở về nhưng tôi đã bỏ đi không ăn năn luyến tiếc. Buổi sơ giao, ngày gần gũi và hôm nay cách ngăn bao giờ tôi cũng chỉ là tôi, ốc đảo hoang vu trong biển đời huyên náo. Tôi trở về, không lẩn trốn khước từ giả dối nữa. Bản thể mỗi người như một loài rễ cây ẩn kín bướng bỉnh, không thay đổi theo lá cành tươi úa trên cao. Những mùa mưa gió ấy, những điêu tàn phung phá ấy, những tan hoang trống lốc ấy, khuôn mặt đời tôi úa bao nhiêu nước mắt, thắm bao nhiêu nụ cười, hằn bao nhiêu vết thương mà vực thẳm lòng tôi vẫn trào đầy lửa cháy. Tôi trở về với tôi. Tôi trở về thắp lửa lên đuốc mờ cho hội vui cuộc đời tiếp diễn. Tôi trở về sống bằng hoài niệm quãng đời gặp gỡ trên chuyến phiêu du, quãng đời như quán trọ tôi đã chối bỏ lìa xa cùng với hành trang, chứng tích nửa đời. Ngôi nhà trắng và buổi sáng mù sương. Thang lầu gỗ đen và những bước tình yêu quấn quýt. Con đường rừng một buổi hoàng hôn nào đó. Rặng hoa đào và bóng dáng mùa xuân. Mười ngón tay em và những chiếc áo len màu. Miệng em cười và lời yêu thương muộn màng không nói. Tôi chọn em làm đối tượng một đoạn đời ngắn ngủi. Từ đêm em đi là hết. Là hết. Những đoạn đời kế tiếp của em không thuộc về tôi nữa. Tôi không chấp nhận sự biến hình phản bội đó. Em đã hủy hoại ảo tưởng trong hồn tôi nâng niu để trở thành kẻ khác. Em trở lại là em những ngày tháng cũ trước ngày em đến đời tôi. Em như cuộc đời đích thực tôi vừa thoáng thấy, hiện rõ dưới vầng ánh sáng trần trụi của khắc giây khám phá và bỗng nhiên xa lạ mất rồi. Nên tôi vẫn nhìn mà không thấy. Vẫn tìm mà không gặp nữa. Cuộc đời đó lạ tôi, khuôn mặt em từ đêm ấy lạ tôi. Mình đã quen thuộc trong đời sống nhau những ngày xanh thắm đó. Từ đêm em đi là hết, là hết. Cuộc phân ly vĩnh viễn giữa em với tôi, giữa tôi với đời, giữa tôi và bản ngã đam mê của thú rừng thức giấc.

Nguyễn Thị Hoàng

Vòng tay học trò

Kim Anh xuất bản, năm 1966